Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Từ Chiến dịch Mùa xuân 1975: "Thần tốc, táo bạo" trong phát triển đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Nếu trong Chiến dịch Mùa xuân 1975, chúng ta thực hiện phương châm “thần tốc, táo bạo” trong hành tiến, tiêu diệt các mục tiêu trọng điểm, hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy làm chủ địa bàn, thì ngày nay chúng ta có thể vận dụng có chọn lọc phương châm này để phát triển đất nước nhanh, bền vững, sao cho đảm bảo phát triển ngày hôm nay không làm tổn hại đến phát triển trong tương lai", Thiếu tướng, GS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2020), nhìn nhận về những giá trị đặc sắc của sự kiện lịch sử này với công cuộc phát triển đất nước hiện nay, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã trao đổi với Thiếu tướng, GS Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng.
Điều đặc biệt của lịch sử
Thưa Thiếu tướng, đánh giá về đại thắng của Chiến dịch Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một trong những điểm nhấn và bài học lớn góp phần làm nên sự kiện lịch sử đó là phương châm đánh giặc “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Ông suy nghĩ gì về bài học này?
- Tháng 1/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa mất chỗ dựa trực tiếp về sức mạnh chính trị và quân sự. Từ cuối 1974, cục diện chiến tranh chuyển biến mạnh có lợi cho ta.
Trong hai năm 1974-1975, ta lần lượt thành lập các quân đoàn chủ lực, giành thắng lợi trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974 - 6/1/1975) uy hiếp phía bắc Sài Gòn; cách mạng ở thế thắng, thế chủ động và tiến lên; Ta đẩy mạnh đánh địch khắp nơi, làm cho chúng tiếp tục suy yếu và bị động.
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Nội bộ Mỹ gặp khó khăn, tháng 10/1974 Quốc hội Mỹ ra nghị quyết không cho phép Tổng thống đưa quân trở lại Việt Nam, cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, do vậy, Mỹ khó có thể cứu vãn chế độ Sài Gòn khỏi sụp đổ.
Một số nước lớn tìm cách cản trở Việt Nam chiến thắng, nhưng thời điểm này chưa sẵn sàng hành động mạnh hơn. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để chúng ta giành thắng lợi trọn vẹn. Lúc đầu, kế hoạch đặt ra của chúng ta là giải phóng trong hai năm 1975 – 1976, sau đó rút xuống còn một năm (trong năm 1975) và cuối cùng là rút xuống còn 5 tháng, “tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm”.
Để bảo đảm thắng lợi lớn và nhanh chóng, Bộ Tổng Tư lệnh thành lập các cánh quân và tổ chức bảo đảm tác chiến chiến lược với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”.
“Thần tốc, mau lẹ” là một phương châm giành thắng lợi của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Xét toàn cục chiến tranh, trên cơ sở đánh địch lâu dài, từng bước, giành thắng lợi từng phần, Đảng ta luôn luôn năng động, sáng tạo và nắm vững thời cơ, tranh thủ thời gian để giành thắng lợi càng sớm càng tốt. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 chính là thực hiện đường lối và phương châm đó một cách đúng đắn và sáng tạo nhất.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện được coi là "mệnh lệnh lịch sử" gửi các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam, nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ". 
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cũng như các tướng lĩnh chỉ huy trên chiến trường đã luôn theo sát tình hình, giải quyết thấu đáo các vấn đề chỉ đạo chiến lược, chọn đúng phương hướng, tiến công thần tốc, táo bạo và bất ngờ, xác định đúng hình thức tác chiến và cách đánh linh hoạt, phát hiện thời cơ sau mỗi trận, mỗi chiến dịch để đôn đốc thực hiện tốt việc tổ chức chiến đấu, giành thắng lợi nhanh chóng và toàn diện.
Một khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu “thần tốc” trở thành một nội dung trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự của quân đội ta.
Từ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, với cách đánh táo bạo, bất ngờ, mãnh liệt. Chưa bao giờ ta sử dụng lực lượng quân sự lớn mạnh như trong chiến dịch này.
Cả 5 cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đồng loạt tiến quân trên 5 hướng, áp sát Sài Gòn, tiêu diệt quân địch ở vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu bên trong. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Như vậy có thể nói phương châm “thần tốc, táo bạo” là nét đặc biệt trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, thưa Thiếu tướng?
- Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 là biểu hiện của cách đánh táo bạo về việc sử dụng tập trung lực lượng, nhằm tạo thế lực áp đảo, tiêu diệt và làm tan rã tập đoàn phòng ngự lớn có chuẩn bị trước của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nét độc đáo, sáng tạo của cách đánh thần tốc, táo bạo, bất ngờ trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975 là thế trận tiến công toàn diện, trên nhiều mũi, nhiều hướng; bao vây, chia cắt, thọc sâu nhanh chóng và mãnh liệt, tạo nên thế áp đảo; vừa tiêu diệt, làm tan rã, vừa bịt đường tháo chạy của đối phương.
Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử)
Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử)
Cách đánh thần tốc, táo bạo của ta còn thể hiện ở chỗ sử dụng đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ thọc sâu và kết hợp với các lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, mở đường cho lực lượng đột kích cơ giới tiến nhanh theo các trục đường, đánh thẳng vào các mục tiêu đã chọn; kết hợp đánh từ ngoài vào với đánh từ trong ra, khiến quân địch bị chia cắt, phân tán, nhanh chóng bị tiêu diệt và tan rã.
Quân đội Sài Gòn bị bất ngờ bởi chúng ta đã sử dụng lực lượng lớn nhất từ trước tới nay, tác chiến binh chủng hợp thành, tiến công trên 5 hướng khác nhau, trong đó có những mũi thọc sâu bằng bộ binh cơ giới.
Bất ngờ hơn nữa đối với quân đội Sài Gòn là chúng ta đã huy động một lực lượng lớn xe tăng và xe bọc thép làm lực lượng đột kích, cùng hơn 500 khẩu pháo lớn, nhỏ. Quân đội Sài Gòn càng không ngờ khi chúng ta sử dụng không quân tham gia chiến dịch và mũi tiến công này diễn ra hết sức mau lẹ, bẻ gãy ý định kháng cự và kết thúc nhanh chóng.
Chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 không những là mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là nét nổi bật và đặc sắc nhất của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh với cách đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Giá trị bất diệt trong phát triển hôm nay
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân

Trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” vẫn được những người lính phát huy, đơn cử trong những năm gần đây sự lớn mạnh của Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) như một điển hình góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Thiếu tướng có cho rằng phương châm ấy, bài học ấy đang được phát huy rất hiệu quả?
- Có thể nói những người lính ở Viettel đã phát huy được phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” trong xây dựng phát triển kinh tế thời bình.
Tôi cho rằng, hơn 30 năm từ khi ra đời (6/1989), Viettel luôn nắm chắc xu hướng phát triển của công nghệ viễn thông, mạnh dạn đi tắt, đón đầu hướng phát triển của công nghệ viễn thông, dũng cảm, sáng tạo trong lựa chọn công nghệ, đầu tư; nhanh chóng dành lấy thị phần trong nước và mở rộng ra khu vực và quốc tế.
Từ một bộ phận của Cục Kỹ thuật - Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc, Viettel vươn lên trở thành tập đoàn công nghệ sản xuất, chế tạo thiết bị thông tin quân sự đáp ứng nhu cầu quốc phòng, trở thành doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, được giao nhiệm vụ sản xuất trang bị quân sự.
Tháng 4/2019, Viettel hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G, cùng Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội số, triển khai thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Viettel còn mở mang hoạt động sang các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa then chốt đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đến nay, phạm vi hoạt động của Viettel không chỉ ở trong nước, mà còn mở rộng ra khu vực và quốc tế. Những người lính Viettel xứng đáng là những chiến sĩ xung kích, phát huy phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” và giành được những thành công to lớn.
Nhìn rộng hơn, theo Thiếu tướng, phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” cần được phát huy rộng rãi thế nào để phát triển đất nước nhanh và bền vững?
- Nếu trong chiến tranh, chúng ta “thần tốc, táo bạo” trong hành tiến, tiêu diệt các mục tiêu trọng điểm, hỗ trợ lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy làm chủ địa bàn, thì ngày nay có thể vận dụng có chọn lọc phương châm này để phát triển đất nước nhanh, bền vững, sao cho đảm bảo phát triển ngày hôm nay không làm tổn hại đến phát triển trong tương lai; phát triển bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường bền vững.
Phát triển nhanh, bền vững bao hàm sự phát triển sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo công nghệ. Cần xem Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ sở, điều kiện, tiền đề để phát triển bền vững hơn.
Phát triển nhanh, bền vững, bao hàm quan tâm tới sự phát triển của mọi người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu trong chiến tranh, mục tiêu của chúng ta là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành lấy chính quyền thì phát triển đất nước nhanh, bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của đất nước, vì mục tiêu con người, dựa vào con người, do con người, trong đó phát triển kinh tế nhanh và bền vững giữ vị trí trung tâm, là mệnh lệnh, là phương sách duy nhất để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hiện nay Việt Nam nói riêng và toàn cầu đang cố gắng vượt qua thách thức đầy cam go của đại dịch Covid-19. Liên hệ với sự kiện kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã và đang phát huy giá trị từ bài học lớn của đại thắng mùa Xuân 1975 để chiến thắng trong diệt “giặc Covid-19”, thưa Thiếu tướng?
- Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc”, một mặt chúng ta cần ứng phó toàn diện ở cấp độ khu vực và toàn cầu; mặt khác, thực hành phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thương mại bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội; hỗ trợ người lao động; hỗ trợ công dân nước mình và nước ngoài gặp khó khăn, bị nhiễm bệnh…
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, chắc chắn dịch Covid-19 ở nước ta sẽ được khống chế, ngăn chặn thành công. Dập được dịch Covid-19, với hơn 90 triệu dân, lại nằm trong khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, lực lượng lao động lớn và tuổi đời trẻ…Việt Nam cần phát huy tinh thần “thần tốc, táo bạo, quyết thắng” trong vực dậy và phát triển kinh tế, vực dậy các ngành sản xuất trong nước.
Có thể nói, những bài học từ chống dịch Covid-19 cũng cần được phát huy để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong phát triển đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Theo Lương Kết (Dân Việt)

http://danviet.vn/tin-tuc/tu-chien-dich-mua-xuan-1975-than-toc-tao-bao-trong-phat-trien-dat-nuoc-1083099.html

Có thể bạn quan tâm