Ưu tiên cải thiện đời sống người bị tàn tật ở làng phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngay sau khi Gia Lai hoàn thành công bố loại trừ bệnh phong cấp tỉnh, các vấn đề tiếp theo, như công tác phòng-chống bệnh phong giai đoạn tới như thế nào; số phận của các cư dân làng phong, nhất là những bệnh nhân bị tàn tật sẽ đi về đâu?... Đại diện của Bộ Y tế-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Doanh-Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong tỉnh Gia Lai đưa ra một số biện pháp tháo gỡ.

Những kết quả ấn tượng

Theo PGS, TS Lê Hữu Doanh, sau 20 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phòng-chống bệnh phong, tỉnh ta đã đạt được kết quả thực tiễn và đậm tính nhân văn. Trong đó, đáng ghi nhận là UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch tăng nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong giai đoạn 2012-2015” đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo loại trừ bệnh phong cấp tỉnh để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia phòng-chống và loại trừ bệnh phong.

 

Cán bộ y tế giám sát bệnh phong tại Plei Mắk, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.P

Hội đồng kiểm tra của Bộ Y tế gồm 14 thành viên là các chuyên gia đầu ngành về da liễu của cả nước đã kiểm tra tuyến tỉnh cho kết quả đạt yêu cầu. Trong đó, tỉnh có Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm phòng-chống bệnh phong ở tuyến tỉnh; có chương trình hành động cụ thể hàng năm về công tác phòng-chống bệnh phong của cấp xã, huyện, tỉnh. Tỷ lệ lưu hành bệnh phong trong 3 năm liền kề thời điểm kiểm tra ở dưới mức quy định của Bộ Y tế.

Đoàn công tác đã khám 34 bệnh nhân phong đang quản lý tại 10 xã kiểm tra, tất cả các bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian và được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phòng tránh tàn tật. Người bệnh phong được điều trị tại nhà, được đối xử bình đẳng như những người bình thường, được tham gia các hoạt động của cộng đồng tại nơi sinh sống. Con của người bệnh phong được đi học, xây dựng gia đình như những người bình thường. Chính quyền, đoàn thể quan tâm đến đời sống của người bệnh, có hỗ trợ cho những người bệnh nghèo (100% người bệnh phong có nhà ở cấp 4).

Kết quả kiểm tra đạt điểm trung bình là 279,4/280 điểm. Hội đồng kiểm tra kết luận tỉnh Gia Lai đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Việt Nam, xếp loại xuất sắc.
 
Thách thức còn ở phía trước

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Doanh cũng khuyến cáo, sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh, chương trình phòng-chống phong của Gia Lai sẽ gặp một số khó khăn trở ngại, đó là: Đầu tư nguồn lực và chuyên môn của các cấp lãnh đạo cho chương trình phòng-chống bệnh phong sẽ giảm. Số lượng người bệnh phong trong tỉnh ngày càng giảm nên sự lơ là chủ quan của cán bộ y tế cũng như các cấp chính quyền là khó tránh khỏi (việc này đã xảy ra ở một số tỉnh sau khi công bố loại trừ bệnh phong). Số người tàn tật do phong tại tỉnh Gia Lai còn nhiều (539 người) vẫn còn là một gánh nặng cần được quan tâm chăm sóc.

Với những thách thức trên, PGS, TS Lê Hữu Doanh kiến nghị Gia Lai cần xây dựng Chương trình phòng-chống bệnh phong chuyển sang giai đoạn sau loại trừ, với các sách lược phù hợp với tình hình mới, trong đó lưu ý đẩy mạnh công tác lồng ghép chuyên khoa vào mạng lưới y tế đa khoa. Như thế, hoạt động phòng-chống phong mới được bền vững, lâu dài (vẫn đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ y tế cả chuyên khoa và đa khoa).

Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục duy trì mạng lưới chống phong cấp tỉnh, huyện, xã. Chú trọng thực hiện công tác phòng-chống tàn tật, phục hồi chức năng cho người bệnh phong, phục hồi kinh tế-xã hội, giúp người bệnh phong cũ tái hòa nhập cộng đồng. Hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết cách tự chăm sóc tàn tật cho người bệnh phong tại nhà.

Việc hoàn thành công bố loại trừ bệnh phong cấp tỉnh không có nghĩa là bệnh phong đã chấm dứt, mà công tác phòng-chống bệnh phong vẫn được tiếp tục. Tỉnh cần sớm tiến hành chương trình loại trừ bệnh phong tuyến huyện, tiến tới thanh toán bệnh phong ở cộng đồng trong thời gian đến. Duy trì các hình thức tuyên truyền, giáo dục về bệnh phong.

Đáng quan tâm là, Gia Lai đang có 21 làng có nhiều người bệnh phong. Xu hướng tích cực nhất là khuyến khích ngày càng nhiều người không bị bệnh, và đồng bào người Kinh đến sinh sống ở làng phong để xóa bỏ kỳ thị của cộng đồng, từng bước thay đổi không còn tên làng phong nữa. Riêng đối với những người bệnh phong cũ, nhất là những cư dân làng phong bị tàn tật họ là những người bị yếu thế, dễ bị tổn thương, lại hạn chế sức lao động, do đó cần phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Tỉnh phải chú trọng hơn nữa công tác từ thiện, chăm sóc người tàn tật do phong. Vấn đề chăm sóc y tế, hỗ trợ cuộc sống, sản xuất cho người bệnh phong và chăm lo việc học hành của con em người làng phong trước hết thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh da liễu, chăm sóc thẩm mỹ cho người dân và phòng-chống tàn tật cho bệnh nhân phong thì việc thành lập Bệnh viện Da liễu tại Gia Lai là cần thiết trong giai đoạn tới”-PGS, TS Lê Hữu Doanh, nhấn mạnh.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm