Xanh biếc Thang Hen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vùng rẻo cao Cao Bằng trong tháng mùa mưa, lũ có thể bất chợt cuộn trào nơi đầu nguồn, khiến những con sông giận dữ đổ nước ào ạt xuống xuôi. Nhưng ở hồ Thang Hen (còn gọi là Thăng Hen), không gian thật bình yên giữa thung lũng được bao bọc bởi những núi đá vôi xanh rì màu cây rừng ở xã Quốc Toản (huyện Quảng Hòa).

 

Cảnh quan tự nhiên nên thơ ở thung lũng hồ Thang Hen.
Cảnh quan tự nhiên nên thơ ở thung lũng hồ Thang Hen.


Cuộc sống của người dân nơi đây sau nhiều năm đã đổi thay từ khi Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen ra đời. Những người Tày bản địa vẫn giữ thói quen xuống hồ quăng lưới, bắt cá nhưng đã bắt đầu học và tạo thu nhập ổn định nhờ làm du lịch.

Hồ thủy triều trên núi

Thang Hen (tiếng Tày nghĩa là đuôi ong) vốn là hồ nước ngọt trung tâm trong chuỗi 36 hồ tự nhiên nối nhau với khoảng cách chỉ từ vài chục đến vài trăm mét. Tên các hồ được đặt theo tiếng địa phương như: Thang Vạt, Thang Loỏng, Thang Hoi…, trong đó, Thang Hen là hồ lớn nhất với chiều dài gần 2.000m, rộng 500m và sâu tới 40m. Ðiều đặc biệt là nhìn trên mặt đất thì hồ cách hồ, nhưng dưới mặt nước, hồ lại nối hồ bởi những hang động trong lòng đất, qua nhiều dòng nước đối lưu. Theo khảo sát năm 2012 của đoàn chuyên gia hang động Pháp-Việt, một phần hệ thống hang ngầm kết nối với hồ Thang Hen phát triển tới 820m theo chiều ngang và sâu tới 54m so với địa hình hiện tại. Ðịa chất này khiến có lúc, nếu mưa lớn xối xả nhiều ngày sẽ làm 36 hồ hòa vào thành một thể thống nhất, kỳ vĩ lượn quanh thung lũng rộng lớn, bạt ngàn sắc xanh. Màu xanh của trời, xanh của cây lá và xanh của chính mặt hồ.

Vào mùa lũ, khi các hồ khác chuyển màu đỏ lựng thì nước hồ Thang Hen vẫn xanh biếc, do được tạo bởi địa hình caster từ hàng dài dãy núi đá vôi trùng điệp, tạo cảm giác như một đường giới tuyến mấp mô chạy mãi không dứt về phía chân trời. Nhờ tự nhiên ban tặng, cảnh quan bên hồ sơn thủy hữu tình với những hàng cây già vươn mình xuyên đá, soi bóng xuống lòng hồ. Sau cơn mưa bất chợt, đỉnh núi thấp thoáng những đám mây lướt qua vội vã trong gió, tạo ra một khung cảnh huyền ảo. Chị Minh (du khách sống ở Hà Nội) chia sẻ: "Không khí ở đây dịu mát suốt cả ngày. Nếu bạn có thời gian du ngoạn hồ bằng thuyền thì cảm giác rất thư thái, yên bình. Ðã đến một lần chỉ muốn quay trở lại".

Cảnh vật nên thơ khó có thể tách rời những huyền tích thật thú vị. Dạo bước bên hồ xanh không thể không nghe sự tích về chàng Sung nọ thông minh, tuấn tú, thi đỗ làm quan ở kinh thành và được ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Vì tình yêu sâu đậm với cô gái xinh đẹp tên Boóc cho nên xin cha mẹ lấy nàng làm vợ. Nhưng mải vui thú với người thương, chàng Sung quên mất hẹn về kinh nhậm chức. Khi nhớ ra, chàng vội vã chạy được 36 bước thì kiệt sức ngã khụy, đầu đập vào núi rồi chết. Ba mươi sáu bước chân của chàng trở thành 36 hồ nước trong xanh với trung tâm là Thang Hen ngày nay.

Nếu câu chuyện về chàng Sung tạo cho nơi đây thêm vẻ đẹp huyền bí, thì những điều kỳ lạ mà tự nhiên ban tặng lại khiến Thang Hen càng hấp dẫn khách đường xa: Hằng ngày, mực nước hồ có hai đợt dâng lên và hạ xuống như thủy triều. Nhất là vào khoảng tháng 9-10 hằng năm, có đêm nước hồ bị rút cạn chỉ trong vài giờ, rồi đầy lại ngay sau đó bởi hoạt động "không ngừng nghỉ" của chuỗi hang động dưới đáy, đưa và đón nước liên hồi tạo thành hành trình dâng lên, hạ xuống mỗi ngày. Bởi lẽ đó, Thang Hen còn được gọi là hồ thủy triều trên núi, sở hữu lắm loại sản vật, cá tôm tự nhiên ngon nức tiếng, vốn được chế biến thành những món đặc sản của người Tày sống quanh vũng "đuôi ong" nhiều đời nay.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ thống hồ liên thông với nhau qua nhiều dòng chảy hoặc sông ngầm như ở Thang Hen là rất hiếm gặp trên thế giới. Trong quần thể hồ Thang Hen còn có điểm di sản Mắt Thần Núi (núi Thủng) và hồ Nặm Trá có sự thay đổi cảnh quan theo mùa hết sức độc đáo. Với những giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học và nhất là địa chất như vậy, hồ Thang Hen và quần thể hồ lân cận được coi là điểm di sản có giá trị tầm cỡ quốc tế của Công viên địa chất non nước Cao Bằng, hứa hẹn tiềm năng lớn để phát triển du lịch.


 

 Mô hình quán cà-phê mới mở ở Thang Hen rất thu hút khách trẻ.
Mô hình quán cà-phê mới mở ở Thang Hen rất thu hút khách trẻ.


Đổi mới cách làm du lịch

Chúng tôi từng đến Thang Hen lần đầu vào năm 2017. Khi đó, Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen đã được Giám đốc Trần Thị Thơm đầu tư khá quy mô, với hệ thống khu nhà sàn gỗ gồm hàng chục phòng ngủ, nhà hàng ăn uống, sân chơi tennis... phục vụ khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng. Bà Thơm vốn là một người nặng lòng với Thang Hen từ chục năm về trước, đã đặt những bước đầu tiên đưa vùng đất hẻo lánh này đến gần hơn với du lịch. Lúc đó, con đường độc đạo từ quốc lộ vào khu Thang Hen vừa được bà đầu tư mở rộng để hy vọng có hướng đi mới và tầm nhìn phát triển đến nhiều năm sau này. "Chúng tôi ngoài bỏ tiền, bỏ sức người ra thì khi phá đá, quyết tâm mở đường còn là với tâm huyết muốn đưa mọi người đến gần hơn với vẻ đẹp tuyệt vời của Thang Hen. Trong quá trình gây dựng khu du lịch, nhiều thành công nhưng cũng nếm trải rất nhiều thất bại. Sai đâu sửa đấy, nếu đúng thì phải phát huy. Có ý chí con người, ắt miền thung lũng heo hút này sẽ có tương lai", bà Thơm kể về những kỷ niệm ban đầu khi triển khai làm du lịch ở Thang Hen, thời điểm đó, ở Thang Hen hoang sơ chỉ tập trung vào cách làm du lịch truyền thống: Thu hút khách nghỉ dưỡng đơn thuần, khám phá hang động cũng như thưởng thức ẩm thực địa phương. Do đó, đối tượng khách đến đây thường là những người đã có gia đình, người trung, cao tuổi, dẫn đến doanh số ổn định nhưng thiếu tăng trưởng đột phá.

5 năm sau trở lại Thang Hen, thật sự ngạc nhiên khi cách làm du lịch nơi đây đã có nhiều thay đổi, giữ gìn lợi thế nghỉ dưỡng hiệu quả trước đây, đồng thời cập nhật, bổ sung mô hình du lịch mới để thu hút khách trẻ. Ở quán cà-phê bên sườn đồi có thể ngắm trọn cảnh đẹp hồ Thang Hen, bạn Hà (học sinh THPT) cùng cô bạn thân đang mải mê lựa chọn đồ uống ưa thích. Hà chia sẻ, cô tranh thủ buổi trưa nghỉ cùng bạn đến thung lũng Thang Hen để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Với một quán cà-phê giữa cảnh quan tuyệt vời, đồ uống phù hợp thị hiếu, Hà và bạn bè lại hay rủ nhau lui tới.

Quán cà-phê được thiết kế hòa hợp giữa thiên nhiên là ý tưởng của người quản lý 27 tuổi, tên Thông, cũng là con trai út của bà Thơm. Chàng trai trẻ vốn học về công nghệ, làm việc đúng chuyên môn. Thế nhưng, tình yêu với núi rừng cùng việc chứng kiến tâm huyết của bố mẹ dành cho Khu du lịch sinh thái Thang Hen, đã khiến Thông quyết định thay đổi. "Em dành hai năm để sang Trung Quốc học tiếng vì làm du lịch ở biên giới Cao Bằng thì tiếp khách nước bạn là rất thường xuyên. Hơn nữa, lựa chọn học tập hướng đến tương lai cũng là động lực để em cố gắng bắt đầu và gắn bó lâu dài với việc làm du lịch ở Thang Hen".

Thông trở về sau thời gian học, thay vì vội vã thay đổi, bổ sung những thứ mới mang bản sắc cá nhân, Thông chọn phát huy những điều bố mẹ đã làm rất tốt trước đây. Cậu khởi đầu bằng việc thực hiện nghiêm tôn chỉ của khu du lịch là tuyệt đối tuân thủ bảo vệ môi trường, giữ rừng, giữ sản vật của rừng và cũng là giữ bền vững vẻ đẹp Thang Hen. "Tất cả món ăn khi khách đến Thang Hen đều được gia đình tự chủ động nguồn cung. Ðặc biệt, bọn em kiên quyết nói không với thịt thú rừng, vận động người dân bản địa không vào rừng săn bắt để kiếm ăn qua ngày. Thay vào đó, họ sẽ được cùng làm du lịch, có thu nhập ổn định mà lại giữ được rừng quê hương", Thông chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1985), là dân bản địa. Nhiều năm về trước, gia đình chị chủ yếu làm nông, tự làm tự hưởng. Năm 2008, chị được tuyển dụng vào làm việc tại Khu du lịch sinh thái Thang Hen và gắn bó đến nay. "Tôi là người Tày, vào đây làm được học cả nấu nướng, trồng trọt, chăn nuôi nhưng là để phục vụ khách du lịch cho nên khác với làm ở nhà rất nhiều. Mở mang nhất là học được cách giao tiếp, phục vụ khách. Thu nhập hiện khoảng 6 triệu đồng/tháng, rất tốt so với cuộc sống trước đây".

Ở Khu du lịch sinh thái Thang Hen, nhân viên chủ yếu là người bản địa, gắn bó rất nhiều năm cho nên đã khá thuần thục tiếp đón du khách. "Chúng em luôn yêu cầu mọi người phục vụ khách chuyên nghiệp, dù vậy vẫn khuyên họ phải giữ gìn sự trong sáng, thật thà vốn có. Ðấy mới chính là sự độc đáo, hấp dẫn riêng của Thang Hen", Thông nhấn mạnh. Từ nền móng đó, người quản lý trẻ bắt đầu cập nhật những dự án mới để định hình thêm đối tượng khách mới, trẻ trung hơn, đa dạng về sở thích. Hiện tại, anh đã hoàn thiện xong quán cà-phê bên rìa thung lũng phục vụ người trẻ; mở dịch vụ glamping (cắm trại nghỉ dưỡng cao cấp), tổ chức cho khách chèo SUP, tổ chức sự kiện… Ðiều đáng nói, Thông tự huy động vốn bên ngoài để thực hiện các dự án thay vì xin tiền bố mẹ. Dù cách làm này khó khăn hơn nhiều nhưng theo Thông, có như vậy mới thấy đồng tiền quý giá và đầu tư vào phải cố hết sức để nghiên cứu, tính toán, tìm cách thu hồi vốn hiệu quả cho nhà đầu tư, sinh lời cho khu du lịch.

Hiện tại, khách đến với Khu du lịch sinh thái Thang Hen đã đa dạng hơn rất nhiều, thu nhập cũng tăng lên và dàn trải các tháng trong năm thay vì chỉ có mùa cao điểm. Và Thông lại đang tiếp tục ấp ủ những dự án mới, đồng thời đẩy mạnh truyền thông hình ảnh khu du lịch trên mạng xã hội. Cứ vậy, Thang Hen vẫn một màu xanh biếc không đổi, nhưng luồng gió tích cực từ người quản lý trẻ năng động hứa hẹn sẽ làm mới thương hiệu du lịch của hồ thủy triều trên đất núi Cao Bằng.

 

Bài và ảnh: Tuấn Chương, Bảo Long
(Dẫn nguồn NDO)

Có thể bạn quan tâm