Vườn quốc gia Ba Bể - Tiềm năng thiên nhiên, di sản vô giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Ba Bể - “lá phổi xanh” nơi rừng đại ngàn Việt Bắc là một phức hệ gồm cả “sông-hồ-núi,” nằm trong hệ sinh thái “rừng ẩm thường xanh” ở núi đá vôi.
Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: monre.gov)
Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. (Nguồn: monre.gov)
Vườn Quốc gia Ba Bể được thành lập ngày 10/11/1992 theo Quyết định số 83/1992/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nằm cách thị xã Bắc Kạn 40km về phía chợ Rã, trải rộng trên địa bàn 7 xã của huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Ở độ cao hơn 300m so với mặt nước biển, Vườn Quốc gia Ba Bể - “lá phổi xanh” nơi rừng đại ngàn Việt Bắc là một phức hệ gồm cả “sông-hồ-núi,” nằm trong hệ sinh thái “rừng ẩm thường xanh” trên núi đá vôi đặc trưng cho vùng núi Đông Bắc Việt Nam, được hình thành từ cuối kỷ Cambri (cách đây hơn 200 triệu năm).
Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể.
Khu mặt hồ có diện tích khoảng 500ha, chiều dài hơn 8km, nơi rộng nhất gần 2km, chỗ sâu nhất là 35m.
Hồ có tên là Ba Bể vì lòng hồ được thắt khúc thành 3 hồ là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Tháng 3/1995, Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ đã xếp hồ Ba Bể vào một trong số 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được đầu tư và bảo vệ.
Cũng năm 1996, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Năm 1997, Vườn Quốc gia Ba Bể được Ủy ban UNESCO Việt Nam đề nghị với Tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Vườn Quốc gia ;Ba Bể có tổng diện tích tự nhiên 7.610ha vùng lõi, chia làm 4 phân khu chức năng: Khu rừng núi đá chưa hoặc ít bị tác động nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia (3.226ha); khu cư trú của các loài động vật quý, đặc biệt là các loại voọc; khu phục hồi sinh thái (3.623ha); khu chuyên dùng, đảm bảo các hoạt động về quản lý hành chính, nghiên cứu khoa học (450ha). Ngoài ra Vườn Quốc gia còn có 42.000ha vùng đệm.
Hệ động thực vật ở Vườn Quốc gia Ba Bể rất phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại.
Theo số liệu điều tra khoa học, Vườn Quốc gia Ba Bể được xếp vào loại A về đa dạng sinh học.
Tại đây có 650 loài thực vật thuộc 138 họ, 300 chi; 412 loài động vật gồm 27 bộ, 85 họ, trong đó có 87 loài cá và 46 loài lưỡng cư bò sát; 332 loài bướm.
Tham quan Động Puông và động Vua Mạ.
Tham quan Động Puông và động Vua Mạ.
Nhiều loài động thực vật ở Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc vào loại đặc biệt quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Thực vật có: đinh, nghiến, gụ, lát chun. Động vật có: cá cóc, chim vạc hoa, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, cá anh vũ, cá chép “Kính,” cá dầm xanh, cá chiên, cá lăng…
Đặc biệt có 20 loài bướm ở Ba Bể mới tìm thấy lần đầu cho khu hệ bướm Việt Nam; 3 loài đặc hữu: trúc dây, tảo đỏ, voọc mũi hếch được Hiệp hội quốc tế bảo vệ thiên nhiên (IUCN) xếp đa dạng sinh học loại A.
Vườn Quốc gia Ba Bể không chỉ là trung tâm đa dạng sinh học loại A mà còn là vùng danh thắng nổi tiếng của Việt Nam. Gắn liền với hồ Ba Bể có nhiều thắng cảnh độc đáo, hùng vĩ thiên nhiên như Động Nả Phoòng, Ao Tiên, thác Đầu Đẳng, động Puông, động Tiên.
Ngoài ra, nơi đây còn là khu di tích lịch sử từ thời dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ thế kỷ 16, tướng quân nhà Mạc đã dùng động Puông làm căn cứ kháng chiến chống lại phong kiến xâm lược phương Bắc.
Có thể nói, Vườn Quốc gia Ba Bể là vùng rừng-sông-hồ thiên nhiên đặc biệt quan trọng trong hệ thống 25 vườn quốc gia của Việt Nam.
Trong tương lai gần, để Vườn Di sản ASEAN Ba Bể được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh Bắc Kạn cần có phương án đầu tư, quy hoạch đúng hướng, đặc biệt là vấn đề định cư cho người dân sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia.
(Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm