Về đầm Thị Nại nghe sóng nước kể chuyện bể dâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về xứ võ, du khách sẽ được nghe câu ca dao quen thuộc của người dân nơi đây: “Bình Định có hòn Vọng Phu/ Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh”. Đầm Thị Nại là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của xứ Nẫu Bình Định.

Cảnh thanh bình trên đầm Thị Nại. Ảnh: Tuấn Vũ
Cảnh thanh bình trên đầm Thị Nại. Ảnh: Tuấn Vũ

Đầm Thị Nại là một trong bốn đầm nước ngọt rộng nhất ở Bình Định. Đầm rộng 4 km, trải dài hơn 10 km, với diện tích mặt nước hơn 5000 ha. Đầm Thị Nại nằm ở phía đông bắc thành phố Quy Nhơn, do sông Kôn và sông Hà Thanh hợp lưu mà thành. Ngăn giữa đầm với biển là bán đảo Phương Mai. Nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai là cầu Thị Nại. Cầu được khánh thành năm 2006, bắt ngang qua đầm với chiều dài 2.475 m, tổng cộng 54 nhịp, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam tính đến hết năm 2016. Cây cầu này được xem là một trong những biểu tượng của Quy Nhơn, đồng thời là địa điểm được nhiều lựa chọn khi đến với thành phố biển.

Trong quá khứ, đầm Thị Nại từng là một hải cảng nổi tiếng của vương quốc Chiêm Thành. Thị Nại là tên gọi gốc Chăm của đầm, có nguồn gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya, phiên âm Hán Việt là Thị Lị Bì Nại, về sau bị rút gọn mà thành Thị Nại. Trong lịch sử, đầm còn có nhiều tên gọi khác như Tân Châu, Hải Hạc đàm…

Cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai từng là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Tuấn Vũ
Cầu Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai từng là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Tuấn Vũ



Đầm Thị Nại là một trong những đầm nước nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta. Vì nằm ở vị trí quan trọng, là cửa ngõ dẫn vào kinh đô Vijaya của vương quốc Chiêm Thành trước đây và thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn sau này, nơi đây gắn liền với những trận thủy chiến “kinh thiên động địa” một thuở và số phận chìm nổi của nhiều triều đại.

Có thể kể ra những mốc lịch sử đáng nhớ như: Năm 1284, vua nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan cùng các tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi kéo quân vào cửa Thị Nại đánh Chiêm Thành nhưng thất bại, phải bỏ chạy theo đường bộ về Nghệ An, bị quân Đại Việt truy đuổi. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh chỉ huy 20 vạn tinh binh đánh tan quân Chiêm trên cửa Thị Nại, sau đó hạ thành Đồ Bàn, đánh dấu một cột mốc mới trên hành trình Nam tiến. Năm 1799, Nguyễn Ánh cử đại binh đánh tan quân Tây Sơn trên đầm Thị Nại, chiếm được thành Quy Nhơn. Năm 1800, quân Phú Xuân dưới sự chỉ huy của Trần Quang Diệu đánh vào Thị Nại do Võ Văn Dũng trấn giữ, chiếm lại được thành Quy Nhơn. Năm 1801, Nguyễn Ánh cử đại binh tiến vào Thị Nại, dùng mưu đánh bại thủy binh của Tây Sơn, thành Quy Nhơn thất thủ. Đây là trận thủy chiến lớn nhất và sau cùng giữa nhà Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, được các sử gia nhà Nguyễn sau này ghi nhận là “đệ nhất vũ công”. Người đời sau xem đây là “trận Xích Bích” của người Việt.

Quách Tấn, tác giả Thơ mới nổi tiếng, khi đứng trước sóng nước mênh mang của đầm nước từng chôn vùi bao tang thương dâu bể của lịch sử và số phận của các vương triều, đã viết nên những vần thơ cảm hoài về chiến trường Thị Nại năm xưa: “Thị Nại xưa kia vũng chiến trường/ Nổi chìm thế sự mấy triều vương…”.

Công trình trồng rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại. Ảnh: Tuấn Vũ
Công trình trồng rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại. Ảnh: Tuấn Vũ



Ngày nay, đầm Thị Nại vẫn còn đó như là chứng nhân của lịch sử. Trải qua những thăng trầm của thời gian, đầm lại trở về với vẻ đẹp bình yên, thơ mộng với cảnh sắc tuyệt đẹp, nhất là vào các thời điểm bình minh và hoàng hôn mỗi ngày. Đầm và cầu Thị Nại được người dân Quy Nhơn và du khách ở xa chọn làm điểm đến để ngắm cảnh, chụp hình, câu cá, dã ngoại…

Về thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội đi chơi đầm Thị Nại. Đến đây, được hòa mình giữa mênh mông sóng nước, thả hồn mình giữa sơn thủy hữu tình, lắng lòng trước trước bao thăng trầm của lịch sử, ghi lại những khoảnh khắc yêu thương bên cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay, chắc chắn sẽ là những trải nghiệm thú vị.

Tuấn Vũ

Có thể bạn quan tâm