Xã Gào: Vùng đất giàu tiềm năng du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Gào nằm ở vùng ven phía Tây Nam của TP. Pleiku. Với những lợi thế như: không cách quá xa trung tâm thành phố, vẫn còn những ngôi làng Jrai lưu giữ nét văn hóa truyền thống, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình cùng với truyền thống anh hùng trong kháng chiến chống xâm lược, nơi đây có nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến dành cho du khách gần xa.
Di tích lịch sử cấp tỉnh
Đường nhựa, đường bê tông nối liền các thôn làng trong xã đã tạo cho nơi này sự mới mẻ khang trang. Ruộng nương, vườn cao su, cà phê xanh ngát, tươi tốt. Nhà xây khang trang thay thế cho những căn nhà xập xệ, cũ kỹ. Diện mạo của vùng đất từng là địa bàn chiến lược, là nơi đứng chân của Ban Cán sự Khu 9 (tiền thân của Đảng bộ TP. Pleiku ngày nay) trong 2 cuộc kháng chiến đang ngày càng khởi sắc.
Căn cứ cách mạng Khu 9 là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là nơi tham quan thu hút du khách ở xã Gào. Ảnh: P.L
Căn cứ cách mạng Khu 9 là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là nơi tham quan thu hút du khách ở xã Gào. Ảnh: P.L
Ngay khi Đảng bộ Pleiku ra đời, xã Gào đã là vùng căn cứ cách mạng vững chắc. Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku (1945-2005) ghi: “Khi cơ sở phát triển rộng ở các làng đồng bào dân tộc xã Gào, có làng trở thành “làng cơ sở”, toàn dân đều tốt, biết có cán bộ ở lại, nên hộ gia đình nào cũng tìm cách tiếp tế cơm, thức ăn hay gạo cho cán bộ bất hợp pháp ở ngoài rừng. Toàn làng có trách nhiệm bảo vệ cán bộ. Có lúc cán bộ ta nằm ở các bụi le sát bìa làng hay các bụi cây giữa đồi trống, nhưng tin tức “động tịnh” trong làng đều được báo kịp thời để ta di chuyển”. Hang đá nằm ở cuối làng C là nơi đã che chở cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong những năm tháng lửa đạn. Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-cho hay: “Với địa thế núi rừng bao bọc, hang đá như một mái nhà rất an toàn. Đó vừa là nơi để bộ đội nghỉ chân, nơi họp bàn của Ban Cán sự Khu 9, vừa là nơi để dân làng trú ẩn. Bây giờ, nơi này đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Dù khung cảnh xung quanh không còn như trước nhưng hang đá vẫn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.
Nhiều năm nay, đoàn viên, thanh niên trong xã cũng như TP. Pleiku đều tìm về nơi này để được nghe ông Rơ Lan Biă kể chuyện. Ông từng tham gia du kích ở xã nên thuộc nằm lòng hang đá này. Những cuộc bàn bạc của dân làng nhằm giúp bộ đội đánh giặc đều diễn ra tại đây. Ông Biă tâm sự: “Bây giờ hòa bình rồi, mấy đứa nhỏ không biết được chuyện ngày xưa ông bà mình chiến đấu gian khổ như thế nào đâu. Mình là người trực tiếp tham gia, được chứng kiến nên bây giờ kể lại cho lớp trẻ nghe để chúng biết mà tự hào, từ đó phấn đấu học tập, lao động”. Cũng vì vậy mà ông Biă ít khi từ chối lời mời gặp gỡ, kể chuyện về một thời gian khổ nhưng oai hùng của mảnh đất mà ông đã gắn bó cả cuộc đời.  
Nhiều tiềm năng du lịch
Xã Gào hiện có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Thanh, bà con các làng hiện vẫn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Không gian văn hóa cồng chiêng đặc biệt được quan tâm phát huy. Cả 4 làng đều có đội cồng chiêng, riêng 3 làng A, C, D đã thành lập được đội chiêng thiếu nhi. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi song bà con vẫn giữ nếp nhà sàn cùng nhiều phong tục, tập quán lâu đời. Những giá trị văn hóa ấy là điều kiện cần để hình thành loại hình du lịch cộng đồng. “Từ trước đến nay, bà con vẫn gắn với sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, đời sống còn khó khăn. Vì vậy, phát triển mô hình du lịch cộng đồng cũng là tạo sinh kế mới cho người dân, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái trên địa bàn”-ông Thanh chia sẻ.  
Để phát triển du lịch cần thay đổi nhận thức cho người dân. Ảnh: P.L
Để phát triển du lịch cần thay đổi nhận thức cho người dân. Ảnh: P.L
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất UBND thành phố đầu tư thêm một số hạng mục của Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9 để nơi đây thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cũng như điểm tham quan mới cho du khách”.
Không những vậy, xã Gào còn sở hữu nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Gần khu di tích lịch sử là con suối Ia Púch róc rách đêm ngày đổ ra dòng thác Bàu Cạn cách đó không xa, như một dải lụa mượt mà, là điểm đến vui chơi của nhân dân địa phương vào dịp cuối tuần, lễ, Tết. Một số hồ ngập nước ở làng D cũng là điểm đến khá hấp dẫn đối với du khách.
Tiềm năng là vậy, song để xã Gào trở thành địa chỉ du lịch vẫn cần sự quan tâm định hướng, đầu tư của các cấp, các ngành. “Con đường đến Khu di tích lịch sử Khu 9 vẫn là đường mòn, bị cây cối rậm rạp che phủ. Muốn khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng thì từ bây giờ phải hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, cần khuyến khích khôi phục nghề dệt thổ cẩm, phục dựng các lễ hội truyền thống như đâm trâu, cúng giọt nước; duy trì đội cồng chiêng, đặc biệt là trẻ hóa lực lượng nghệ nhân”-ông Thanh bày tỏ.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm