Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh: Nhân tố quyết định mọi thắng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt quá trình gần 77 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Gia Lai luôn xem công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức là nhiệm vụ hàng đầu. Đây chính là nhân tố quyết định đem lại những thành tích đáng tự hào cho địa phương trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị và phong trào cách mạng của địa phương. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là nhân tố phát huy mạnh mẽ tiềm năng cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh để đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 30 năm chiến đấu liên tục, chịu nhiều gian khổ, mất mát hy sinh, Đảng bộ, quân và dân Gia Lai đã giành được thắng lợi quyết định, giải phóng tỉnh vào tháng 3-1975, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 47 năm sau sự kiện lịch sử đó, nhất là sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã nắm bắt thời cơ, kịp thời vận dụng và đề ra các chủ trương, biện pháp sát đúng với đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương để làm nên những thắng lợi to lớn, rất đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Đáng chú ý là công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng trên cả 3 phương diện: chính trị, tư tưởng và tổ chức.

 Đoàn Chủ tịch Đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy
Đoàn Chủ tịch Đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy


Trong suốt quá trình gần 77 năm xây dựng và phát triển, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức luôn được Đảng bộ tỉnh xem là nhiệm vụ hàng đầu. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nội dung, phương thức triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và của tỉnh ngày càng được cải tiến, mang lại hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng và củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, khi có những sự kiện, nhiệm vụ chính trị quan trọng thì công tác chính trị, tư tưởng càng được đẩy mạnh thông qua các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng bộ.

Trong các đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều khuyết điểm, hạn chế của tập thể và cá nhân ở các cấp, các ngành sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được sửa chữa, khắc phục, tạo chuyển biến rõ rệt; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và tình trạng thiếu dân chủ, mất đoàn kết nội bộ được cảnh báo, ngăn ngừa, tạo được sự thống nhất về nhận thức tư tưởng và hành động, góp phần củng cố niềm tin của các giai tầng trong xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, vun đắp thêm khối đại đoàn kết dân tộc, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên ngày càng được nâng cao; số lượng đảng viên và tổ chức Đảng tăng nhanh qua các thời kỳ. Từ chi bộ đầu tiên với 9 đảng viên đến năm 1976 đã phát triển lên 10 Đảng bộ trực thuộc, 229 tổ chức cơ sở Đảng với 9.142 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc với 953 tổ chức cơ sở Đảng (355 Đảng bộ, 598 chi bộ), 11 Đảng bộ bộ phận và 3.492 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 63.296 đảng viên.

Với phương châm “Ở đâu có dân, ở đó có đảng viên”, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (từ năm 2015 đến năm 2021, toàn tỉnh đã kết nạp được 4.536 đảng viên là người dân tộc thiểu số, nâng tổng số đảng viên dân tộc thiểu số từ 11.638 người đầu năm 2016 lên trên 15.700 người vào cuối năm 2021, chiếm 25,5% tổng số đảng viên trong toàn tỉnh). Số chi bộ ở thôn, làng, tổ dân phố, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới có chi ủy không ngừng tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1.576 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố (đạt tỷ lệ 100%); 1.394/1.576 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy (chiếm 88,45%); 1.158/1.576 trưởng thôn, tổ dân phố là đảng viên (chiếm 73,48%), trong đó có 484 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (chiếm 30,71%).

Để tăng sức mạnh, uy tín cho tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng luôn được chú trọng. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành đầy đủ các quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng và các quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Cấp ủy các cấp đã kịp thời xây dựng, ban hành quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra cấp mình và các văn bản có liên quan để triển khai thực hiện.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được tiến hành đồng bộ, toàn diện theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng, chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn, đối tượng có vấn đề phức tạp. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cơ bản kịp thời; kết quả xem xét, giải quyết khách quan, kết luận chính xác, góp phần giúp tổ chức Đảng, đảng viên thấy được ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để sửa chữa, đồng thời cũng đã minh oan cho những trường hợp bị tố cáo sai. Việc xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh theo quan điểm “không có vùng cấm” và “không có trường hợp ngoại lệ”. Đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm với thái độ kiên quyết, công khai kết quả xử lý, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 4.688 lượt tổ chức Đảng và 13.083 lượt đảng viên (tăng 3.088 tổ chức Đảng, 5.443 đảng viên so với nhiệm kỳ trước); giám sát chuyên đề 2.217 lượt tổ chức Đảng và 7.804 lượt đảng viên (tăng 1.388 tổ chức Đảng, 4.502 đảng viên); thi hành kỷ luật 22 tổ chức Đảng và 1.234 đảng viên... Riêng năm 2021, cấp ủy các cấp kiểm tra 776 tổ chức Đảng, 5.723 đảng viên; giám sát 414 tổ chức Đảng, 2.400 đảng viên; thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 389 đảng viên.

Những kết quả nêu trên chưa thể khái quát hết thành tựu cũng như tầm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh chú trọng, tăng cường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững; hệ thống chính trị được kiện toàn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh không ngừng được nâng cao, phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai ngày càng phồn thịnh.

 

NGUYỄN QUANG CƯỜNG
 

Có thể bạn quan tâm