Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Vì sao đội ngũ bảo vệ rừng liên tiếp xin nghỉ việc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng trong tỉnh Gia Lai liên tiếp xin nghỉ việc khiến nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thiếu hụt. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, các chế độ chính sách hỗ trợ chưa tương xứng với công sức bỏ ra, đặc biệt là áp lực công việc nặng nề.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền-thành viên Tổ Quản lý bảo vệ rừng số 2 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, huyện Chư Păh) cho hay: Ông tham gia lực lượng bảo vệ rừng từ năm 1992 đến nay nhưng lương chỉ dừng lại ở mức 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mỗi tuần, ông chỉ được nghỉ 1 ngày. Đặc biệt, vào mùa khô, để đảm bảo công tác phòng-chống cháy rừng, ông cùng anh em trong tổ phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ, không có ngày nghỉ.
Ông Hiền đã quá quen với những khó khăn như: ngày đêm trực gác nơi hẻo lánh, sóng điện thoại chập chờn; việc tuần tra bảo vệ rừng ở các tiểu khu xa xôi, cách trở, di chuyển trên những con đường bùn lầy, dòng suối nguy hiểm… Mấy ký gạo hay đôi khi chỉ là những gói mì tôm mang theo cũng đủ cho hành trình vài ngày ăn ở giữa rừng. “Đồng lương thấp, không đủ lo cho gia đình nhưng công việc rất vất vả, áp lực vì phải liên tục bám rừng. Còn mấy năm nữa thì đến tuổi nghỉ hưu nên tôi buộc phải bám trụ ở đây, chứ bây giờ về thì không biết bươn chải nghề gì. Thôi thì ráng theo ngành cho đến cùng, biết đâu vài năm nữa thì chính sách đãi ngộ được cải thiện”-ông Hiền hy vọng.
Lương thấp, chế độ không có khiến nhiều nhân viên quản lý bảo vệ rừng chuyên trách bỏ việc. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Hà Thành Hải Hậu-Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly: Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã có 3 người xin nghỉ việc nhưng vẫn chưa tuyển được nhân sự bổ sung. Lương người mới vào làm bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng phải tham gia trực tuần tra bảo vệ rừng cả thứ bảy, chủ nhật và những ngày lễ, Tết. Địa bàn lại rộng trên 12.000 ha, công việc giữ rừng quá cực khổ, chịu áp lực từ nhiều phía nên những thanh niên trẻ mới vào làm thường không bám trụ nổi. Ông Hậu nêu thực trạng: “Những người kiên trì thì trụ được một vài năm, có người chưa hết 1 tuần đã bỏ việc. Tiền xăng xe đi lại đã ngốn mất hơn triệu đồng, trừ thêm chi phí ăn uống, sinh hoạt thì họ chẳng còn gì. Nhiều người sau khi nghỉ việc ở nhà mở quán cà phê hay chạy Grab thì thu nhập cũng đã cao gấp 2-3 lần. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có cách tạo điều kiện cho anh em học nâng cao trình độ để chuyển lương từ trung cấp sang đại học thì được thêm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng, chứ không còn chế độ hỗ trợ gì khác”.
Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Thọ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang) thông tin: Năm 2021, đơn vị có đến 4 người xin nghỉ việc. Riêng đầu năm nay đã có thêm 2 người có ý định nộp đơn. Trong số 18 người hiện nay thì có 4 người vừa được tuyển từ đầu năm. Trước đó, lực lượng bảo vệ rừng có đến 26 người, nhưng có thời điểm chỉ 12-13 người thay phiên nhau quản lý, bảo vệ hơn 7.780 ha rừng. “Chỉ tiêu còn nhưng không thấy ai nộp hồ sơ xin việc bởi mức lương chỉ gói gọn từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, thêm chút ít tiền phụ cấp xăng xe, phòng-chống cháy rừng nhưng tối đa cũng chỉ 500 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, Công ty không có chỉ tiêu biên chế nên khi làm được vài ngày thấy không ổn là họ nghỉ việc ngay”-ông Thọ nêu thực trạng.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải làm cả ngày lẫn đêm, đối mặt với lâm tặc và vô vàn hiểm nguy rình rập. Ảnh: Minh Nguyễn
Tương tự, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Đơn vị hiện có 14 người nhưng chỉ có 9 người là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong khi hơn 6.600 ha rừng do đơn vị quản lý nằm rải rác khắp địa bàn 7 xã, thị trấn. Do vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng luôn chịu áp lực nặng nề trong khi làm nhiệm vụ. Họ phải làm cả ngày lẫn đêm, thường xuyên trèo đèo, lội suối, đối mặt với lâm tặc và vô vàn hiểm nguy rình rập. Dù vậy, chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ này hầu như không có. Mức lương bình quân người mới vào nghề chỉ 2,9-3,2 triệu đồng/tháng, còn người thâm niên thì khoảng 6 triệu đồng. “Lâu nay, chúng tôi chỉ biết động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện luân chuyển họ sang đơn vị khác để được gần nhà, chăm lo cho gia đình. Về lâu dài phải có định hướng cải thiện thu nhập, ổn định đời sống cho lực lượng này, có như vậy mới đảm bảo được nhân lực bảo vệ rừng”-ông Hùng đề nghị.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở có 21 ban quản lý rừng phòng hộ và 1 ban quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức. Trong đó, lực lượng chuyên trách khoảng 410 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng lại biến động liên tục, nhiều người bỏ việc vì chế độ chính sách không có, thu nhập thấp. “Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có quy định về chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Chính lực lượng này trực tiếp giữ rừng, tuần tra bảo vệ rừng, đối đầu với lâm tặc, nếu không may hy sinh thì lẽ nào không có chế độ gì. Lâm tặc cũng lợi dụng điểm này tác động đối với lực lượng bảo vệ rừng, đe dọa tạo áp lực”-ông Hoan thông tin.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Năm 2021, Sở đã tuyển dụng gần 80 viên chức tăng cường lực lượng cho các ban quản lý, củng cố bộ máy cũng như nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu công tác bảo vệ rừng nhưng đến nay vẫn còn thiếu đến 40 chỉ tiêu. Ngoài việc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Sở cũng chủ động phối hợp với các lực lượng khác như Công an, Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, chia sẻ gánh nặng với lực lượng bảo vệ rừng. “Chúng tôi tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. Chỉ có thay đổi chính sách thì mới thu hút được đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng”-ông Hoan khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm