Phóng sự - Ký sự

Việc nghĩa sá chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngôi nhà tạm của ông Nguyễn Tư (ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thường xuyên nghe tiếng gõ "thùng thụng" vào cửa tôn mỗi khi có người lạ tìm đến. Họ đều trong bộ dạng hồn xiêu phách lạc vì gia đình chẳng may có thành viên gặp nạn.
Ông Nguyễn Tư chuẩn bị máy móc thiết bị cho một lần lặn biển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Nguyễn Tư chuẩn bị máy móc thiết bị cho một lần lặn biển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Bây giờ chú hỏi tôi mới chực nghĩ cái sự lạ lùng của vợ chồng chú Tư. Hoàn cảnh vậy chứ làm việc nghĩa tôi chẳng bao giờ thấy lấy của ai đồng bạc. Vợ chú cũng vậy, khốn khó nhưng Tết đến vẫn sẵn lòng mua gạo chia cho những người buôn bán ve chai quanh đây", bà Huỳnh Thị Mười, nói về người hàng xóm của mình.
"Chú Tư" mà bà Mười nói chính là ông Nguyễn Tư, ở tạm trên đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Giúp người gặp nạn...
Đang ngồi nhậu trước nhà thì có người đến tìm. Tiếng nhờ cậy gấp gáp "có đứa bị chìm dưới âu thuyền, chạy ra coi giúp". Bỏ dở chén mồi, ông Tư bốc điện thoại gọi thêm mấy thợ lặn rồi tức tốc mang đồ xuống ca nô đi vớt người.
Người tử nạn cũng là một ngư dân, trong lúc xuống nước gỡ đường ống dây đang bị nghẹt thì xảy ra sự cố không nổi lên mặt nước được nữa. Hơn một tiếng quần thảo dưới nước, cuối cùng đội thợ lặn cũng đưa được người tử nạn lên bờ với sự giúp sức của ông Tư và mấy người bạn.
Cũng như những lần nhờ cậy khác, sau những lần vớt người chết đuối thì thân nhân của nạn nân có gởi lại tiền cho những người thợ lặn để "trả công sông nước". Những người thợ lặn mang trả tiền phí tổn, máy móc cho ông Tư nhưng ông lại mang trả lại cho gia đình kia, coi như tiền cúng hương.
"Anh Tư tuyệt nhiên không bao giờ nhận tiền từ mấy vụ nhờ cậy kiểu vầy dù công sức bỏ ra cũng không nhỏ. Thậm chí nhiều lần anh còn bỏ tiền túi mua bia để đãi những người chịu bỏ công lên thuyền cùng anh", ông Nguyễn Văn Tài, một thợ lặn kể.
Theo cha hành nghề sông nước từ năm 14 tuổi đến nay đã gần ba chục năm, ông Tư gắn với con nước sông Hàn từ ngày chuyên lặn bắt hải sản. Nhưng sau khi người anh trai ông mất trên khúc sông này năm 2004, ông chuyển hẳn nghề lặn bắt hải sản ra vùng biển. Có đôi khi là lặn giải cứu các sự cố thuyền bè hoặc phục vụ thi công dưới nước.
Chưa bao giờ ông nghĩ mình lại mang danh với mấy vụ vớt người chết trôi dưới sông.
Ông nói từ sau vụ chìm thuyền Thảo Vân trên sông Hàn mấy năm trước nhiều người tìm đến ông nhờ tìm xác dù ông không trực tiếp lặn vớt xác người. Có lẽ phần vì có thâm niên hành nghề lặn trên sông Hàn, lại làm hội trưởng Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông một thời gian dài nên người trong vùng đều biết tiếng.
Dù bây giờ đã thôi làm hội trưởng nhưng có lẽ trong mắt cánh ngư dân vùng âu thuyền Thọ Quang vẫn quen cảnh ông ngược xuôi lo chuyện cúng quảy ngày lễ, những đợt ông đi gom góp tiền để hỗ trợ cho gia đình những người bạn lặn không may tử nạn khi hành nghề.
Thuyền của Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông tìm kiếm người mất tích trên sông Hàn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Thuyền của Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông tìm kiếm người mất tích trên sông Hàn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
... việc cần phải làm
Sống cạnh căn nhà dựng tạm bằng tôn của ông Tư hơn chục năm nay, bà Huỳnh Thị Mười cũng dần quen với những tiếng gõ "thùng thụng" mỗi khi có người lạ tìm đến. Có lúc là nửa đêm, có khi giữa trưa nắng.
Nếu là người bình thường, nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy khó chịu bởi những người đến đều trong bộ dạng hồn xiêu phách lạc. Đó là những gia đình chẳng may có con cái gặp nạn như lật thuyền, chìm ghe. Cũng có khi là những người nhảy cầu quyên sinh vì lý do nào đó.
Những sự cố bất ngờ mọi người phải tìm đến chỗ ông Tư để nhờ liên hệ những người chịu lặn tìm xác. Nhưng những người chuyên lặn tìm xác không phải lúc nào cũng sẵn lòng làm. Bởi trong quan niệm của một vài nơi, những ngư dân vẫn rất kiêng kỵ việc lặn vớt người gặp nạn sông nước.
Hoặc có khi chính họ cũng không đủ "đồ dùng", nhất là khi lặn vùng nước sâu hoặc dòng nước siết. Những lúc ấy ông Tư vừa là cầu nối giúp gia đình người xấu số, vừa giúp những người thợ lặn kia có phương tiện lặn tìm người.
Ông Tư không nhớ hết bao nhiêu lần lái ghe chạy từ âu thuyền Thọ Quang ra cửa sông Hàn để phụ giúp cánh thợ lặn tìm kiếm người mất tích bởi coi đây là việc nghĩa cần phải làm.
"Mọi người thấy hoàn cảnh vợ chồng chú Tư chưa có nhà cửa lại nuôi 4 đứa con nên đều cảm thấy khó tin khi chú lúc nào cũng sẵn lòng ra tay giúp người mà từ chối nhận phần công sức lẽ ra thuộc về mình", bà Mười ái ngại.
Với ông Tư, đời làm nghề sông nước ông hiểu hơn ai hết cái được mất của cuộc đời. Mỗi lần làm việc nghĩa ông lại chắp tay vái lạy bàn thờ cầu ơn trên phù hộ cho bình an. "Làm việc nghĩa thì đừng nói chi chuyện tiền nong. Người ta có mang đến đó, đặt lên bàn đó thì tôi cũng sẽ tìm cách gởi lại coi như cúng hương cho người mất", ông Tư nói.
Càng tin vào tâm linh hơn khi có lần chính ông suýt bỏ mạng khi lặn giải cứu cho một cánh cửa thủy điện bị kẹt. Lần đó ông vừa đưa máy hút vào đống bùn vào thì từ trên cao đất cát trên mặt nước bỗng rơi xuống đè lên người.
Ông nghĩ mình "xong rồi", bất chợt cầu nguyện rồi dùng hết sức mình bới đất thoát ra. Đến khi lên bờ thì chân tay tê cứng đến hai ngày sau mới đi lại được. Thắp nén hương thơm lên bàn thờ, nông nói có lẽ lần đó do tích đủ phước nên mới thoát.

Lần duy nhất nhận "trả nghĩa"
Chị Trần Thị Bé, vợ anh Tư nhớ lại lần duy nhất anh nhận "trả nghĩa" là sau vụ chìm tàu Thảo Vân trên sông Hàn vào năm 2016. Năm đó anh Tư là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường trong đêm định mệnh rồi sau đó mấy ngày liền huy động tất cả các tàu lặn dừng hoạt động cùng tham gia vớt người.
Sau vụ tai nạn, chính quyền đã trao cho anh bằng khen và các nhà hảo tâm có đến trao quà đâu đó chừng 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tư bên căn nhà tạm trên đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Nguyễn Tư bên căn nhà tạm trên đường Chu Huy Mân, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm