Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Vang mãi bản hùng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS: Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 _ 30-4-2020), từ số báo hôm nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở vệt thông tin - tuyên truyền “Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, với những bài viết sâu sắc về chặng đường lịch sử vẻ vang, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu



Những ngày tháng Tư cách đây 45 năm, cả đất nước ta sục sôi khí thế với những bước chân thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca oanh liệt trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.

Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự cách mạng

Chưa đầy một tháng kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 ở miền Nam bắt đầu, chính quyền Sài Gòn đã mất toàn bộ Quân khu 1 và Quân khu 2, một tổn thất rất nặng nề. Để kéo dài cơn hấp hối của chính quyền Việt Nam cộng hòa, Mỹ đã lập cầu hàng không khẩn cung cấp vũ khí, trang bị quân sự cho quân đội Sài Gòn. Sau những thất bại nặng nề, Việt Nam cộng hòa tập hợp tàn quân, tổ chức tuyến phòng thủ từ xa nhằm giữ phần đất từ Phan Rang trở vào. Đánh giá thời cơ chiến lược đã chín muồi để tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt cuối cùng là TP Sài Gòn của Việt Nam cộng hòa, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể chậm trễ. Ngày 4-4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảng ủy mặt trận; ngày 14-4, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trước tình thế khốn quẫn, quân đội Sài Gòn vẫn thu gom tàn quân, bố trí phòng ngự trên các trục đường tiến quân của ta về Sài Gòn. Hệ thống phòng thủ Sài Gòn nhiều lớp với 3 phòng tuyến; xác lập yếu khu Tân Sơn Nhất, yếu điểm Bộ Tổng tham mưu, cứ điểm biệt lập Dinh Tổng thống… để phục vụ phòng vệ.

17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Quân ta trên 5 cánh quân từ 5 hướng, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy của quần chúng tổng tiến công vào Sài Gòn. Các hướng tiến quân của ta đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Quân địch không từ một thủ đoạn nào để ngăn cản bước tiến quân của ta, như “tử thủ” đánh trả quyết liệt, đào các đường hào chống tăng, gây cho ta nhiều khó khăn; phá cầu cống, lập các điểm co cụm phòng thủ… Nhưng với tinh thần “táo bạo, thần tốc, quyết thắng”, “một ngày bằng 20 năm” của đội quân “chân trần, chí thép”, 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi, là đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Lần đầu tiên quân và dân ta tiến hành một chiến dịch có quy mô lớn gồm nhiều binh đoàn chủ lực mạnh, có trang bị kỹ thuật hiện đại, tiến công bằng phương thức tác chiến hợp đồng quân, binh chủng trên quy mô lớn, với sức cơ động cao, tấn công vào một tập đoàn phòng ngự lớn nhất và là sào huyệt cuối cùng của địch, có trang bị hiện đại. Chúng ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa tiến công và nổi dậy, kết hợp giữa các cánh quân chủ lực mạnh từ ngoài đánh vào với các lực lượng tại chỗ như đặc công, biệt động, an ninh tự vệ, các lực lượng chính trị, tổ chức quần chúng… chủ động đánh chiếm, giữ các vị trí xung yếu, phối hợp lẫn nhau tấn công. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã không chia các bước, các đợt tiến công theo đội hình thê đội như những chiến dịch trước, mà Bộ Tư lệnh chiến dịch giao khu vực tác chiến và mục tiêu tấn công cụ thể cho từng quân đoàn trên từng hướng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch quân sự lớn tấn công vào một thành phố với tư cách là thủ đô, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và có mật độ dân cư dày đặc, nhưng chúng ta đã thành công trong việc vừa đánh chiếm thành phố vừa đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân. Chúng ta đã tiếp quản một thành phố gần như nguyên vẹn - là một thắng lợi to lớn mà chiến dịch mang lại.

45 năm TPHCM “cùng cả nước, vì cả nước”

Phát huy thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, 45 năm qua, nhân dân TPHCM đã luôn đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa “cùng cả nước và vì cả nước”, thu được nhiều thành tựu quan trọng, đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.

Ngay sau ngày giải phóng, chính quyền tiếp quản một thành phố với nhiều thực trạng xã hội cần giải quyết, các tệ nạn xã hội, người thất nghiệp, các lực lượng chống đối chính quyền cách mạng và một nền kinh tế tuy đã có phát triển nhất định nhưng còn phụ thuộc khá lớn vào nước ngoài. Thành phố Sài Gòn lúc này vẫn cơ bản là một thành phố tiêu thụ. Ngày 7-5-1975, Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt trước đông đảo nhân dân và nhanh chóng tiến hành các biện pháp ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh chung của cả nước, nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp đã gây nên không ít khó khăn, trì trệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công và truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM đã đi đầu trong tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp “xé rào”, “cởi trói” để “bung ra” trong sản xuất và phân phối lưu thông, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Những kinh nghiệm đổi mới ở TPHCM đã cung cấp nhiều kinh nghiệm để Trung ương đề ra đường lối đổi mới.

Từ sau thời kỳ đổi mới, TPHCM luôn giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Đóng góp của TPHCM cho GDP cả nước ngày càng cao, từ 13% GDP của cả nước thời kỳ đầu đổi mới, đến năm 2019 đã là 24%. TPHCM là trung tâm công nghiệp của khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước; hoạt động thương mại, dịch vụ và kinh tế đối ngoại phát triển. Giáo dục - đào tạo của thành phố cũng không ngừng phát triển, nâng cao mặt bằng dân trí, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa nội thành với ngoại thành. Y tế, thể thao, chăm lo sức khỏe cho nhân dân ngày tốt hơn. Khoa học - công nghệ đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân thành phố ngày càng phong phú, đa dạng. Những giá trị tinh thần mang đặc trưng nhân dân thành phố như nhân ái, nghĩa tình, năng động, sáng tạo… ngày càng được khẳng định, nhân rộng.

 Với những thành tựu đạt được trong 45 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày được giải phóng, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thể hiện trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM, TPHCM đang “Đi trước” và phấn đấu “về đích trước” trong sự nghiệp chung đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong thời gian tới.

 


Tầm vóc chiến thắng

Điều vinh dự hiếm có là sứ mệnh của Chiến dịch Hồ Chí Minh với mục tiêu cơ bản là giải phóng Sài Gòn, làm tan rã chính quyền địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước cũng chính là mục tiêu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với sứ mệnh vẻ vang và trách nhiệm nặng nề, quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh dấu một bước ngoặt to lớn, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, nâng cao uy tín Việt Nam trên thế giới.


PGS-TS NGÔ MINH OANH
(Dẫn nguồn SGGPO)

Có thể bạn quan tâm