Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Việt Nam khẳng định lập trường ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam đã khẳng định lập trường xuyên suốt ủng hộ giải trừ và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, NPT cũng như ủng hộ Nghị quyết 2231 và JCPOA.
 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)



Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/6 đã họp thảo luận về tình hình 6 tháng thực hiện Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an về việc ủng hộ Thỏa thuận về Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015, gọi tắt là JCPOA.

Tại đây, Việt Nam đã khẳng định lập trường xuyên suốt ủng hộ giải trừ và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cũng như ủng hộ Nghị quyết 2231 và JCPOA.

Tham gia cuộc họp có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Rosemary Dicarlo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Iran M. Javad Zarif.

Hội đồng Bảo an đã nghe Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc DiCarlo, phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, đại diện EU tại Liên hợp quốc và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Bỉ, điều phối viên thực hiện Nghị quyết 2231, báo cáo cập nhật tình hình.

Phó Tổng Thư ký Dicarlo khẳng định JCPOA và Nghị quyết 2231 là thành quả quan trọng đạt được của ngoại giao đa phương và việc đối thoại.

JCPOA giữ vai trò thiết yếu trong kiến trúc toàn cầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân và đối với an ninh khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc lấy làm tiếc rằng tương lai của thỏa thuận này trở nên không còn chắc chắn.

Tháng 5/2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA. Trước thời điểm đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã có 11 báo cáo khẳng định Iran đang tuân thủ các cam kết trong JCPOA.

Liên hợp quốc lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi JCPOA, áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, chấm dứt cho phép các nước giao dịch mua bán dầu thô với Iran cũng như ngừng tất cả các dự án mà JCPOA cho phép.

Các quyết định này đã gây khó khăn cho Iran và các nước Hội đồng Bảo an trong việc thực hiện JCPOA và Nghị quyết 2231. Đồng thời, Liên hợp quốc cũng lấy làm tiếc trước việc Iran tiến hành các bước đi giảm bớt cam kết đối với JCPOA kể từ tháng 7/2019 nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Đến nay, qua theo dõi, đánh giá của IAEA, Iran đã vượt mức trần quy định trong JCPOA về mức độ làm giàu uranium, dự trữ nước nặng và dự trữ uranium làm giàu ở mức độ thấp.

Bên cạnh đó, báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đã có kết luận đối với một số vụ việc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái, và thu giữ vũ khí xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian qua.

Liên hợp quốc nhấn mạnh việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2231 và JCPOA là cách tốt nhất giải quyết các khác biệt giữa các bên về vấn đề hạt nhân Iran và đảm bảo sự ổn định cho khu vực.

Đại diện EU khẳng định các bên tham gia còn lại của JCPOA sẽ tiếp tục các nỗ lực duy trì JCPOA; nhấn mạnh việc các bên thực hiện thỏa thuận đầy đủ và hiệu quả là yếu tố tiên quyết. Đại sứ Bỉ kêu gọi các tổ chức khu vực và quốc tế cần có các biện pháp phù hợp đóng góp vào việc thực hiện JCPOA và các bên cần tránh các hành động leo thang căng thẳng.

Tại cuộc họp, các nước trong Hội đồng Bảo an đã nêu rõ quan điểm của quốc gia mình về việc thực hiện JCPOA, Nghị quyết 2231, cũng như đưa ra các đánh giá, quan điểm của quốc gia đối với một số nội dung thông tin và đánh giá nêu trong báo cáo của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý ghi nhận báo cáo 6 tháng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tình hình thực hiện Nghị quyết 2231; kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy đàm phán để giải quyết các khác biệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Nghị quyết 2231 và JCPOA, đồng thời kiềm chế, tránh các hoạt động gây xói mòn niềm tin và leo thang căng thẳng.

Thỏa thuận JCPOA được ký năm 2015 tại Vienna (Áo) với sự tham gia của Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Theo đó, chính quyền Tehran phải hạn chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, bao gồm cả lệnh cấm vận vũ khí sau 5 năm thỏa thuận có hiệu lực.

Theo Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm