Thời sự - Bình luận

Xắn tay giải nỗi lo cho ngành Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu. Giữa bao nỗi lo thiếu trường lớp, thiếu giáo viên và những bất cập, tồn tại chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vẫn kiên trì mục tiêu đổi mới để nâng cao chất lượng. Vì vậy, sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội sẽ là nguồn động viên vô cùng to lớn để thầy-cô giáo có thêm nghị lực vững vàng trên bục giảng, hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người.

Trong bao thứ phải bận tâm của những người làm cha mẹ thì sức khỏe và học hành của con cái là 2 việc đáng lo nhất. Thế nên, không có gì lạ khi những gì diễn ra trong 2 lĩnh vực này luôn thu hút sự quan tâm của xã hội. Những khó khăn, thuận lợi, chuyện tốt, chuyện xấu, tích cực, tiêu cực… của ngành Y tế và Giáo dục được mọi người xem như chuyện nhà mình.

Lễ khai giảng là “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nỗi lo của ngành Giáo dục là nỗi lo của gia đình mình, sẵn sàng chia sẻ, hiến kế để xây dựng trường học thực sự trở thành nơi đáng để gửi gắm, kỳ vọng trong việc trang bị tri thức, giáo dục, rèn luyện con nên người.

Bộ Chính trị đã giao hơn 65.000 biên chế bổ sung sự thiếu hụt giáo viên cho giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Ảnh: Mộc Trà

Bộ Chính trị đã giao hơn 65.000 biên chế bổ sung sự thiếu hụt giáo viên cho giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Ảnh: Mộc Trà

Nói vậy để thấy rằng, nỗi lo của ngành Giáo dục luôn là vấn đề thời sự, mặc dù có những việc không phải mới nảy sinh. Chuyện thiếu trường, thiếu lớp; thiếu sách giáo khoa, thiếu thiết bị dạy và học; đời sống giáo viên còn vất vả do thu nhập thấp; giáo viên thiếu nhưng nhiều sinh viên sư phạm ra trường không được tuyển dụng, phải vất vả tìm việc khắp nơi… là những tồn tại thực tế mà nhiều năm rồi, ngành Giáo dục không thể tự mình giải quyết. Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 10-2022 rằng: “Ngành Giáo dục nắm tất cả, chỉ trừ 2 thứ là biên chế giáo viên và tài chính. Cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn kiến nghị, đề xuất”.

Lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với giáo viên và cán bộ quản lý cả nước trong tháng 8 vừa rồi, chính là để được nghe tiếng nói từ tâm can của những người suốt đời gắn bó với nghề dạy học; để xã hội có cái nhìn thực tế, khách quan, toàn diện hơn về những khó khăn mà ngành Giáo dục đang gặp phải. Đó là cách nhận thức rõ khó khăn thách thức trên tinh thần cầu thị, để không quá bi quan, hốt hoảng. Thay vào đó là bình tĩnh, trách nhiệm, tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn của nền giáo dục một cách thông minh, khoa học và hiệu quả. Không chỉ Bộ GD-ĐT mà cấp ủy, chính quyền các địa phương phải cùng xắn tay giải quyết. Nhất là khi tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên… đang xảy ra ở hầu khắp các tỉnh, thành; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa chỉ mới đạt 85%, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Chính trị đã giao hơn 65.000 biên chế bổ sung sự thiếu hụt giáo viên cho giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Thế nhưng, ngay năm ngoái đã có 29.000 giáo viên nghỉ việc, khiến năm học này, cả nước lại báo động đỏ khi thiếu hơn 118.000 giáo viên các cấp. Do nhiều nguyên nhân, việc tuyển dụng giáo viên chưa thể như kỳ vọng. Ví như tại Gia Lai, chỉ vì Bộ Nội vụ chậm hướng dẫn thực hiện mà chỉ tiêu 1.244 giáo viên cho năm học 2022-2023 đã không tuyển được, khiến năm học này, số giáo viên thiếu hụt đã lên đến hơn 6.000 người.

Khắc phục tình trạng này, không chỉ ngành Giáo dục có thể làm được, khi mà hàng loạt nguyên nhân đã được nêu ra như: thu nhập chưa đủ sống; mất cân đối trong đào tạo và sử dụng, dẫn đến thừa-thiếu cục bộ; việc phân bổ nhu cầu nhân lực giữa các ngành trong tổng biên chế được giao hàng năm cho các địa phương… Vì vậy, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ngành liên quan với tất cả cái tâm dành cho sự nghiệp giáo dục để những khó khăn này được giải quyết rốt ráo.

12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 được Bộ GD-ĐT nêu ra tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 là cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch năm học mới cho mình nhằm đạt mục tiêu năm học của “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo và tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD-ĐT”.

Có thể bạn quan tâm