Viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) từng đi vào thơ ca, nhạc họa nhờ vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc như một viên ngọc bích giữa vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc ta. Giờ đây, vẻ đẹp ấy lại bừng lên sức sống tươi mới, rộn ràng khi trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
 
Một góc đảo Cô Tô nhìn từ trên cao.
Một góc đảo Cô Tô nhìn từ trên cao.
Từ cầu cảng lộng gió, càng đi sâu vào lòng đảo Cô Tô, du khách càng cảm nhận rõ sự nồng nàn, mênh mang của nắng, gió đảo xa. Cầu cảng nằm sát trung tâm thị trấn, nơi mọi công trình và hoạt động văn hóa, du lịch đều sầm uất, sôi động. Nếu muốn khám phá vẻ đẹp mộc mạc như giá trị vốn có của Cô Tô, du khách cần tiếp tục ngồi trên xe điện, băng qua thị trấn, về phía những tán rừng, bờ biển vắng Hồng Vàn - nơi nếu nhìn trên bản đồ, Cô Tô hình chiếc hài xinh xắn thì vị trí đó ở chính phần mũi hài. Du khách chuộng nhất là lưu trú trong những căn nhà gỗ, nhà trúc vừa tọa dưới tán rừng xanh mát điểm xuyết sắc tím hoa sim vừa có hướng nhìn ra biển. Tại đây, luôn dấy lên cảm xúc diệu kỳ khi bên tai vừa nghe sóng biển dạt dào, vừa nghe tiếng bìm bịp và vô số chim rừng thi nhau hót. 
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, số khách du lịch trong nước đến Cô Tô đang dần khôi phục và đến nay đã đạt gần 30 nghìn lượt trong hơn hai tháng qua. Đây là con số đáng mừng của ngành du lịch địa phương. Đáng chú ý, huyện Cô Tô đã tập trung tổ chức chuỗi các sự kiện chào đón du lịch hè năm 2020 nhằm kích cầu du lịch. Riêng từ ngày 23-5 đến 31-5, thời điểm mới đón khách trở lại, lượng khách du lịch tăng đột biến với hơn 10 nghìn lượt người, tăng 718,8% so với tuần đầu tiên thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội chỉ đạt 1.267 lượt khách. Đây là minh chứng rõ rệt cho chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, tàu biển chạy được trong điều kiện gió cấp 7 vừa đi vào hoạt động đã giải quyết được nút thắt lớn của du lịch biển, đảo. 
Huyện đảo Cô Tô sở hữu một quần thể di tích, thắng cảnh nổi bật. Đầu tiên phải kể tới Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu 3 thị trấn với cụm tượng đài, bia, nhà lưu niệm thuộc hệ thống di tích lịch sử đã xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Khu di tích được xây dựng năm 1968 và tôn tạo lại năm 1975, điểm đến luôn nằm ở vị trí đầu tiên của khách du lịch. Tiếp theo là trạm hải đăng Cô Tô - “mắt thần” hướng về biển. Muốn lên hải đăng, cần đi qua con đường rừng ngoằn ngoèo, dốc đứng, leo tiếp 72 bậc thang để lên ngọn hải đăng, điểm nhìn lý tưởng để thu vào tầm mắt toàn cảnh hòn đảo nhỏ. Những cảnh đẹp ấn tượng khác là bãi đá Cầu Mỵ với hệ thống đá trầm tích được bào mòn qua hàng vạn năm bởi nước biển tạo thành kỳ quan; bãi Hồng Vàn sóng êm ả, bãi cát mềm mại như dải lụa; bãi Vàn Chải sóng lớn, gợi cảm giác mạnh mẽ, phóng khoáng; con đường Tình yêu dài hơn 2 km được lát gạch đỏ, men theo bờ biển, cách trung tâm thị trấn khoảng 100 m. Gọi là con đường Tình yêu bởi khi đi dạo sẽ nghe tiếng hàng dương vi vu, sóng biển rì rào, ngập trong tầm mắt là mầu xanh của biển, rừng, cây cối đan xen sắc vàng của nắng, đỏ của gạch lát. Cảnh tượng lãng mạn như cổ tích. Ngoài ra, du khách còn có thể thuê tàu gỗ ra thăm đảo Cô Tô con, cách Cô Tô khoảng hơn 1 km. Đây là đảo không có hộ dân sinh sống, thiên nhiên được giữ gìn nguyên vẹn và hoang sơ nhất. Bãi biển Cô Tô con nhiều vỏ ốc đẹp, trên thuyền đến đảo thường gặp cảnh tượng đàn chim bay qua ánh mặt trời lúc bình minh hoặc hoàng hôn; nhìn xuyên qua làn nước trong xanh sẽ thấy rạn san hô đủ mầu sắc có những đàn cá bơi lội tung tăng. Cô Tô có rất nhiều đặc sản, nhưng đáng chú ý chắc phải kể tới quả dứa dại chín đỏ rực trong vòm cây gai góc. Dứa dại vừa là phương thuốc chữa nhiều bệnh, vừa dùng để ngâm rượu, pha đồ uống, quyến rũ bằng vị ngọt lành, thanh khiết. 
Đi trên bất cứ ngả đường nào cũng dễ gặp hình ảnh người dân đang lúi húi giữa nắng trưa hong phơi dứa dại. 
Ngoài vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng, Cô Tô gây ấn tượng với du khách bởi lòng hiếu khách. Chủ các khu nghỉ dưỡng, nhà vườn chủ yếu là người địa phương, họ kết hợp hài hòa giữa kinh doanh với bảo tồn cảnh sắc. Chẳng thế mà có những con đường thơ mộng toàn hoa vàng trên cỏ xanh trải dọc bờ cát trắng, có những đầm sen đua hương khoe sắc ngay dưới chân đồi. Hỏi thăm mới biết, người dân ở đây đã vào đất liền tìm giống cúc hoa vàng, sen hồng để gieo trồng trên đảo. Vẻ đẹp của Cô Tô bây giờ vừa mang nét riêng của những hoài bão, góc nhìn khác biệt, cũng lại vừa có dấu ấn chung từ tâm hồn những người yêu biển.
THỤY PHƯƠNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm