(GLO)- Sau khi dừng chân tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), chúng tôi rời thành phố trẻ đi về hướng Nam thăm lại Vũng Rô.
Xe chạy qua cầu Đà Rằng, bỏ dần thành phố sau lưng, hương đồng nội ngày mới ươm lên nồng nàn. Đã lâu rồi, giờ mới được ngửi hương quê dạt dào như thế. Trên cái nền xanh thẩm của đồi núi xen lẫn, Thạch Bi Sơn như huyền ảo trong mây sớm.
Thì ra, câu “Chiều chiều mây phủ Đá Bia” cũng còn… khuyết thật, bởi lẽ ngay buổi sáng tinh sương mà mây đã vờn Bi Sơn rồi. Có điều gì đấy tiên đoán cho những dòng xúc cảm đan xen sắp tới và có cả chút bồi hồi, ngỡ là vương vấn lắm. Mà chắc là phải vấn vương lắm rồi, nếu không phải thế thì điều gì đã thôi thúc chúng tôi về thăm “căn cứ thủy” của những chuyến “tàu không số” năm xưa?
Vũng Rô nhìn từ đèo Cả. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Đường đến Vũng Rô bây giờ đã được trải nhựa thẳng tít, che mát người đi bởi những rặng cây hai bên đường. Thi thoảng những con gió nhẹ từ ngoài vũng đưa vào, trộn lẫn vào trong hương đồi núi, tạo cho ta một cảm giác lâng lâng khó tả.
Cái cảm giác ấy tuyệt nhiên chiếm hữu tâm trí chúng tôi trong một khoảng thời gian khá dài. Phía bên kia là quốc lộ với những xe lăn đều bánh trong hành trình Bắc-Nam. Phải rồi, cũng đôi lần mình vào Nam ra Bắc và như bao hành khách khác, những chuyến đi xa như thế thường mệt mỏi.
Ấy vậy mà mỗi lần xe đi ngang Vũng Rô thì tôi đều cố gắng vùng dậy để mà thưởng thức vẻ đẹp nơi đây. Tôi chẳng quan tâm cái vị trí phong thủy mà địa danh này đang nằm, càng chẳng màn đến chuyện người ta ví thắng cảnh này đẹp như thế này, thế nọ. Với tôi, khi đang hít thở không khí ở vùng đất này, chỉ thốt lên được - theo cái kiểu con gái: đẹp không cần lý do!
Vũng Rô bây giờ đổi mới nhiều lắm. Trước kia nơi đây là điểm tập trung cùng chung sống của nhiều người dân di cư từ nơi khác đến. Phần lớn là người Thừa Thiên-Huế, tiếp đến là người dân Phú Yên mà cụ thể là những người sống ven phía Nam thành phố Tuy Hòa, số còn lại là những nơi khác. Hồi đó họ sống dưới những mái lều thấp lè tè và có thể bị cuốn phăng bất cứ lúc nào bởi những con gió trái nết! Nay thì hoan hỉ rồi, nhà mái ngói đỏ tươi hẳn hoi.
Thôn Vũng Rô đã là mái ấm của khoảng 376 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm, thu nhập tương đối khá mà theo cách tính của Bí thư chi bộ thôn thì thu nhập bình quân ở đây là 10 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, dẫn đến các loại hình dịch vụ phục vụ cho đời sống của người dân theo đó cũng được nâng cao, việc học tập của con em được quan tâm nhiều hơn.
Nhờ đường sá được mở rộng, trải nhựa nên việc lưu thông giữa Vũng Rô và bên ngoài vì thế mà thêm phần thuận lợi, nhất là con đường Phước Tân-Bãi Ngà như nối liền Vũng Rô với thành phố Tuy Hòa và các địa phương khác làm cho việc lưu thông dễ dàng hơn. Ngày ngày có nhiều xe đông lạnh ra vô tấp nập, đó là những xe chở thức ăn nuôi tôm đến cho bà con.
Cảng Vũng Rô tấp nập những chuyến tàu cập bến. Đây chính là nơi năm xưa bọn Mỹ dùng làm căn cứ. Qua đó chúng âm mưu chặn đứng đường dây liên lạc, vận chuyển vũ khí, thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Tuy nhiên, bọn chúng cũng chỉ phát hiện ra khi “tàu không số” của chúng ta vận chuyển chuyến thứ tư đến đây vào tháng 2-1965. Dẫu vậy bọn chúng cũng chẳng thu thập được gì khi các chiến sĩ “tàu không số” quyết định đánh bộc phá để không cho tàu rơi vào tay địch. Cảng Vũng Rô dã chiến mà bọn Mỹ chiếm giữ năm nào giờ đã được xây dựng kiên cố, bến cảng rộng rãi tiếp nhận những chuyến hàng có khối lượng lớn.
Nói đến Vũng Rô, người ta nghĩ ngay đến những con người suốt đời làm bạn với biển. Biển muôn đời là vậy, hào phóng mang đến cho con người niềm vui, nhưng đôi lúc biển trở chứng mang về tang tóc. Đấy là quy luật bù trừ, chả có gì phải bàn! Điều cần nói ở đây chính là ý thức về dòng sử hào hùng của dân tộc.
Những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng hầu hết đều biết đến Vũng Rô với những chuyến “tàu không số” đầy mưu mẹo và anh dũng của lớp cha ông đi trước. Chính những chuyến tàu ấy tiếp thêm niềm tin cho những người chiến sĩ chắc tay súng đến ngày giành độc lập. Và chính những chuyến tàu ấy là sự cáo chung cho sự thất bại của Mỹ về âm mưu chặn đứng đường dây liên lạc, vận tải vũ khí của quân và dân ta.
Chiến tranh đã lùi xa, dẫu vậy, trong họ-những người đi ngang cuộc chiến-lửa lòng và những thời khắc hào hùng của dân tộc sẽ vẫn còn mãi. Đấy là lý do vì sao họ và con cháu sau này vẫn ngày đêm bám biển. Đơn giản, đằng sau cái sự mưu sinh ấy là những điều lớn lao sâu xa.
Chúng tôi đến thăm bia tưởng niệm ở Vũng Rô, trên bia khắc ghi cụ thể những chuyến hải trình của những chiếc tàu không số từ lúc bắt đầu cho đến khi bị địch phát hiện. Dòng chữ trên bia thật tròn trịa và ngay ngắn trang trọng, đấy là tấm lòng tri ân thành kính của lớp người đi sau chúng ta bày tỏ. Lần này, khi đến đây, chúng tôi có một niềm vui không của riêng ai: bộ phim về chuyến “Tàu không số” và đường Hồ Chí Minh trên biển đã được khởi quay. Tuy những người làm phim không chọn Vũng Rô làm trường quay (quay ở biển Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng điều này rất có ý nghĩa trong việc khơi dậy lòng yêu nước và nhận thức về kiến thức lịch sử của lớp trẻ.
Và như một lập trình cố hữu khi mỗi lần đến đây, chúng tôi tìm cho mình những góc nhìn để thưởng thức vẻ đẹp của Vũng Rô. Thật tiếc vì không thể ngắm hết cái nên thơ của mười hai bãi nơi đây. Và khi ánh dương xiên qua Thạch Bi Sơn, thả những tia nắng xuống mặt biển Vũng Rô đang lăn tăn, chúng tôi phải ngậm ngùi giã từ vùng đất nổi tiếng với những chuyến tàu không số và những con người cần lao bám biển.
Lê Xuân Thọ