Vườn Quốc gia Côn Đảo thu hút Dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hệ sinh thái tự nhiên của Vườn Quốc gia Côn Đảo thuận lợi cho việc hình thành loại hình du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn du khách với các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên.
 
Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN/phát
Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN/phát
Ðể giữ được rừng và nuôi rừng phát triển cần nhiều giải pháp, trong đó mô hình hoạt động du lịch sinh thái thông qua việc cho thuê môi trường rừng ở Vườn Quốc gia Côn Đảo bước đầu phát huy hiệu quả đáng khích lệ.
Vấn đề đặt ra cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa rừng.
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt
Vườn Quốc gia Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú và đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ.
Hệ sinh thái biển của Vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...
Các nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển thuộc các nhóm thực vật biển, sinh vật phù du, san hô, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai, cá rạn san hô.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng lớn rùa biển lên đẻ hàng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á-Ấn Độ Dương.
Các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, rất thuận lợi cho việc hình thành các loại hình du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn khách du lịch thích các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm, tiêu biểu cho các hệ sinh thái, đã, đang và sẽ trở thành các tiềm năng cho đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như: xem rùa đẻ trứng, lặn xem san hô, leo núi ngắm rừng, du lịch thể thao, khám phá thiên nhiên…
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, Chủ tịch Hội đồng xét chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030.
Đề án quy định chặt chẽ, cụ thể nguyên tắc cho thuê môi trường rừng là không thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng; nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương.
 
Du khách lặn xem san hô. Nguồn: condaopark.com.vn
Du khách lặn xem san hô. Nguồn: condaopark.com.vn
Ngoài ra, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đưa nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về Luật Lâm nghiệp, nội dung của Phương án Quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 và nội dung của Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Côn Đảo được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.
Đơn vị đã lập tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư rõ ràng, các dự án đảm bảo môi trường, không tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học sẽ được lựa chọn, đồng thời có các tiêu chí giám sát, đánh giá dự án trong quá trình triển khai và khi đi vào hoạt động để xử lý đúng quy định hiện hành.
Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước.
Rừng Côn Đảo là một Vườn Quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Biển Côn Đảo là một Khu bảo tồn được Quốc gia và Quốc tế công nhận. Đất ngập nước Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là một khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar).
Chính phủ quy định có 3 phương thức phát triển du lịch sinh thái là: Tổ chức chủ rừng tự làm du lịch sinh thái; Tổ chức chủ rừng liên kết với nhà đầu tư để kinh doanh du lịch sinh thái; Tổ chức chủ rừng cho nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái.
Côn Đảo đã được Thủ tướng quy hoạch là một Khu du lịch Quốc gia để phát triển du lịch ngang tầm của khu vực và quốc tế.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chia sẻ Côn Đảo là Khu du lịch Quốc gia, trong đó tài nguyên du lịch chính là rừng và biển, mà rừng và biển nằm trong sự quản lý của Vườn Quốc gia Côn Đảo nên chắc chắn Vườn Quốc gia Côn Đảo phải phát triển du lịch, đó là nhiệm vụ. Việc phát triển du lịch này còn nhắm đến một mục tiêu lớn là phát triển kinh tế rừng, chúng ta không thể xâm phạm, tác động đến rừng nên để phát triển kinh tế rừng, cách duy nhất là phát triển du lịch.
Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành cũng cho biết tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Côn Đảo vô cùng phong phú, đa dạng, hoang sơ và chưa bị xâm hại.
Tiến sỹ đã đi nhiều nơi và tham gia nhiều cuộc xét duyệt về lựa chọn nhà đầu tư du lịch sinh thái dưới tán rừng, nhận thấy Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức những buổi xét duyệt lựa chọn nhà đầu tư hết sức nghiêm túc, có tâm để cùng tìm ra đơn vị đồng hành cùng chủ rừng kinh doanh du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị của rừng.
Hài hòa lợi ích kinh tế-xã hội-môi trường
Những năm gần đây, vấn đề giữ rừng và phát triển kinh tế rừng được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất quan tâm với mục tiêu là bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị của rừng, giảm gánh nặng ngân sách hằng năm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Theo chủ trương này, nhiều đơn vị chủ rừng, quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hạ tầng khai thác kinh tế rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng.
 
Một góc của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Nguồn: condaopark.com.vn
Một góc của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Nguồn: condaopark.com.vn
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện nay, một số chủ rừng đang khai thác kinh tế từ du lịch nhưng vốn đầu tư có hạn, không có chuyên môn làm du lịch nên hiệu quả chưa cao. Một số dự án thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái đã được tỉnh thống nhất chủ trương nhưng chưa được triển khai vì đây là chính sách mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chủ rừng phải làm việc nhiều lần với các doanh nghiệp, địa phương để thống nhất phương án khai thác, diện tích thuê và nghĩa vụ tài chính của đối tác thuê đất rừng làm du lịch.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho hơn 60 dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng, đồng thời tỉnh cũng đã giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai hồ sơ pháp lý.
Sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án Quản lý rừng bền vững Vườn Quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 và Đề án Du lịch sinh thái của 3 chủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các chủ rừng phổ biến trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các buổi tiếp xúc với nhà đầu tư.
Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư có năng lực, có điều kiện có thể tiếp cận được thông tin tham gia đầu tư các dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng để triển khai các dự án một cách có hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết quan điểm của Sở và địa phương rất ủng hộ mô hình chủ rừng cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Tuy nhiên, sau khi các chủ rừng và nhà đầu tư ký kết hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ dự án phải cam kết rõ thời gian thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, chủ rừng phải báo có tiến độ thực hiện dự án định kỳ về Sở, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên rừng. Kiểm lâm và chủ rừng giám sát chặt chẽ công tác xây dựng.
"Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, nếu những khó khăn vướng mắc cấp tỉnh thì tỉnh sẽ tháo gỡ, nếu những vướng mắc thuộc về Trung ương chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo, kiến nghị các cơ quan Trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp để sớm hoàn thiện dự án," bà Phạm Thị Na thông tin.
Theo Huỳnh Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm