Phóng sự - Ký sự

Về lại với gốm thủ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gốm Lái Thiêu (Bình Dương) vốn nổi tiếng khắp miền nam một thời nhưng rồi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự xuất hiện ồ ạt của sản phẩm gốm công nghiệp giá rẻ trên thị trường. Từ cảnh nhộn nhịp quanh năm, đến thời suy, nhà nhà đóng xưởng, người người chuyển nghề, làng gốm đìu hiu. May mắn thay, ngay cả lúc khó khăn nhất, nhiều người vì mê nét mộc mạc của dòng gốm địa phương mà kiên trì bám trụ.

Chị Trần Thị Yến tỉ mỉ với nét vẽ truyền thống trên gốm Lái Thiêu.

Thợ nghề nhớ gốm thủ công

Hơn 20 năm làm bạn với đất sét, bàn xoay, nghệ nhân gốm vuốt tay Dương Minh Tâm (phụ trách tạo mẫu và giảng dạy học viên tại Vườn Nhà Gốm, Lái Thiêu, Bình Dương) hay nói đùa là anh vẫn yêu gốm như lần đầu gặp mặt. Ngồi trước bàn xoay cùng cục đất sét xám và thau nước, anh kể lại cái duyên đến với nghề. Hồi chưa hết bậc tiểu học, nhà tận xã Trung An, huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày ngày trên đường đến trường, anh đi ngang làng gốm. Làng gốm truyền thống quê anh lúc bấy giờ chủ yếu làm chén bát, muỗng dĩa, bình chậu, phục vụ gia dụng hằng ngày. Đi bộ men theo những ngôi nhà đượm mầu đất sét, rộn tiếng nói cười, cậu bé Tâm tò mò lân la làm quen. Ban đầu ghé hỏi chơi vài câu cho biết mấy cô chú, anh chị đang làm gì mà tay lúc nào cũng lấm lem, dần dà, thành thích thú, mê say. Đi học một buổi, buổi còn lại trong ngày, anh ghé lò gốm quan xin phụ dọn dẹp, bưng bê, hỏi thêm cái này cái kia. Ngày được mấy cô chú hướng dẫn vài động tác nặn gốm truyền thống, cậu bé Tâm vui đến khó ngủ. Lên cấp hai, anh làm được vài món đồ gia dụng đầu tiên, bé xíu, cất trong nhà làm kỷ niệm như quà quý.

Tưởng chừng làm gốm chỉ là thú vui ngày nhỏ, vậy mà lớn lên, khi xuôi về Bình Dương lập nghiệp, anh Tâm tiếp tục chọn gắn bó với cái nghề bị nhiều người chê vừa cực, vừa nghèo. Ngoài 20 tuổi, chịu khó học hỏi khắp nơi, cuối cùng anh cũng tìm ra thế mạnh của bản thân là thiết kế, tạo hình gốm thủ công, đặc biệt là dòng gốm mỹ nghệ. Học nghề, làm thuê công nhật, thiết kế mẫu, quản lý xưởng và cả tự mở lò gốm để thỏa lòng mong ước, rốt cuộc, anh Tâm nhận ra, ở đâu không quan trọng, miễn được làm bạn với gốm là hạnh phúc rồi. Giai đoạn gốm Bình Dương phát triển mạnh, đơn hàng đặt tăng liên tục, chủ xưởng từ Bến Cát đến Lái Thiêu liên tục mời anh về tạo mẫu. Làm không kịp ngủ, mà vui. Các lò đỏ lửa liên tục, hàng vừa ra đã được đặt hết. Thấy bà con ăn nên làm ra, anh mừng lắm.

Từ năm 2007, nghề gốm Bình Dương bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nơi từng nhộn nhịp nhất Lái Thiêu nay nhìn quanh quất chỉ vài lò ráng duy trì hoạt động vì có sẵn đơn bạn hàng đặt. Đâu đâu cũng vang tiếng thở dài. “Gốm thủ công suy vì thời điểm đó thị trường toàn sản phẩm công nghiệp đúc khuôn hàng loạt với đa dạng mẫu mã, giá rẻ khiến nhiều nơi đổi ý. Chăm chút kỳ công cho từng sản phẩm, đổi lại chẳng được gì, nhiều người làm gốm thủ công khi ấy phần thấy buồn chán, phần không đủ lo cuộc sống nên quyết định bỏ nghề. Để ở lại, tôi chuyển đổi từ gốm truyền thống sang gốm mỹ nghệ, đồ trang trí và đưa những giá trị văn hóa dân tộc lên từng sản phẩm. Tôi tìm đủ cách trụ thêm vài năm, chờ tình hình khá hơn. Nhưng…”, anh Tâm nhớ kỹ từng tháng ngày của thời kỳ làng gốm Lái Thiêu trên bờ mai một.

Giai đoạn khó khăn kéo dài, cuối cùng, vì cần chi phí lo cho vợ con, anh Tâm buộc phải tạm ngưng làm gốm, chuyển sang nghề sửa điện. Đó là chuỗi ngày buồn tủi tới mức ám ảnh của người thợ thủ công say nghề. Còn gì đau hơn khi sống trong làng gốm mà chẳng được làm gốm? Anh Tâm kể, ngày đi làm điện, đêm về anh vẫn miệt mài nghiên cứu và vẽ mẫu gốm rồi cất kỹ vào tủ, sợ vợ thấy sẽ lo. Nhưng chẳng hiểu sao trong những ngày chật vật ấy, anh vẫn tin mình sẽ quay lại với bàn xoay, lò nung trong nay mai. Có hôm đang chạy xe, thấy người ta trưng bình gốm, anh nhớ nghề quá, dừng xe bần thần ngắm mãi… đến trễ hẹn.

Anh Dương Minh Tâm hướng dẫn cách làm ly gốm cho một bạn trẻ tham gia lớp trải nghiệm tại Vườn Nhà Gốm.

Những người kế thừa

Gần hai năm sau, không đợi thêm được nữa, anh Tâm quay lại với nghề. Lần này, ngoài việc tạo mẫu, làm bình vuốt tay, anh thêm cả khâu dạy kỹ năng cho thợ trẻ hay bất kỳ ai muốn tìm hiểu về gốm. Anh dạy kỹ lắm, học trò mê, theo học ngày một đông. Mỗi mẻ sản phẩm của học trò ra lò, anh đều kiểm tra kỹ, chỉ từng lỗi, hướng dẫn cách khắc phục. Anh nói, nghề gốm phải tỉ mỉ từng chút, cả thầy lẫn trò chịu khó thì cái bình, cái chậu mới sắc sảo, đáng công chờ đợi của khách hàng.

Ngày nghe con gái nói muốn học nghề làm gốm thủ công giống mẹ, chị Trần Thị Yến mừng hơn trúng số. Vậy là sau mấy chục năm cặm cụi vẽ từng họa tiết truyền thống trên chén dĩa gốm Lái Thiêu, cuối cùng, chị đã có thế hệ kế thừa. Ban đầu con gái chị Yến sợ khổ, không học nổi, nhưng kiên trì cũng biết được kỹ năng cơ bản. Con cần gì chị đều giúp sức, miễn sao thích gốm, chịu thương chịu khó. Ở xưởng gốm Thủ Biên (Lái Thiêu, Bình Dương), chị Yến hiện là thợ vẽ họa tiết chính cho dòng gốm truyền thống. Mỗi ngày vài chục sản phẩm, khéo tay nên hình nào cũng có hồn, mềm mại và chuẩn mầu. Khách thích đến nỗi nghe lô gốm nào có chén dĩa chị Yến vẽ đều tăng số lượng đặt hàng. Thấy khách ưng ý, chị vui về khoe với con. Tình yêu gốm thủ công được chị gieo vào con trong từng câu chuyện kể.

Hôm rồi đi ăn tiệc, thấy nhà hàng sử dụng loại chén do tự tay mình vẽ, chị Yến cứ ngồi cười mãi, chẳng biết nói sao để tả hết niềm vui trong lòng. Chị kể, nhìn các nét uốn lượn, nhấn nhá là nhớ từng công đoạn tỉ mỉ với cọ mầu. Cái khó của công đoạn này là chỉ với vài nét vẽ và số lượng mầu giới hạn vẫn phải tạo ra nét cho từng cụm họa tiết. “Ngày xưa có ai dạy đâu, đi làm công nhân trong mấy xưởng gốm, thấy người ta làm đẹp, ham quá, tôi học lóm. May mà trời cho chút hoa tay cộng thêm kỹ tính, làm dần thành thợ chính. Làm đủ xưởng, lắm khâu nhưng tôi mê nhất vẫn là vẽ gà, vẽ cá hay hoa lá trên chén dĩa thủ công truyền thống. Lạ lắm, cái nghề này càng làm càng mê chứ có thấy mệt đâu. Sau dịch thấy gốm Lái Thiêu phát triển trở lại, thợ làm như tôi phấn khởi lắm. Giờ chỉ mong ngày con gái ra nghề, đến xưởng vẽ cùng mẹ. Nghề mình chọn được con cái tiếp nối thì hạnh phúc nào bằng”, chị Yến nói, nụ cười hiện rõ trong ánh mắt, khóe môi.

Trong xưởng gốm chị Yến theo làm nhiều năm nay, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (29 tuổi) được xem là thế hệ kế thừa tiềm năng. Từ một tân binh cái gì cũng bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một năm gắn bó, Ánh nhận về rất nhiều lời khen cho sự sáng tạo, khéo léo và tinh thần ham học hỏi. Cách đây 5 năm, một lần vô tình lướt facebook và thấy thông tin về xưởng gốm này ở Lái Thiêu, chẳng hiểu vì lý do gì, Ánh háo hức chạy xe thẳng một mạch tới tham quan. Sau lần tìm hiểu đó, cô gái trẻ xin vào học nghề. Hơn một năm sau, Ánh trở thành thợ vẽ, tạo mẫu gốm theo phong cách đương đại tại xưởng. Chẳng phải sinh viên ngành Mỹ thuật hay Kiến trúc, chỉ vì mê sự mộc mạc của gốm và có năng khiếu hội họa nên Ánh dành rất nhiều thời gian mày mò thêm lĩnh vực mới. Tham gia khóa học tại xưởng, nghiên cứu thêm trên mạng và đi theo tiền bối học kỹ năng, Ánh lên tay sau một thời gian ngắn, rất nhiều mẫu vẽ được khách hàng trẻ ưa chuộng.

Phụ trách thiết kế minh họa mảng gốm trang trí đương đại nhưng chỉ cần có thời gian rảnh, Ánh liền sang hỏi chuyện mấy cô làm gốm truyền thống trong xưởng để học thêm nghề. Có bữa đơn hàng thưa, được cầm tay chỉ việc, Ánh cười giòn tan. Ánh nói, xưởng làm là trường học lớn cho những người trẻ, chỉ cần chịu khó thì muốn học bao nhiêu cũng có người tận tình chỉ dẫn. Biết thêm nhiều kỹ thuật đi nét, Ánh nghĩ đủ chuyện để đổi mới mẫu mã, tạo nên các thiết kế đậm chất riêng. Khi xưởng đón các đoàn khách là học sinh, sinh viên đến tìm hiểu và trải nghiệm quy trình làm gốm thủ công, Ánh hay xung phong ra nói chuyện với khách. Những ký ức đẹp về lần đầu biết gốm, lần đầu chạm tay vào đất sét, lần đầu thiết kế những mẫu trang trí được cô bạn sẻ chia bằng ánh mắt long lanh. Ánh nói, cô muốn lan tỏa tình yêu gốm đến mọi người bằng chính hành trình thú vị của mình.

Có thể bạn quan tâm