Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Vì sao cây bòn bon được chọn khắc trên Nhân đỉnh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bòn bon là một giống cây ăn quả nhiệt đới khá dân dã ở nước ta và các nước Đông Nam Á. Khi vua Minh Mạng đúc Cửu đỉnh, nó đã vinh dự được khắc lên Nhân đỉnh.

Cây bòn bon với mỹ danh 'Nam trân' được khắc trên Nhân đỉnh. ẢNH: NAM HOA


Loại quả rừng dân dã

Cây bòn bon (hay lòn bon - ngữ âm người Quảng Nam là loòng boong, phía Bắc gọi là cây dâu da đất, trong Nam gọi cây bòn bon) mọc nhiều ở các vùng núi, ra trái từng chùm ngay trên thân và cành cây. Đây là loại cây ăn quả khá dân dã, tuy nhiên vùng Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước (Quảng Nam) nổi tiếng là có trái lòn bon ngon nhất với vị ngọt thanh pha chút chua và rất thơm.
Trái bòn bon, thật kỳ lạ, có thể ăn bất cứ lúc nào, dù no hay đói cũng có thể ăn được mà không sợ bị xót ruột. Cây bòn bon dễ trồng, dễ sống, ít tốn công chăm sóc nhưng cho nhiều quả, từ lâu đã trở thành một món đặc sản dân dã của xứ Quảng.

Sách Đại Nam nhất thống chí (tập 2, quyển 7: tỉnh Quảng Nam) viết: “[Lòn bon] nguồn Ô Da và nguồn Thu Bồn đều có. Tháng 8, tháng 9 quả chín, sắc trắng, vỏ mỏng, vị ngọt và thơm, có lệ thượng tiến để dùng vào việc tế tự. Năm Minh Mệnh thứ 17 khắc hình tượng vào Nhân đỉnh”.

Từ truyền thuyết cứu chúa Nguyễn đến hình ảnh khắc trên Nhân đỉnh

Tương truyền, khi xưa trong một lần bị quân Tây Sơn vây đánh, quân chúa Nguyễn bị bại và phải trốn lánh vào vùng rừng núi Quảng Nam, phía thượng nguồn sông Ô Da (cách viết của các sách sử cũ, chỉ sông Vu Gia ngày nay - NV). Đoàn quân bại trận vừa đói vừa mệt, may mắn gặp được rừng bòn bon, bèn hái lấy quả mà ăn, nhờ đó vượt qua được cơn đói khát.

Sau này bước lên ngôi cao, vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) không quên những ngày cơ cực, không quên ơn loại cây rừng đã cứu mạng cho mình và binh sĩ ngày nào, nên ngài ban cho thứ quả chua chua ngọt ngọt ấy mỹ danh là “Nam trân” - nghĩa là thứ quả quý ở phương Nam. Cây còn được gọi là “Phụng quân mộc” - cây gặp vua.

Đó là truyền thuyết trong dân gian, còn sách Đại Nam nhất thống chí (tập 2, quyển 7: tỉnh Quảng Nam) ghi người ban cái tên “Nam trân” lại là vua Minh Mạng (Minh Mệnh): “…đầu đời Minh Mệnh ban cho tên là Nam trân…”. Những quả bòn bon thơm ngon nhất trong vùng, từ đó được tiến vua mỗi khi đến mùa. Vua Minh Mạng còn quy định những quy chế riêng với những khu rừng có loại quả này. Thậm chí vua còn đặt ra chức quan “Quản Nam trân” để canh giữ, coi sóc vùng rừng có loại bòn bon quý này.


 

Một vườn bòn bon vào mùa quả chín. ẢNH: T.L


Trong khi đó, theo sách Việt sử toàn thư (Phạm Văn Sơn, xuất bản năm 1983), ngày 29.1.1775, quân Trịnh tiến chiếm Phú Xuân, Định vương Nguyễn Phúc Thuần ngày 30.1.1775 qua cửa Tư Dung ra biển để chạy vào Quảng Nam, còn Hoàng tôn Dương cũng vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam. Tháng 1.1775, tại Quảng Nam, chúa Nguyễn Phúc Thuần phong Hoàng tôn Dương làm Đông cung Thế tử (người sẽ nối ngôi chúa), giao ở lại Quảng Nam chống quân Tây Sơn, còn chúa cùng một số tướng lĩnh tiếp tục xuôi thuyền vào Gia Định.

Giai đoạn chúa Nguyễn rút vào Quảng Nam dù sao vẫn còn nhiều quân, nhiều tướng. Nguyễn Phúc Ánh lúc đó còn nhỏ (13 tuổi) chủ yếu chỉ chạy theo chú mình (Nguyễn Phúc Thuần) và chúa Nguyễn Phúc Thuần cũng chỉ lưu lại Quảng Nam một thời gian rất ngắn, nên chuyện chú cháu chúa Phúc Thuần - Phúc Ánh bị quân Tây Sơn dồn chạy vào vùng núi Đại Lộc là chưa đủ cơ sở, và thực tế cũng chưa thấy tài liệu nào ghi cụ thể chúa Nguyễn Phúc Thuần đụng độ với quân Tây Sơn ở Quảng Nam.

Trong các truyền thuyết dân gian về Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) khi bị Tây Sơn truy đuổi, có nhắc đến giai thoại ở vùng Bến Tre, Nguyễn vương được người dân dâng bữa chỉ có cơm nguội với mắm cá chốt và vài trái bần chua. Cây bần từ đó được ban mỹ danh “Thủy liễu” vì trông giống cây liễu nhưng mọc dưới bãi bùn lầy.

Đại Nam liệt truyện tập 2, quyển 30, truyện chép về Nguyễn Văn Nhạc (vua nhà Tây Sơn Thái Đức Nguyễn Nhạc - NV) có đoạn: “…Đông cung [Hoàng tôn Dương – NV] đi đến xứ Ô Da, Lý Tài bức bách đón về Hội An…”, nên rất có thể “xứ Ô Da” đó chính là chỉ vùng thượng nguồn sông Ô Da (sông Vu Gia). Như vậy, vị chúa Nguyễn được quả bòn bon cứu đói trong truyền thuyết chỉ có thể là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương.

Căn cứ theo những ghi chép từ hai bộ sách của Quốc sử quán triều Nguyễn là Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam liệt truyện, có thể thấy không phải vua Gia Long ban mỹ danh “Nam trân” cho cây bòn bon, mà nhiều khả năng là về sau, khi biết đến thứ đặc sản này của Quảng Nam, vua Minh Mạng đã ban tên quý đó cho nó, đồng thời đặt ra các chính sách về chăm sóc cũng như triều cống như đã nói ở trên. Và khi đúc Cửu đỉnh, vua Minh Mạng cũng cho khắc hình cây bòn bon với mỹ danh “Nam trân” trên Nhân đỉnh - chiếc đỉnh ứng với vị thế của ông.

Theo NAM HOA (TNO)

Có thể bạn quan tâm