Phóng sự - Ký sự

Vùng đất bên dòng sông lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có gì lôi cuốn tôi trở lại Đak R’Lấp, như người thân đến với người thân mang trong lòng niềm vui mới lạ mà gần gũi trước những đổi thay của huyện này, rộn ràng sinh động sự sống quanh từng quả đồi xanh bên suối bên sông, từ các xã gần xa cho đến thị trấn trung tâm huyện. Đak R’Lấp nằm bên đoạn sông dài Đồng Nai, dòng sông lớn phát nguyên từ dãy núi Tà Đùng cao nhất tỉnh Đak Nông, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TP.  Hồ Chí Minh.

Dòng sông thấm đượm chất màu đất bazan đem lại nguồn lợi đầy đặn lâu dài cho tỉnh Đak Nông, từ thượng nguồn xa huyện Đak Glong lượn vòng theo thung lũng chân đồi, chảy qua địa bàn thị xã Gia Nghĩa đón thêm màu mỡ dòng nước Đak Nông, hợp thành phù sa thấm đậm dành cho các xã ven sông phía Nam huyện Đak R’Lấp với hệ thống thủy lợi tưới các loại cây trồng suốt mùa nắng Tây Nguyên.

 

Một góc thị trấn Kiến Đức.
Một góc thị trấn Kiến Đức.

Dòng sông hào phóng, đất đai vùng đồi phì nhiêu cùng với trí tuệ con người đã làm nên một huyện từ nghèo khó trở thành giàu có về nông nghiệp với đa dạng hoa màu và các loại cây công nghiệp dài ngày. Hơn 20 năm qua, một Đak R’Lấp khởi sắc mới mẻ từ dáng vẻ sắc màu đến khuôn mặt người người nhìn nhau đã cho tôi thấy rõ một nhân cách xã hội đẹp đẽ đang hình thành tại huyện vùng đồi bên dòng sông lớn chảy qua.

Những ngày ở đây, có lúc nào cầm ly rượu trên tay với món ăn ngon, ngồi nơi quán bên con đường dốc cao gần cơ quan Huyện ủy đối diện mặt nước hồ xanh lấp lánh nắng quanh chân đồi, tôi nghe trong lòng mình len lỏi tình cảm như biết ơn con người cùng đất đai vùng đồi và dòng sông đã làm nên sự sống xanh tươi yên lành…

Đã qua rồi những ngày thị trấn huyện lỵ Kiến Đức thiếu điện, 10 giờ đêm phải nhờ đến ngọn đèn dầu trong những căn nhà vách ván mái tôn tạm bợ và những con đường cấp phối đi về các xã trong huyện lầy lội mùa mưa, đầy bụi đỏ mùa khô và đêm đêm le lói ánh đèn dầu mờ đó đây trong từng căn nhà đơn sơ quanh vùng đồi nông thôn.

Đã qua những ngày nắng nôi, nhiều nơi người nông dân phải gánh từng thùng nước suối, nước sông ân cần tắm tưới thêm cho hoa màu lên xanh. Lúc bấy giờ, tôi đã sống thiếu trước hụt sau cùng Đak R’Lấp, chỉ có thêm chiếc áo mang theo cũng lấm đầy bụi đỏ, không còn gì để bỏ ra thay. Năm tháng ấy, trên mỗi bước đường, tôi có được nghĩa tình của những con người còn nghèo khó mà chân thật và hào phóng; những người dân tộc bản địa M’Nông bên suối Đak R’Lấp, bên dòng Đak R’Tih, Đak Buk So và những người dân gốc Quảng Ngãi bên sông Đồng Nai ấy, đó đây đã trao trên tay tôi từng quả bắp tươi, nắm xôi nếp mới, khi thì nơi này đưa đẩy ly rượu trắng nồng thơm hương lúa, lúc thì nơi nọ đổ đầy chén nước rượu cần chuyền tay nhau thoang thoảng men thơm của rễ cây rừng.

Đâu thể quên, làm sao quên được hạnh phúc của mình, những nghĩa tình đã nhận được, nhỏ nhắn và ngắn ngủi trong đời thôi nhưng đã đọng vào tình cảm tôi những tháng ngày đầu tiên đến với vùng đồi Đak R’Lấp xa xôi khi huyện này còn thuộc tỉnh Đak Lak, chưa tách thành tỉnh Đak Nông ngày nay…

*
Anh Lê Xuân Vọng- Bí thư Huyện ủy Đak R’Lấp, người Quảng Ngãi đã đến vùng đất này từ thở nhỏ, một thời hoang sơ đầy lửa đạn chiến tranh, nay đã là quê hương thứ hai của anh, êm đềm và xán lạn sắc màu. Bao cay cực dần qua, những khó khăn quyết tâm bước tới, luôn vọng tưởng một ngày tốt đẹp trong tương lai.

Đó là ý nguyện và hành động, là khối óc và bàn tay của người dân các dân tộc cùng cán bộ huyện này đã làm nên Đak R’Lấp hôm nay. Tôi tin lời anh Vọng khi thêm một lần nhìn vào khuôn mặt thẳng thắn thanh thản của một người gắn bó với vùng huyện này đã hơn 50 năm. Tại Văn phòng Huyện ủy huyện Đak R’Lấp, trước khi tôi đi thăm các xã nông thôn vùng đồi ven suối ven sông, anh Vọng nói thêm, giọng nhẹ nhàng như nói với chính mình:

- Từ năm 2004 đến năm 2013, diện tích và sản lượng các loại cây công nghiệp lâu năm tăng đáng kể: từ 31.000 hecta cho sản lượng 35.000 tấn gần 36.000 hecta cho sản lượng 49.000 tấn; trong đó cây cà phê vẫn là chủ lực về kinh tế, đạt năng suất ngày càng cao, với gần 17.000 hecta cho sản lượng hơn 32.000 tấn hạt nhân. Riêng cây cao su tiểu điền thì phát triển mạnh và nhanh, từ con số hơn 3.000 hecta 8 năm trước, nay đã nhân lên hơn 8.500 ha, đặc biệt nhờ giống cây trồng, thích hợp đất đai và chăm sóc nên cho năng suất khá cao, với hơn 3.000 hecta đã vào tuổi kinh doanh, gần đây nhất cho thu hoạch 6.396 tấn mủ. Hồ tiêu cũng rất đáng kể, hơn 3.000 hecta vừa cho sản lượng gần kề con số 6.000 tấn hạt thành phẩm. Bên cạnh đó, còn có lúa nước, ngô khoai, nhiều cây ăn trái và hoa màu khác, nhưng trước sau, các loại cây công nghiệp lâu năm nói trên vẫn là chủ lực về kinh tế của huyện…

Tôi cùng anh Trần Hồng Sơn- Phó Bí thư Huyện ủy Đak R’Lấp đi thăm các xã nông thôn vùng đồi ven dòng sông lớn Đồng Nai. Một ngày rồi một ngày qua nhanh, chúng tôi lần lượt đến các xã xanh màu cây trái hoa lá tốt tươi khép kín từng quả đồi lớn nhỏ, đồi nối tiếp đồi trải rộng hai bên những đường nhựa từ lâu thông thương giữa các xã nông thôn, cùng thuận lợi đêm ngày đi về thị trấn huyện lỵ-trung tâm kinh tế và văn hóa của huyện Đak R’Lấp.

Thị trấn huyện lỵ Kiến Đức, rộng lớn và sầm uất với phố nhà khang trang luôn rộn ràng bước chân người mua kẻ bán, năm vừa qua đã góp phần lớn cùng các xã nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện hơn 1.330 tỷ đồng. Từ con số sinh động sức sống này, tôi nghĩ ngay đến giá trị ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện, chủ yếu do cá thể nông dân làm ra, trong năm qua đem lại cho Đak R’Lấp gần 3.000 tỷ đồng.

Sau khi rời xã Đạo Nghĩa ven sông với cánh đồng rộng xanh màu lúa vụ Hè-Thu giữa bốn bề trang trại vườn cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu tốt tươi uốn lượn theo từng lưng đồi, chen lẫn đó đây là nương ngô đang ra quả bên hàng cây sầu riêng đã có quả chín ngọt đầu mùa, chúng tôi đến xã Đak Sin cũng ven bờ lưu vực dòng sông lớn đang mùa mưa đầy đặn nước phù sa, từ bên này nhìn qua bên kia sông tỉnh Lâm Đồng thấy rõ màu xanh bạt ngàn của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Xã Đak Sin hiện có hơn 1.400 ha cà phê, 650 ha hồ tiêu, 330 ha điều, 160 ha cao su… của nhân dân, thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng/người/năm.

Con số ấy đã tỏ rõ niềm vui trong tôi khi nghĩ đến một thời người dân xã Đak Sin còn trăn trở vượt dần khó khăn trên vùng đất rộng ven sông. Trên vùng đất này hôm nay đã có những ngôi trường cấp 1, cấp 2 khang trang thoáng mát bóng cây, đủ đầy các phương tiện học tập; tất cả các em đến tuổi đi học đều đến trường, không học sinh nào bỏ học, chuyển tiếp lên cấp 3 đã có trường trung học phổ thông Nghĩa Thắng bên cạnh; nhà nhà đều có ánh sáng điện, phương tiện nghe nhìn và xe gắn máy… Nhìn thấy tôi vui trước dung mạo nông thôn đổi mới, hứa hẹn ngày đẹp đẽ hơn, Phó Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Sơn cùng vui đồng tình; khuôn mặt anh như mãn nguyện, đã gắn bó với những đóng góp cho vùng đồi Đak R’Lấp này gần 30 năm qua…

*
Huyện Đak R’Lấp có 171 trang trại kinh tế tư nhân.Trong nắng mai ngày mới, chúng tôi đến Đak Wer, nơi có 14 trang trại nông nghiệp, vẫn là xã vùng đồi nối tiếp đồi phủ đầy các loại cây công nghiệp và hoa màu xanh tươi. Có 3 dòng suối Đak R’Tih, Đak N’Rung và Đak Buk So chảy qua địa bàn xã Đak Wer, là tài nguyên quanh năm tô thắm thêm tài nguyên đất đai nuôi sống cây trồng lâu năm và hoa màu mỗi mùa nảy nở sinh sôi.

Trang trại nông nghiệp tổng hợp Thanh Tâm tại thôn 16 có diện tich 80 ha, nằm bên suối Đak N’Rung và suối Đak Buk So, thuộc loại lớn nhất của huyện vùng đồi Đak R’Lấp. Chủ trang trại là anh Trần Đại Huệ, còn quá trẻ so với một cơ ngơi làm ăn rộng lớn từ đầu óc tính toán và bàn tay năng động làm nên sự nghiệp hôm nay. Trần Đại Huệ sinh năm 1975 tại tỉnh Đồng Nai, năm 20 tuổi, anh cùng người thân lên vùng đồi cực Nam Tây Nguyên này lập nghiệp.

Từ vốn nhỏ đẻ ra vốn lớn, từ 5-7 ha cây trồng ban đầu, bằng quyết tâm, nỗ lực và thâm canh cả trí tuệ, bàn tay chăm sóc; đất đai không phụ con người, đến nay, chàng trai độc thân năm nào sắp đến tuổi 40 vẫn còn độc thân, đang làm chủ một cơ ngơi đồ sộ. Trang trại nông nghiệp tổng hợp Thanh Tâm của Trần Đại Huệ có 20 ha cà phê, 20 ha cao cu, 4 ha hồ tiêu; diện tích đất đai còn lại dành cho hoa màu, cây ăn quả các loại, chuồng trại chăn nuôi bò, gà sao, đà điểu, heo rừng lai, ngan, ngỗng...

Số tiền hơn 3 tỷ đồng hàng năm thu nhập được, đâu chỉ riêng vì niềm vui ấy, mà còn dài niềm vui khi nhìn sản phẩm của mình được đưa đi đó đây. Anh Trần Đại Huệ cười vui, cởi mở lòng mình nói như thế trước khi tôi tạm biệt trang trại rộng bạt ngàn cây xanh bên dòng suối lớn đầy ắp nước phù sa. Xã Đak Wer còn hơn 10 trang trại lớn nhỏ quanh năm hưởng nước suối nước trời cho mùa màng tốt tươi, từ đó tôi liên tưởng đến 160 con em của xã này đang là sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trong nước, là hiện thực vui, là tài sản sống động nhiều ý nghĩa tốt đẹp lâu dài trong tương lai.

Trong chiều mưa tiếp tục tưới xanh vùng đồi Đak R’Lấp, trên đường rời huyện này, hình ảnh những ngôi trường trung học phổ thông tại thị trấn Kiến Đức, xã Nghĩa Thắng, xã Nhân Cơ và xã Đak Ru lần lượt hiện ra đẹp đẽ trong mắt tôi và bây giờ huyện vùng đồi rộng hơn 63.000 hecta bên dòng sông lớn ấy còn đầy cảm xúc trong tôi về những hình ảnh và sự sống tốt tươi cho hơn 80.000 người dân…

Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm