Thời sự - Bình luận

Tự bảo vệ bản thân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dù cơ quan chức năng, báo chí, dư luận nhiều lần phản ánh, cảnh báo nhưng thực tế vẫn liên tục có thêm nạn nhân mất tiền do bị lừa đảo qua điện thoại, internet.

Tình trạng lừa đảo như vậy đang nổi lên ở nhiều nước, chứ không phải chỉ riêng VN. Một tình trạng mà có thể xem là một "trận dịch" đang quét qua nhiều nước châu Á. Nhiều đường dây lừa đảo hoạt động xuyên quốc gia.

Không những vậy, chiêu trò lừa đảo cũng ngày càng tinh vi, điển hình là sử dụng kỹ thuật deepfake giả mạo cả nhân dạng người khác thực hiện các cuộc gọi video để tăng tính thuyết phục. Những chiêu trò như thế càng khiến cho người khác dễ bị sập bẫy.

Tuy nhiên, dù có tinh vi thế nào thì thực tế những chiêu trò trên đã được cơ quan chức năng, dư luận cảnh báo suốt thời gian qua. Thậm chí, báo chí còn cảnh báo sớm khi những chiêu trò lừa đảo tinh vi chớm xuất hiện ở các nước khác. Ví dụ, kỹ thuật deepfake dùng để giả mạo nhân dạng lừa đảo thì Thanh Niên cũng đã cảnh báo từ vài năm trước. Nói thế để thấy rằng một trong những cách để phòng ngừa rủi ro bị lừa đảo là cần phải liên tục cập nhật các cảnh báo từ truyền thông, cơ quan chức năng…

Qua thực tế, nhiều nạn nhân là những người lớn tuổi, khó cập nhật thông tin nhanh chóng như giới trẻ. Chính vì thế, người trẻ cần cập nhật rồi giải thích, cảnh báo cho những người thân lớn tuổi. Đó có thể là một cách phòng ngừa hiệu quả.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả là từng cá nhân phải tự trang bị kiến thức cơ bản về quy định của pháp luật như việc lấy lời khai của cơ quan công an thì không bao giờ được thực hiện từ xa bằng cách gọi điện thoại hay gọi thông qua các ứng dụng internet. Luật pháp không cho phép làm như vậy. Quy trình làm việc của cơ quan chức năng đều thông qua văn bản chính thức. Việc tự trang bị kiến thức liên quan pháp luật là nền tảng quan trọng để có thể nhận ra các hành vi lừa đảo. Một biện pháp phòng ngừa khác chính là sự cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân nhằm hạn chế rủi ro bị thu thập thông tin bởi tội phạm.

Với những cách như thế, tự bản thân mỗi người có thể trang bị khả năng phòng ngừa nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng internet.

Tất nhiên, cơ quan chức năng, chính quyền ở cấp địa phương cũng cần đưa ra những cảnh báo sâu rộng đến người dân ở địa phương. Bởi không phải ai cũng có cơ hội nhận được cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh qua internet hay qua con cháu. Cần có một nỗ lực từ nhiều phía thì mới xây dựng được một "tường thành" phòng ngừa lừa đảo đang len lỏi như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm