Phóng sự - Ký sự

Việc nghĩa của "Tèo Sụi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bệnh nhân tại làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) gọi ông Trương Văn Tèo (50 tuổi) là “Tèo Sụi”; hỏi ra mới biết là do ông Tèo bị mắc chứng bệnh cùi, khiến 2 chân bị tật. Dẫu tật nguyền, nhưng ông là người giàu nghị lực, lại có tấm lòng hiệp nghĩa nên được nhiều người mến phục.
Người mắc bệnh cùi xem ông là “anh cả”, dẫn dắt những mảnh đời sứt mẻ vượt lên trên số phận. Còn đối với thiên hạ, ông Tèo là người “gác cửa tử thần”, chuyên cứu vớt người trên biển…
 
Ông Tèo (bên trái) chỉ giúp người dân ở làng phong Quy Hòa nghề đi biển
Cuộc đời đầy cổ tích
Người đàn ông dáng dong dỏng, trông già hơn cái tuổi 50, rót trà mời khách, rồi xởi lởi: “Có gì mà viết chú, cuộc đời tôi sứt mẻ, tật nguyền, buồn lắm! Do tính tui hay lo chuyện bao đồng, thấy bất bình nên ra tay tương trợ thôi. Một khi đã giúp là hết mình, chẳng cần ơn huệ gì, miễn sao người ta đừng sống phụ bạc, hất hủi là được”.
Cuộc đời của ông Tèo chắp vá nhưng kể ra lại như cổ tích. 
Ông quê ở mũi biển Long Hải, nay là thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), sinh ra đã mồ côi cha, người mẹ sau đó đi lấy chồng. Năm 9 tuổi, bé Tèo theo cậu ruột Trương Văn Sáu (nay ngoài 80 tuổi) học nghề biển. Cậu Sáu là giỏi võ nghệ, thích làm việc hiệp nghĩa. Những năm tháng lênh đênh trên biển, cậu Sáu dạy võ nghệ, dạy đạo làm người cho Tèo. Hình tượng cậu Sáu khắc ghi, trở thành hình mẫu sau này của Tèo. Năm 14 tuổi, cha dượng nghiện rượu, Tèo trở thành trụ cột chính trong gia đình, nuôi mẹ và 3 em.
Ở tuổi 17, chàng trai Tèo mắc phải căn bệnh cùi tai quái. Bệnh tình đày đọa, xé nát những hứa hẹn, tương lai của chàng trai biển. Năm 1990, Tèo chia tay hẳn với gia đình, để gia nhập cộng đồng người phong ở Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn). Điều trị đến năm 1993, bệnh của Tèo được khống chế. Không quay về quê hương vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em, Tèo quyết định ở lại Quy Nhơn, gắn bó với biển Quy Hòa để làm lại cuộc đời và tiện cho việc điều trị cơn bệnh khi tái phát.
Đến năm 1999, số phận gán ghép, mang đến cho ông Tèo một người vợ để làm bạn sau chuỗi ngày đầy sóng gió. “Tèo Sụi” chỉ tay về phía người đàn bà hơn mình 4 tuổi, nói cụt lủn: “Bả đó!”. “Bả” tức là bà Đặng Thị Loan (54 tuổi), gắn bó với ông suốt 22 năm qua.
Ông Tèo kể tiếp: “Ngày ấy, tui ra biển đánh cá, nhờ bả ra chợ bán cá lấy tiền mua gạo, thức ăn. Dần dà, tôi thấy bả tốt bụng, cũng là bệnh nhân phong, gia đình nghèo khó nên tôi ngỏ lời: Về ở với tui không? Vậy là thành vợ chồng. Ngày cưới, rượu thịt qua loa với xóm giềng, hai bên không có cha mẹ chứng hôn. Thế mà cũng về ở với nhau chung thủy, vẹn toàn đến nay 22 năm trời, sinh được cậu con trai  nay đã 17 tuổi, lành lặn". 
Dạy người cùi đi biển
“Tèo Sụi” kể, ở làng phong Quy Hòa, ông bắt gặp nhiều mảnh đời còn cô độc, sứt mẻ hơn ông. Có những người chân tay bị gặm cụt hết, lại bị người thân chối bỏ, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Từ đó, ông Tèo nảy ra ý tưởng dạy nghề biển cho những bệnh nhân phong muốn làm lại cuộc đời.
Ông tâm sự: “Những bệnh nhân ở đây đều trôi dạt từ nhiều vùng miền đến. Có người ở miền biển, có người ở đồng bằng, miền núi hay đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi người một cảnh ngộ, ai nấy đều mang thân thể sứt sẹo, nhưng tâm hồn đầy nghị lực”. 
Thường thì những bệnh nhân phong, sau khi được điều trị bớt bệnh đều ra ngoài xin đất ở gần bệnh viện để sống, làm lại cuộc đời mới. Họ vừa điều trị bệnh, vừa trèo đèo dốc cheo leo, lên rừng đốn củi đốt lấy than để kiếm sống. Thế rồi cuộc mưu sinh dè dặt của làng phong Quy Hòa cũng vắt kiệt “cái niêu cơm” của họ ở những mảnh rừng lân cận. Rừng núi không còn trông cậy được, họ quay lại trông chờ vào biển cả. Nhưng đa số họ đều ở miền núi, lạ lẫm với biển nên muốn ra biển phải học nghề. “Tèo Sụi” dạy người cùi đi biển. 
Để đào tạo được một người đi biển rất khó, đằng này lại là những bệnh nhân cùi mang thân thể tật nguyền, yếu ớt. Nhưng ông Tèo vẫn quyết tâm dạy bằng được. Ông bỏ ra hàng tuần hoặc cả tháng để chỉ nghề.
“Ban đầu, tôi chịu khó dạy cho họ nắm rõ con nước trong tháng. Chỉ cho họ thuật canh nước, những ngày nào biển có nước ròng, ngày nào biển yên, cứ vận theo đó mà hành nghề. Sau đó, tôi chỉ cho họ cách chèo lái chiếc thuyền, khâu lưới, bủa lưới, làm nghề, sửa máy tàu; đánh bắt ở vùng nước nào nhiều cua cá, vùng nào thì không nên bủa lưới… Có những người đã lớn tuổi, bị cụt cả 2 chân, tôi phải theo sát họ cả năm trời để chỉ nghề”, ông Tèo kể.
“Học trò” biển của “Tèo Sụi” càng ngày càng đông, ông đã có công phát triển nghề biển ở làng phong Quy Hòa lên trên 100 ghe thuyền hành nghề biển. “Tôi không phải là dạy nghề gì mà chỉ là bảo họ kiếm kế, vượt qua số phận thôi. Gia đình tôi 4 đời theo nghề biển, tôi có tay nghề, giờ làng xóm trông cậy thì mình chỉ bảo để họ có công ăn việc làm, bớt nghĩ đến bệnh tật rồi tủi thân. Có những người tôi giúp, về sau họ trở thành bạn bè, anh em tốt. Chúng tôi lập ra một tổ 5 người, chuyên làm việc nghĩa, sẵn sàng xả thân giúp đỡ dân làng, người bị nạn trên biển”, ông Tèo nói. 
“Trương Phi” trên biển
Ngoài là “thầy dạy biển” của làng phong, “Tèo Sụi” còn được mệnh danh là “Trương Phi” trên biển, người gác cửa tử thần ở biển Quy Hòa. Ông đã vớt nhiều thi thể trên biển. “Tèo Sụi” khẳng khái: “Chỉ cần nghe có người báo tin là tôi dong thuyền chạy ngay, bất chấp ngày hay đêm. Nếu gặp được họ còn sống thì cứu giúp, còn gặp chết cũng cứu vớt họ lên bờ. Có ai nhờ lặn xác người thân trên biển vùng này, anh em tôi đều sẵn sàng ra tay, giúp đỡ không lấy tiền công. Giúp xong, bỏ công ra để hỗ trợ gia đình lo tang lễ cho người thân xấu số. Trong nhóm làm việc hiệp nghĩa làng này, tôi là người yếu nhất, nhưng máu lửa nhất nên nói gì anh em đều nghe theo”.
Ông Tèo cũng kể, những lần cứu người, lặn vớt xác các thủy thủ tàu biển bị nạn trong cơn bão số 12 (4-11-2017), hay lúc xả thân vượt bão biển vớt xác 3 học sinh chết đuối vào cuối năm 2018, khi thi thể các em bị sóng dữ cuốn vào gành đá. Lần nào cũng đấu vật với sóng biển dữ dội, suýt bỏ mạng. “Cứu giúp được người ta, làm được một việc nghĩa thì trong bụng tôi cũng thấy được an ủi. Do cuộc đời của tôi đã sứt mẻ, có lúc như rơi xuống vực thẳm, sau đó được xã hội vớt lên, giờ làm được việc tốt cống hiến cho xã hội thì mãn nguyện lắm”, ông tâm sự.
“Tèo Sụi” nhắc lại, cơn bão số 12 đã nuốt chửng nhiều con tàu cỡ lớn, nhiều thủy thủ bị tử nạn, trôi mất xác. Sau cơn bão, ông lủi thủi một mình đi dọc bãi cát, tìm vớt thi thể người bị nạn. “Lúc ấy, tôi phát hiện một thi thể thủy thủ trôi ngoài lớp sóng, cách bờ 100m. Tôi bơi ra để kéo cái xác ấy vào, phải tới 70kg, nặng lắm. Tui bơi vào gần đến bờ thì kiệt sức, nhưng vẫn cố bơi và kêu la anh em trong bờ ra hỗ trợ. Lần ấy, may trời thương nên tui mới sống đến giờ…”, “Tèo Sụi” nhớ lại.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, ghi nhận, trường hợp của ông Lê Văn Tèo là một tấm gương sáng, góp phần nâng đỡ, dìu dắt những bệnh nhân phong, củng cố tinh thần đoàn kết, lối sống lành mạnh trong cộng đồng làng phong Quy Hòa. Ông Tèo đã chứng minh cho những bệnh nhân khác thấy, dẫu cuộc đời tật nguyền nhưng nếu họ có tinh thần, nghị lực vượt khó thì sẽ trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội.
Ngọc Oai (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm