Thông tin chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ký biên bản ghi nhớ với FOUR PAWS (Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu) - trong đó có cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo - lập tức dấy lên những luồng tranh cãi trái chiều.
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ quyết định của TP Hội An thì cũng còn nhiều người phản đối, thậm chí có ý kiến bảo rằng "lệnh cấm" của Hội An là trái quy định pháp luật (?!).
Rất nhiều gia đình ở Hội An nuôi chó và xem đây là thú cưng của gia đình - Ảnh: NGUYÊN LINH |
Tôi gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An - để hỏi rõ sự tình. Ông Sơn khẳng định chính quyền địa phương không hề cấm đoán, mà theo cam kết ký với FOUR PAWS, Hội An khuyến khích và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán chó, mèo và không ăn thịt những loài vật nuôi này.
"Khi tổ chức lấy ý kiến, hầu hết người dân - kể cả các hộ đang mở "tiệm thịt cầy" - đều đồng thuận với chủ trương của thành phố. Sắp tới, những hộ có nguồn thu chủ yếu từ "tiệm thịt cầy" sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề" - ông Sơn cho biết thêm.
Cam kết với FOUR PAWS gồm nhiều mục đích, trong đó có hạn chế và đẩy lùi bệnh dại. Riêng đối với Hội An, đô thị cổ này đang là Di sản Văn hóa thế giới. Đó không chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài mà phải thật sự "văn hóa" từ bên trong. Từ cuối năm 2018, địa phương này triển khai đề án "Hội An - Nhân tình thuần hậu". Đã thuần hậu thì không chỉ con người hành xử tử tế với nhau mà giữa con người và môi trường, con người và động vật cũng phải có những gạch nối nhân bản.
Qua trường hợp Hội An, thấy rằng các địa phương khác, nhất là các thành phố du lịch và những tỉnh - thành đang sở hữu di sản thế giới, với độ mở cao về giao lưu văn hóa quốc tế, hoàn toàn có thể làm được như thế.
Những tổ chức bảo vệ động vật đã nhiều lần kêu gọi các nước, trong đó có Việt Nam, chấm dứt giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo. Do ăn thịt chó, mèo đã có từ lâu tại nước ta; ngày trước là dùng để cải thiện bữa ăn vì đói kém, đến bây giờ đời sống khá giả hơn song thói quen này vẫn duy trì vì đó là món ngon khó bỏ, bởi vậy không dễ cấm hẳn, nhất là khi chưa có luật.
Chó, mèo là vật nuôi trung thành, thân thuộc, có nghĩa. Giết thịt chó, mèo không chỉ phản cảm và việc buôn bán, tiêu thụ chó, mèo cũng gây nhiều hệ lụy lớn như chúng ta đã thấy. Từ bỏ một thói quen, sở thích lâu đời của một bộ phận người dân dẫu rằng không hề dễ nhưng thông qua tuyên truyền, vận động và tiến tới luật hóa là những giải pháp khả thi. Nhiều quốc gia đã ban hành luật cấm mổ thịt chó, mèo làm thực phẩm cho người.
Còn nhớ, hồi đầu tháng 10 năm nay, thiên hạ rần rần lên án việc cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tiêu hủy đàn chó 12 con của một hộ gia đình đưa từ Long An về, vì lo sợ lây lan dịch Covid-19. Nhưng ở chiều ngược lại, trong xã hội vẫn luôn có nhiều người ủng hộ giết thịt chó, mèo để làm thức ăn. Từ đó thấy rằng làm chính sách thì quan tâm "dư luận xã hội" là cần nhưng chưa đủ. Những mục tiêu tốt đẹp và các giá trị nhân văn phổ quát có lợi cho cộng đồng mà chính sách đó hướng tới mới là điều quan trọng cần lắng nghe nhất.
Theo A.Q (NLĐO)