Rằng, không đến đó thật có lỗi với đất và người nơi ấy. Ngọn núi giống một hải đăng soi chiếu không gian địa lý và một thuở mang gươm mở cõi. Tương truyền là nơi Vua Lê Thánh Tông cho mài vách núi tạc chữ lập bia minh định cương thổ.
Huyền sử Đá Bia
…Đặc biệt trên đỉnh ngọn núi ấy, có phiến đá lớn khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của con người để gọi tên cho cả ngọn núi. Người Pháp gọi là Ngón tay Chúa (Le Doigt de Dieu) bởi phiến đá được nhìn từ phía biển, giống ngón tay chỉ lên trời. Người Champa định danh Lingaparvata với ý nghĩa Linga vĩ đại – tượng trưng cho tính dương gắn với vùng sóng nước Vũng Rô sát bên là Yoni, tượng trưng cho tính âm. Người Ê đê gọi là Kut Bhih hoặc Kut Hbia Kmehêng – mộ của bà Bhih hoặc mộ bà chúa Cọp.
Sử sách lẫn tương truyền dân gian có nêu, mùa Xuân Tân Mão 1471, Vua Lê Thánh Tông sau khi thắng trận, đã cho người mài vách núi tạc chữ định rõ cương thổ Đại Việt mà có tên núi Đá Bia, tên chữ Hán là Thạch Bi Sơn (bia đá trên núi). Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn có biên: Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất tự núi ấy trở về phía Tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía Bắc, mặt về phía Nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất.
Núi Đá Bia như “nóc nhà” ở Phú Yên. Ảnh: Như Ý |
“Đại Nam nhất thống chí” có dẫn sách Địa chí của Lê Quang Định: Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành mở đất đến đây, sai mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành, nên gọi là núi Thạch Bi. Nay vết chữ lờ mờ không nhận được…
Xuôi theo Quốc lộ 1A hướng về Nam, cách thành phố Tuy Hoà gần 30km, núi Đá Bia với độ cao 706m sừng sững ở xã Hoà Xuân Nam (huyện Đông Hoà, Phú Yên). Trên đỉnh núi, phiến Đá Bia như bậc tu hành thiền định giữa biến thiên của cảnh sắc thảm thực vật dưới ánh sáng mặt trời, áng mây muôn hình vạn dạng khi lững lơ lúc ùn ùn bao phủ.
Năm 1835, Vua Minh Mạng cho đúc 9 chiếc đỉnh đồng lớn đặt ở Thái Miếu, Kinh thành Huế. Trong đó, Tuyên Đỉnh chạm nổi dãy Đại Lãnh gồm đỉnh Đá Bia. Ngoài ra, ở thời Nguyễn, núi Đá Bia được thống kê vào tự điển cúng tế, cùng với sông Ba là cặp "danh sơn đại xuyên", được triều đình cho phép các quan địa phương lập đàn cúng tế hàng năm, có quy định lễ phẩm.
Bỗng tôi liên tưởng tới những khúc hát kết hợp giữa Ca trù và Tuồng của nhạc sĩ quê Phú Yên Nguyễn Ngọc Quang viết về “Thạch Bi Sơn”: Đá, đá sừng sững giữa trời mây trắng xoá, ngàn năm vẫn chờ nên hoa đá, ngàn sau vẫn còn thương nhớ bóng hình ai, người đi theo lời non nước nước mấy thu chưa trở về, nắng mưa ai chờ, chiều chiều mây phủ Đá Bia. Đá, đá sừng sững giữa trời mây trắng xóa, ngàn năm vẫn còn lưu dấu tích người xưa để lại như nhắc nhở đời sau. Lời ca như lời non nước… Nào ai biết bia huyền thoại hay là có thật, chỉ biết trong lòng người, có Thạch Bi Sơn.
Trong âm hưởng về cột mốc biên cương, bia đá, tôi và những người bạn đồng hành chẳng hẹn mà cùng nhắc đến áng hùng văn của Vua Lê Thái Tổ khắc trên vách đá của bờ bắc sông Đà dưới chân dãy Pú Huổi Chỏ, sau khi dẹp yên phản loạn bình định vùng Tây Bắc, cách đây 600 năm trước để răn dạy các tù trưởng cai quản vùng phên dậu của đất nước.
Núi Đá Bia được công nhận là di tích danh thắng quốc gia. Ảnh: Như Ý |
Trong đó có những câu: Hiểm địa tự kim vô/ Thảo mộc kinh phong hạc/ Sơn xuyên nhập bản đồ/ Đề thi khắc nham thạch (Dịch thơ: Đất đai hiểm trở từ nay không còn; Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ; Sông núi từ nay nhập vào bản đồ; Đề thơ khắc vào núi đá). Áng văn hùng tráng ấy của Vua Lê đã được di dời khỏi vách núi dưới dạng phiến đá lớn, với trọng lượng hơn 15 tấn và đặt tại Đền thờ Vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu).
“Địa chỉ đỏ” rèn chí, luyện sức
Đến núi Đá Bia là đến với vùng danh lam thắng cảnh, với những “địa chỉ đỏ” đèo Cả, vịnh Vũng Rô. Ai đã biết đến nhà thơ Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”, “Hoa lúa” lại chẳng một lần đọc “Đèo Cả” với những câu thơ được ngắt - thả chữ/nhịp như sườn núi chon von khúc khuỷu: Đèo Cả! Đèo Cả! núi cao ngất/mây trời Ai Lao/sầu đại dương/dặm về heo hút/Đá bia mù sương… Giặc từ vũng Rô bắn tới/giặc từ trong đánh ra/Đèo Cả vẫn giữ vững/Chân Đèo Nam máu giặc mấy lần khô…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đèo Cả là luỹ thép đã ngăn chặn đường tiến quân của giặc từ Nha Trang ra phía Bắc đánh chiếm Phú Yên, tạo nên vùng tự do Liên khu 5 và cũng là hậu phương cho Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Ngày nay, lối bắt đầu lên núi Đá Bia có Bia chiến công Đèo Cả.
Còn Vũng Rô gắn với câu chuyện hào hùng, bi tráng trong những trang sử vàng của tàu Không Số, đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô đã đón bốn chuyến tàu Không Số. Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/2/1965, sáng hôm sau bị địch phát hiện. Để đảm bảo bí mật và an toàn cho đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phải phá huỷ tàu Không Số cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa.
Tương truyền phiến đá trên núi Đá Bia gắn với việc Vua Lê Thánh Tông phân định cương thổ đất nước. Ảnh: Như Ý |
…Đường từ chân núi – bức phù điêu có một mặt đắp chữ “Di tích thắng cảnh quốc gia Đá Bia” lên đến đỉnh núi hơn 2,2km, quanh co đường rừng, bậc thang và những đoạn len lỏi chui qua các khe đá. Để lên đỉnh phải vượt qua hai cây cầu, một treo ngang và một treo dựng đứng; một dốc cổng trời hun hút mây bay.
Tiếp mạch lịch sử hào hùng của núi Đá Bia, anh Dũng (SN 1969) tài xế có thâm niên của Sở VHTT&DL Phú Yên cho hay, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngọn núi ấy từng là một căn cứ cách mạng quan trọng. Trước đây, cây cối rậm rạp, cheo leo vách đá. Chục năm trở lại đây, đường lên núi được cải tạo bớt hiểm trở, nhiều đoạn vách đá trước đây phải đu bám dây rừng vượt qua đã được làm bậc… Tuy nhiên, không vì thế mà núi mất đi sức hút từ vẻ hoang sơ và ngày càng có nhiều người lựa chọn là nơi kiểm tra sức khoẻ.
“Hằng năm Tỉnh Đoàn và Sở VHTT và DL Phú Yên đều tổ chức Giải Việt dã chinh phục đỉnh núi Đá Bia, trước đây thường vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên 26/3 và Ngày Thể thao Việt Nam 27/3, còn sau dịch COVID-19 là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Vận động viên chuyên nghiệp mất chừng hơn 30 phút để chinh phục thành công, còn những người như tôi cỡ gần tiếng đồng hồ”, anh Dũng nói.
Dẫu trên phiến không hiện diện vết tích của một bia đá và giới học thuật tranh luận có hay không việc Vua Lê Thánh Tông đến núi Đá Bia, cho tạc bia làm mốc ranh giới… Nhưng có một điều không thể khác, ngọn núi ấy là danh sơn: Bi sơn bút thế, Nựu đánh quy hình (nghĩa là thế núi Đá Bia như ngòi bút, hình núi Chóp Chài như hình rùa).
Núi Đá Bia, núi Chóp Chài, đỉnh Cù Mông nay sông Ba (Đà Rằng), Tháp Nhạn… vẫn tiếp mạch là những chỉ dấu, chứng tích hình thành và phát triển của con người, miền “đất Phú trời Yên”; vang vọng hồn thiêng sông núi, huyền tích thuở cha ông đi mở nước.