Các chuyên gia cho biết tăng cường bổ sung vitamin giúp thiết lập hệ miễn dịch khỏe mạnh - là lá chắn quan trọng chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Shutterstock |
Vitamin A có tác dụng kháng viêm tốt và giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Beta-carotene là tiền chất của vitamin A, khi ăn vào sẽ được chuyển hóa trong thành ruột non thành vitamin A. Nguồn phong phú beta-carotene là cà rốt, khoai lang, ớt chuông đỏ và vàng, cà chua, rau xanh đậm, chùm ngây, bí đỏ, măng tây và quả xoài.
Vitamin B6 hỗ trợ các phản ứng sinh hóa của hệ miễn dịch. Cá, thịt gia cầm, các loại hạt, đậu xanh, rau lá xanh đậm, chuối, đu đủ là những nguồn giàu vitamin B6.
Vitamin B12 là dưỡng chất quan trọng giúp hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và giúp tổng hợp ADN. Vitamin B12 cùng với a xít folic duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Có thể ăn cá, thịt, thịt gia cầm, trứng, sữa và các chế phẩm sữa để bổ sung vitamin B12.
Vitamin C là chất chống ô xy hóa mạnh giúp thúc đẩy khả năng miễn dịch. Vitamin C cũng giúp tái tạo vitamin E. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C (ảnh) là ổi, cam, chanh, ớt chuông, dâu tây, quả mâm xôi, kiwi, dâu tây, bông cải xanh…
Vitamin D rất cần thiết cho chức năng miễn dịch và giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Cần ăn lòng đỏ trứng, dầu gan cá, nấm, cá mòi, cá béo để bổ sung vitamin D. Tắm nắng cũng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.
Vitamin E tan trong chất béo, giúp điều chỉnh và hỗ trợ chức năng hệ miễn dịch. Vitamin E còn ngăn chặn quá trình ô xy hóa beta-carotene và vitamin A trong đường ruột. Nguồn thực phẩm chứa vitamin E là hạnh nhân, quả hồ trăn (hạt dẻ cười), hạt hướng dương… Ngoài chất đạm và vitamin, một số khoáng chất như kẽm, magiê, selen cùng với chất béo a xít béo omega-3 đều góp phần giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Theo trang tin IANS dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ Sheryl Salis, chúng ta cũng có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn thêm các loại thực phẩm kháng vi rút như tỏi, thì là, gừng, nghệ và dầu dừa.
Theo Mai Duyên (Thanh Niên)