Phóng sự - Ký sự

Vì bình yên buôn làng - Kỳ cuối: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề cốt tử”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước. Do vậy, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trao đổi xung quanh vấn đề này, một số ý kiến tâm huyết đã chỉ ra những vướng mắc, đồng thời hiến kế để Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đảm bảo ổn định và phát triển bền vững.

Phân tích, mổ xẻ căn nguyên vấn đề

Ngay sau vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11-6 tại tỉnh Đak Lak, một trong những người nắm bắt thông tin từ rất sớm là ông Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.

Ông Ksor Phước-nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, sao cho đồng bào thấy tự hào về bản sắc của dân tộc mình, trên một đất nước tự do. Ảnh: Minh Triều

Ông Ksor Phước-nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, sao cho đồng bào thấy tự hào về bản sắc của dân tộc mình, trên một đất nước tự do. Ảnh: Minh Triều

Nói về các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực Tây Nguyên thời gian qua, ông Ksor Phước khẳng định: Các chính sách này đã và đang được thực hiện đầy đủ; chất lượng, hiệu quả mang lại ngày càng cao, công tác xóa đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện nhằm cải thiện, nâng dần cuộc sống cho người dân. Công tác phát triển giáo dục, nâng cao dân trí được chú trọng, nhiệm kỳ sau làm tốt hơn nhiệm kỳ trước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực DTTS. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng có những biến chuyển mạnh mẽ so với trước đây. Chủ trương đầu tư xây dựng nông thôn mới trong vùng DTTS được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

“Nhiều làng tôi từng ở, từng biết như Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang), làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) trước kia cực kỳ khó khăn thì nay đổi thay rất nhiều; điện, đường bê tông dẫn đến tận nhà. Về chính sách đại đoàn kết dân tộc thì các địa phương đều quan tâm làm tốt hơn trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Có rất nhiều tấm gương đoàn kết giữa người Kinh và đồng bào DTTS trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, cùng nhau xây dựng làng văn hóa và nông thôn mới; ở đâu cũng có sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Người DTTS học hỏi bà con người Kinh, đồng bào Kinh hướng dẫn đồng bào DTTS làm kinh tế”-ông Ksor Phước nói.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Có những kẻ đã cố tình lợi dụng vụ khủng bố tấn công vào trụ sở 2 xã ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đak Lak) rạng sáng 11-6 để cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ án này là do việc thực hiện chính sách dân tộc của ta có vấn đề.

Ông Ksor Phước khẳng định: “Đây là tổ chức phản động bán vũ trang, lần đầu tiên dám tấn công thẳng vào trụ sở xã với tính chất liều lĩnh, dã man, côn đồ. Qua các thông tin chính thức, chúng ta được biết quá trình hình thành tổ chức này đến nay đều được các đối tượng phản động FULRO lưu vong bên Mỹ thường xuyên liên lạc, chỉ đạo. FULRO là tổ chức chính trị phản động lợi dụng DTTS đã có quá trình liên tục chống phá cách mạng Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, đòi tự trị, ly khai cho cái gọi là “Nhà nước Đê ga” ở Tây Nguyên từ năm 1958 đến nay. Tháng 4-1992, các tỉnh Tây Nguyên đã cơ bản giải quyết xóa sổ tất cả các toán FULRO vũ trang ngoài rừng và các tổ chức bí mật của chúng trong các buôn làng. Năm 1994, các toán tàn quân FULRO ẩn náu trên đất Campuchia ra trình diện UNTAC (Cơ quan chuyển tiếp của Liên hợp quốc tại Campuchia), sau đó chúng được đưa sang Mỹ. Từ năm 1999, bọn FULRO lưu vong bên Mỹ đã câu móc một số đối tượng đã từng hoạt động FULRO ở các tỉnh Tây Nguyên, qua đó chúng bí mật phát triển tổ chức. Sau đó, qua các năm 2001, 2004, 2008, tổ chức phản động này đã gây ra một số vụ biểu tình bạo loạn ở Gia Lai, Kon Tum và Đak Lak. Chúng ta đã kiên quyết xử lý, đập tan các tổ chức bí mật của chúng. Vụ việc xảy ra ở 2 xã của huyện Cư Kuin là xuất phát từ bản chất, từ âm mưu ý đồ của tổ chức phản động FULRO lưu vong, với bọn phản động ở địa phương; là tiếp tục chống phá cách mạng, phá hoại đoàn kết dân tộc, ly khai. Nó hoàn toàn không phải do việc có sai sót trong tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong vùng DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên. Như vậy, nếu ta chủ quan, mất cảnh giác, không bám sát cơ sở, không gắn bó với dân, không làm tốt công tác chủ động nắm tình hình thì dù trong hoàn cảnh, thời điểm nào, bọn FULRO lưu vong cũng có thể sẽ tìm mọi cách nhen nhóm tổ chức, tiến hành các hoạt động liều lĩnh, manh động chống phá và khủng bố trong nước”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Rơ Chăm H'Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh-cho rằng: Thời gian qua, Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn còn một số đối tượng bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục, kích động. Đây đa phần là những người nhận thức còn hạn chế, lười lao động, chỉ thích hưởng thụ cuộc sống giàu sang. Còn đại đa số người dân đều tin theo Đảng, theo Nhà nước, chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế.

“Ngay sau vụ khủng bố tại Đak Lak, tôi có dịp về một làng ở huyện Chư Păh và được nghe người dân tỏ rõ thái độ, sự bức xúc trước nhận thức sai trái của các đối tượng. Cũng chính họ là người nói lên sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con khi chú trọng đầu tư điện-đường-trường-trạm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng DTTS”-bà H'Yéo cho biết.

Theo bà Rơ Chăm H'Yéo, nên lựa chọn, bố trí cán bộ công tác tại các vùng đồng bào DTTS phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. Ảnh: Minh Triều
Theo bà Rơ Chăm H'Yéo, nên lựa chọn, bố trí cán bộ công tác tại các vùng đồng bào DTTS phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. Ảnh: Minh Triều

Tuy nhiên, theo bà H'Yéo, chủ trương, đường lối của Đảng đúng đắn song quá trình triển khai thực hiện, đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống vẫn còn một số bất cập. Công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo dẫn đến một số sai phạm không đáng có, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân; cách ứng xử của cán bộ với người dân đôi lúc thiếu chuẩn mực; việc quan tâm, giải quyết các chế độ, chính sách cũng như nhu cầu của dân đôi lúc chưa kịp thời... Nhiều chuyện không có gì to tát nhưng nếu không kịp thời giải quyết, khắc phục, chấn chỉnh thì rất có thể biến thành phức tạp, là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá.

Ông Ksor Phước cũng chỉ ra một số bất cập cần được quan tâm đúng mức như: khoảng cách giữa mức sống của đồng bào DTTS với mức sống trung bình của địa phương còn lớn; cơ sở hạ tầng còn thiếu; đào tạo nghề nông thôn chưa được toàn diện; giáo dục dân tộc tuy đạt thành tựu lớn nhưng so với mặt bằng chung thì trình độ vẫn thấp; lao động DTTS chủ yếu làm nông, là lao động phổ thông, lao động có trình độ, kỹ năng cao hơn còn ít.

Quan tâm phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số

Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2023-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2023-2025 là đẩy mạnh tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của bà con. Mặt khác, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung chỉ đạo giải quyết những kiến nghị của người dân trong triển khai thực hiện chương trình.

Phân tích 3 cái khó của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên gồm nguồn vốn sản xuất ít; khoa học kỹ thuật cho sản xuất yếu kém; thiếu đất sản xuất và đất ở, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước trăn trở: Đây là điều cần hết sức chú ý để từng bước nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào DTTS. Cần quan tâm đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp một bộ phận lao động vùng DTTS chuyển sang những ngành nghề phi nông nghiệp, tạo thu nhập, thúc đẩy tiệm cận với mức thu nhập chung của địa phương. Trên lĩnh vực nông nghiệp, cần phát huy lợi thế để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích. Theo thống kê, 60% đất bazan tập trung ở Tây Nguyên. Đây là loại đất cực kỳ thuận lợi cho phát triển trồng trọt, nhưng trên thực tế thu nhập của bà con DTTS chỉ 20-30 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, cần hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Nói về “sức mạnh tổng hợp” của các giải pháp nêu trên, ông Ksor Phước khẳng định: “Đây là phương thức tự cải tạo, biến đổi chính xã hội vùng DTTS, từ một xã hội tự cung tự cấp lạc hậu sang xã hội làm nông nghiệp hàng hóa với trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quan tâm, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên biên giới. Ảnh: Minh Nguyễn

Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quan tâm, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên biên giới. Ảnh: Minh Nguyễn

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng làng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư sáng-xanh-sạch-đẹp, có kinh tế-xã hội phát triển, an ninh đảm bảo, đời sống người dân được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức quần chúng theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan tăng cường giám sát, huy động sức mạnh toàn dân và các nguồn lực để cùng chung tay góp sức xây dựng làng nông thôn mới; tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh việc đề nghị tích cực đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân rộng các mô hình đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo. Một số nhiệm vụ khác cũng được ông Ksor Phước nhấn mạnh là “vấn đề cốt tử”, đó là phải luôn chăm lo đến xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, đặc biệt tổ chức Đảng và phát triển đảng viên vùng DTTS.

Ông nói: “Quan liêu, không bám dân, không gắn bó với dân thì chắc chắn không hiểu biết những khó khăn thách thức trong dân, không thể làm gì để giúp dân hiệu quả thiết thực. Riêng các lực lượng Quân đội, Công an phải tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên chăm lo công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân toàn vùng Tây Nguyên nói chung, trong đó có vùng DTTS, vùng biên giới. Phải luôn xác định: Nhân dân là tai mắt, là sức mạnh quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, các cơ quan, binh chủng làm công tác thông tin-tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị phải chủ động, kịp thời triển khai công tác tuyên truyền những thông tin phù hợp giúp người dân nhận diện được các tin xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo; các âm mưu ý đồ phản cách mạng, kích động phá hoại đoàn kết dân tộc của các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước để cảnh giác, không tham gia và tích cực cùng các cơ quan nhà nước ở các cấp phòng-chống, đấu tranh loại trừ chúng”.

Làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang) trước thời điểm hoàn thiện nhà ở cho các hộ dân về nơi ở mới. Ảnh: Minh Nguyễn

Làng Hà Đừng (xã Đak Rong, huyện Kbang) trước thời điểm hoàn thiện nhà ở cho các hộ dân về nơi ở mới. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông Ksor Phước cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong phát triển Tây Nguyên bền vững: “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Văn hóa thâm nhập vào từng lĩnh vực đời sống chính trị-kinh tế-xã hội, là sợi dây kết nối các dân tộc, các yếu tố vận động của xã hội đương thời, kết nối cộng đồng để cùng thực hiện mục tiêu xây dựng đời sống mới mà tất cả các thành viên trong xã hội đều ấm no, hạnh phúc. Cần quan tâm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, sao cho đồng bào thấy tự hào về bản sắc của dân tộc mình trong văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng trên một đất nước tự do, dân chủ”.

Bà Rơ Chăm H'Yéo cũng nêu kiến nghị: Các cấp, các ngành cần đa dạng, linh hoạt trong công tác tuyên truyền phù hợp với địa bàn, đối tượng. Nên lựa chọn, bố trí cán bộ công tác vùng đồng bào DTTS phù hợp và tạo điều kiện để cán bộ “dám nghĩ, dám làm”. Tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân trong phát triển sản xuất, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Phải làm tốt hơn công tác định hướng nghề nghiệp, việc làm cho con em đồng bào DTTS; có chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với con em đồng bào DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Có thể bạn quan tâm