Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- HĐND tỉnh Gia Lai vừa ban hành về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai.



Theo đó, HĐND tỉnh tán thành các chỉ tiêu đạt được của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh giai đoạn 2016-2020 và thống nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng 5 năm giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Gia Lai. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Hạ tầng đô thị Pleiku ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Đức Thụy


Đối với một số nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng 5 năm (2021-2025), Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu là tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế thị trường. Phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Giữ vững quốc phòng-an ninh. Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; năng động, sáng tạo. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025 cụ thể như sau: Về chỉ tiêu phát triển kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm (GRDP) đạt 8,6% trở lên; trong đó, ngành nông-lâm-thủy sản tăng 6,25%, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 10,87%, ngành dịch vụ tăng 8,68%, thuế sản phẩm tăng 8,83%. GRDP theo giá hiện hành đến năm 2025 đạt 131.702 tỷ đồng. Tỷ trọng nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, thuế sản phẩm đến năm 2025 tương ứng là 29,89%, 31,22%, 35,4%, 3,49%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 79,5 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách nhà nước tăng 10%/năm trở lên. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 12,89%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt khoảng 850 triệu USD, tăng bình quân 7,94%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 5,92%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 là 120 xã trở lên; số địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 10 địa phương. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 35%.

Về chỉ tiêu phát triển văn hóa-xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 0,8% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2025 đạt 1,1%. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc THCS đến năm 2025 đạt 97%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 68%.  Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 98%.  Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 65% trở lên (trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 28-30%). Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí mới đến năm 2025 đạt 95% và số bác sĩ/vạn dân đến năm 2025 đạt 9 bác sĩ. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95% dân số. Diện tích rừng trồng mới hàng năm đạt trên 8.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 47,75%. Tổ chức tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.

Nghị quyết nêu rõ các chương trình đề án trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng 5 năm 2021-2025 là xây dựng, triển khai 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra. Cụ thể: Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về định hướng phát triển 3 đột phá chiến lược gồm: Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: xây dựng các cơ chế, chính sách theo hướng dẫn của Trung ương phục vụ cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai là, phát triển nguồn nhân lực: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết trong công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng: tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối.

Cùng với đó là những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, về kinh tế gồm: Ổn định tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp-xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; về công tác quy hoạch, đầu tư và thu hút đầu tư; huy động ngân sách, tài chính, ngân hàng, khai thác tốt các nguồn thu phục vụ cho phát triển; phát triển các thành phần kinh tế; tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng; các nhiệm vụ tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực.

 Về văn hóa, xã hội, môi trường gồm: lao động, việc làm, an sinh xã hội và giảm nghèo; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; văn hóa, thể dục thể thao, thông tin-truyền thông; bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

 Về công tác quốc phòng-an ninh, cải cách hành chính, phòng-chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các tỉnh lân cận và các tỉnh trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm