Khi tiến hành phân tích gene virus cúm ở người, cũng như ở gia cầm cho thấy, virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao.
Ngày 11-5, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) đã ghi nhận sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc từ độc lực thấp sang độc lực cao khi tiến hành phân tích gene virus cúm ở người, cũng như ở gia cầm.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm. |
Theo đó, ở trên người đã phát hiện gene độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ở Đài Loan.
Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H7N9 độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1.000 lần so với virus có độc lực thấp.
Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp.
WHO cũng cho biết, dịch cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3-2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10-2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với 541 người mắc.
Từ tháng 3-2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới.
Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại 17 tỉnh tại Trung Quốc.
Đáng lưu ý, gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh. Trong đó riêng tại tỉnh Quảng Tây, từ đầu năm 2017 tới nay đã có 14 trường hợp mắc cúm A/H7N9 trong khi năm 2015 -1016 tỉnh này không ghi nhận trường hợp mắc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế nhận định virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập nước ta rất cao. Do đó, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO, FAO và các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo cho người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp.
Các lực lượng chức năng và địa phương đang tập trung việc ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường.
Đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu.
Cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn và tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại các tỉnh biên giới về công tác giám sát, xét nghiệm và xử lý ổ dịch.
Theo sggp