Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ủy ban MTTQ phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các ông: Đỗ Văn Chiến-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Tiến Châu-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngô Sách Thực-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; các tổ chức chính trị-xã hội Trung ương và 3.462 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Quang cảnh hội nghị phản biện tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Ngọc Anh
Quang cảnh hội nghị phản biện tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Ngọc Anh


Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội; các sở, ngành liên quan và các Hội đồng tư vấn của Mặt trận tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghị quyết 18-NQ/TW với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp, 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi. Đây là định hướng chính trị đặc biệt quan trọng để sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các đại biểu tập trung phản biện đối với một số nội dung. Cụ thể: Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã thể chế hóa những điểm mới theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, các chủ trương của Đảng về đất đai; sự tương thích của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan. Việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai. Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của Nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Đồng thời, các đại biểu cần tập trung những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng giao đất, cho thuê đất; làm rõ tiêu chí giao đất, cho thuê đất, đặc biệt cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng; tiêu chí, hạn mức giao các loại đất, trong đó quy định rõ hạn mức đất giao cho tôn giáo, loại giao không thu tiền, có thu tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, góp ý, hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư (Chương VII), thể chế hóa quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW “có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; các quy định nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục việc lợi dụng; lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nghiên cứu, đề xuất các nội dung khác được quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng chưa phù hợp với thực tế, hiệu quả thấp để góp ý, phản biện xã hội.

 

NGỌC ANH

Ủy ban MTTQ phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 2
 

Có thể bạn quan tâm