Vườn địa đàng của các quý bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nào cũng đón được cả chục vạn khách nội tỉnh và tứ xứ ghé thăm, thích thú với tre xanh, hồ biếc, hoa trái bốn mùa, ẩm thực tinh tế ở miền cà phê Đak Lak, đó là điểm hẹn Kotam. Để bồi đắp nên “vườn địa đàng” này, một nhóm quý bà đã quyết đoán đầu tư nhanh, đúng, trúng, khiến các đấng mày râu kính nể!

Nơi mẫu hệ lên ngôi

 

Hội đồng quản trị toàn nữ của Khu Du lịch Ko Tam.
Hội đồng quản trị toàn nữ của Khu Du lịch Ko Tam.

Bảy năm trước, Kotam toàn rẫy nương, triền đồi hoang vắng. Chủ rẫy là những hộ nông dân nghèo thuộc 3 buôn Kotam, Krông A, Krông B của đồng bào Ê Đê xã Ea Tu, dù nằm cạnh quốc lộ 26 và chỉ cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 8 km.

Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp Đak Lak (CLB) lúc bấy giờ có 52 phụ nữ thành đạt, hoạt động sôi nổi, dưới sự điều hành của chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Anh, giám đốc một công ty mua bán, xuất khẩu cà phê có mức đóng thuế vài tỷ đồng mỗi năm.

Đi làm từ thiện mãi, thấy cứ cho-nhận xong là đâu lại vào đấy, người nghèo chẳng vì thế mà khá hơn, CLB bèn quyết định tạo ra một mô hình kinh tế có thể giúp nhiều người xóa nghèo bền vững. Dự án xây dựng Trung tâm du lịch Sinh thái, Văn hoá Cộng đồng Kotam ra đời.

 

Vườn địa đàng của nữ doanh nhân cao nguyên.
Vườn địa đàng của nữ doanh nhân cao nguyên.

Gắn bó với vùng đất này từ tuổi thiếu nhi, thông thuộc đặc tính và văn hóa bản địa, chị Ngọc Anh được 18 nữ doanh nhân xung phong góp vốn, tín nhiệm đề cử làm giám đốc công ty cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam. Mục tiêu đầu tiên là bảo vệ môi trường, gìn giữ thiên nhiên trong lành cho dòng suối đầu nguồn Kotam; bảo tồn các bến nước lâu đời, kiến trúc nhà dài truyền thống, trang phục dân tộc. Các chị xác định bản sắc văn hóa chính là hồn thiêng của xứ sở, và của dự án này.

Cả chục tỷ đồng vốn góp đầu tiên, Hội đồng quản trị công ty gồm 5 bà tiến hành việc thỏa thuận mua lại một số nương rẫy của đồng bào với giá cao hơn giá chuyển nhượng đất trên thị trường, kèm yêu cầu khá oái oăm là người bán phải cam kết chỉ dùng nguồn tiền này đi mua nhiều đất hơn ở nơi khác, chứ không chi xài vô tội vạ. Nhận được chính sách ưu đãi đầu tư, cộng với hơn chục hecta đất tỉnh cho thuê dài hạn sau khi thu hồi từ một đơn vị cà phê quốc doanh thua lỗ đầm đìa, Kotam nhanh chóng trở thành một quần thể du lịch cảnh quan tươi đẹp, có dịch vụ vui chơi, thể thao giải trí, quảng bá đặc sản.

Trong bối cảnh các điểm tham quan nổi tiếng dọc sông Sêrêpôk trước đây như chuỗi thác Trinh Nữ- Dray Nu- Dray Sap, thác Bảy nhánh, Buôn Đôn dần dà xuống cấp sự xuất hiện đúng lúc của Trung tâm Du lịch Sinh thái Văn hoá Cộng đồng Kotam, giúp nơi này trở thành điểm hẹn tất yếu của mọi du khách khi đến Buôn Ma Thuột.

Nhiều bạn trẻ chỉ cần cảnh đẹp để chụp ảnh “tự sướng”, tình cờ đến đây lại có dịp hiểu thêm về văn hoá cồng chiêng, nhà dài với chế độ mẫu hệ, tập tục cưới hỏi của đồng bào các dân tộc qua lời thuyết minh của các hướng dẫn viên. Họ duyên dáng nhiệt tình, sẵn lòng dẫn khách lên nhà sàn bảo tàng và nghỉ dưỡng, qua đồi tâm linh viếng tượng quốc mẫu Âu Cơ, xuống hồ ngắm hoa sen hoa súng, tắm thác, bơi thuyền… Có những nhóm tóc dài hào hứng với vườn cây ăn quả xoay vòng trĩu trái quanh năm. Nào bơ, sầu riêng, mãng cầu xiêm... đặc biệt là giống ổi không hạt vỏ rám xù xì mà vị đậm ruột giòn, ít nơi có, do các nữ chủ Kotam kỳ công tìm tòi, nhân giống.

Nâng niu bảo tồn bản sắc văn hóa

 

Nhà sàn dài Ê Đê pha lẫn kiến trúc M'Nông.
Nhà sàn dài Ê Đê pha lẫn kiến trúc M'Nông.

Chuỗi đồi lũng thơm mát cỏ cây của Kotam trở thành không gian lý tưởng cho các cuộc hội thảo, hội trường, gặp mặt, liên hoan, cắm trại. Vườn tre xanh trồng để lấy măng và ống tre nướng cơm lam, cũng được tỉnh chọn làm điểm đăng cai các cuộc thi tạc tượng gỗ cho nghệ nhân các dân tộc hàng chục tỉnh thành, trong festival Cà phê. Với những đoàn cô dâu chú rể vào chụp ảnh cưới, Kotam cũng chỉ thu có 300 nghìn đồng/lượt, thân thiện và mến khách. Vậy nên Kotam ngày càng tấp nập. Riêng ngày Mùng 3 Tết Đinh Dậu nơi này tiếp đón tới 17 nghìn lượt người đến tham quan, giải trí. Sau 4 năm kể từ khi triển khai dự án, Kotam thu lợi nhuận tiền tỷ, và nộp vào ngân sách hơn 1 tỷ đồng trong năm 2016.

Để có đủ lực lượng sẵn sàng phục vụ, Kotam trả lương thường xuyên cho 100 nhân viên, trong đó gần 70 người là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, do công ty nhận về, đào tạo từ A-Z. Chị Ngọc Anh kể: Thời gian đầu, thuyết phục các cô mặc váy áo thổ cẩm thật khó. Vì dù là đồng bào dân tộc Ê Đê, nhưng ở gần thành phố, từ lâu các cô đã bỏ quên trang phục dân tộc mình. Công ty phải vận động tất cả các nữ cổ đông, mà trước hết là 5 bà trong Hội đồng quản trị mặc váy áo thổ cẩm làm gương. Tìm người biết thi công đúng nguyên bản nhà sàn dài Ê Đê càng khó hơn, dù Kotam từng là một trong những buôn Ê Đê cổ xưa nhất của tỉnh Đắk Lắk. Rốt cục, công ty đành phải mời nhóm thợ M’Nông từ huyện Lắk ra. Đánh tranh, lợp mái dốc, nối vì kèo cho căn nhà sàn dài 48m họ làm được, nhưng tới phần thưng vách nứa xiên hình chữ V, tạo dáng căn nhà sàn dài trên rộng dưới hẹp như hình con thuyền, thì họ chịu thua. Công ty cũng... bó tay, đành chấp nhận ngôi nhà sàn đẹp nhưng kiến trúc pha lẫn nửa Ê Đê, nửa M’Nông.

 

Bến nước Ko Tam.
Bến nước Ko Tam.

Trong số cổ đông toàn nữ, không ít các mẹ chị yếu bóng vía, nên mấy lần thị trường biến động, gần chục người đã xin rút vốn. Có năm công ty xính vính vì thiếu tiền đầu tư, chị Ngọc Anh đã dốc toàn bộ vốn liếng thời xuất khẩu cà phê cộng thêm 100 cây vàng ông em rể bán nhà cho vay, để dự án triển khai đúng tiến độ và bảo đảm nguồn chi lương thưởng bình ổn cho cán bộ, nhân viên. Năm 2016 công ty đã trả hết vàng cho chủ nợ. Còn năm nay, Kotam trao 3 suất học bổng, mỗi suất 30 triệu đồng cho con của 3 cán bộ đã đóng góp hiệu quả nhất cho công ty, để các cháu được vào học một trường phổ thông liên cấp có mức đóng học phí cao nhất tỉnh.

Hoàng Thiên Nga/tienphong

Có thể bạn quan tâm