Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Vịt thả đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là giống vịt cỏ, trưởng thành có sắc lông nâu nhạt, trọng lượng tối đa chừng 1,5 kg/con. Vịt thả đồng phân biệt với vịt nuôi nhốt ở cách nuôi và chất lượng thịt.
Ở vùng đồng bằng, nghề nông chủ lực là cây lúa nước. Chừng mười năm trở lại đây, nhà nông không còn tăng vụ bởi nguồn lương thực đã dồi dào, cũng không muốn “chạy đua” với bão lũ vào độ thu hoạch, vất vả mà có năm còn bị trắng tay. Nhưng quan trọng hơn cả, họ để đồng đất có thời gian nghỉ ngơi. Đây là cách canh tác hợp với lòng người, thuận với tự nhiên.
Thường cứ độ cuối tháng 6, đầu tháng 7 Âm lịch, đồng sâu, ruộng cạn đồng loạt kết thúc vụ Hè Thu. Khi lúa đã vào bồ, rạ rơm đã vun thành đống, cuộn thành bó cất vào kho là quãng thời gian nông nhàn. Người nhà quê vốn cần cù, chẳng chịu ngồi yên bao giờ, mới nghĩ ra việc để làm, trong đó có việc nuôi vịt cỏ thả đồng.
Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh
Vịt tơ chỉ dùng để lấy thịt, phân biệt với vịt nuôi lấy trứng. Trước thu hoạch vụ Hè Thu chừng 1 tháng, phần nhiều những gia đình nhà ở bìa ruộng, cánh đàn ông đi chợ huyện, đến lò ấp mua ít thì trăm con, nhiều thì vài trăm đến cả ngàn vịt con về nuôi ủ. Độ 1 tháng sau, vịt bắt đầu mọc lớp lông mới, đủ cứng cáp thì lùa ra đồng tự kiếm lấy thức ăn. Ban đầu, vịt chỉ ăn quanh quẩn. Về sau quen dần, đáp ứng nhu cầu “ăn như vịt”, chúng tràn đi khắp cánh đồng tìm hạt thóc rơi thóc vãi, con cua, con ốc. Nuôi vịt thả đồng mùa này, đi chăn cũng chỉ gọi là vì mỗi đàn được đánh dấu bằng cách phun sơn khác màu lên đầu, lên cổ chúng để phân biệt. Vịt biết ăn theo đàn, con nào bị lẫn đàn thì tự tách ra, tìm về với đàn mình.
Chiều muộn, chủ chăn mới ra đồng, dùng chiếc sào tre có buộc chùm lá chuối khô hay chiếc túi bóng sậm màu ở đầu sào ung dung lùa chúng về. Chuồng vịt đặt nơi mô đất cao giữa đồng hay trong vườn nhà tùy quy mô đàn nhiều hay ít. Đàn vịt được nhốt trong chiếc mành tre thấp vây tròn, phủ lớp rơm khô hay hỗn hợp cát lẫn vỏ trấu lên nền đất; bên trên che chắn bằng vật liệu đơn giản nên thường gọi là chòi vịt. Có hôm, trời bất ngờ trở cơn giông gió, ngại đội mưa mà đi, họ cứ để mặc đàn vịt ngủ luôn ngoài đồng. Vịt đủ lông chẳng sợ ướt. Cũng không lo bị mất trộm vì người nhà quê vốn tính thật thà, chẳng tham của người. Chỉ lo giống chồn cáo, hay rái cá mò đến bẻ cổ vịt cắp đi thôi. Những cánh đồng nằm xa gò đống không có chồn cáo; cách xa ao hồ, sông suối không có rái cá mới yên tâm làm như vậy. Quãng thời gian vịt thả đồng, chủ đàn không phải bổ sung thêm thức ăn cho chúng. Nhờ vậy, vịt xuất chuồng với giá dao động 130-150 ngàn đồng/cặp mà vẫn có lãi.
Vịt tơ thả đồng độ 4 tháng tuổi, khi bộ lông cánh đã chấm đuôi, toàn thân phủ một màu nâu nhạt đem lấy thịt là đúng lứa, đúng kỳ nhất. Vịt cho thịt thơm, săn chắc, mỡ màng vừa phải nhờ vận động nhiều, nhờ nguồn thức ăn nhặt nhạnh phong phú mà nên thương hiệu vịt cỏ thả đồng.
Người quê thường bắt vịt ngay giữa đồng mang về tự tay giết thịt, chế biến các món tiết canh, cháo ăn kèm với bánh hỏi. Thịt vịt luộc chặt xéo chấm nước mắm gừng hương vị thơm ngon khó tả! Được lý giải, theo cách này, thịt vịt không hề bị hôi lông-thứ mùi tanh rất đặc trưng do con vịt tiết ra khi nhốt lồng, vận chuyển.
Bạn lâu ngày về quê hay là khách quê, được thưởng thức món vịt cỏ thả đồng chính tay người quê chế biến, đưa cay ly rượu Bàu Đá, trong không gian ngày đông mưa gió sụt sùi hẳn cảm xúc dẫn dắt vị giác cho món quê thêm hấp dẫn, hồn quê thêm thơm thảo, mặn mòi!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm