Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 13-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020.


Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; Bí thư Huyện ủy: Đức Cơ, Đak Pơ và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo 2 Phân hiệu: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai.

Kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả khả quan         

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Trên cơ sở Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 14-CT/TU ngày 24-4-2002 thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 21-NQ/TU ngày 18-10-2004 về xây dựng và phát triển Gia Lai toàn diện, bền vững và thực hiện lồng ghép nội dung vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cụ thể hóa trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm, hàng năm.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2002-2020 đạt 9,81% và năm 2021 đạt 9,71%. Cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2002-2020 là 17,6%/năm. Việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2010-2020 đạt 174.000 tỷ đồng (gấp 3,9 lần giai đoạn 2001-2010) và đến năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được chỉ đạo quyết liệt; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh, chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng cao. Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 42; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh (PAPI) xếp thứ 53; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 45.

Chủ tịch Võ Ngọc Thành quán triệt một số nội dung thảo luận. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành quán triệt một số nội dung thảo luận. Ảnh: Đức Thụy


Việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn và các cơ chế, chính sách phát triển vùng tại địa phương được chú trọng; các nguồn lực phân bổ và sử dụng có hiệu quả; vốn đầu tư công được bố trí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư tạo nên một mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

Công tác quản lý tài nguyên được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm đúng mức; đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 118 thôn, làng và 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới; TP. Pleiku và 2 thị xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 giảm bình quân mỗi năm trên 3,15% (vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu tỉnh đề ra). Công tác quốc phòng-an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được kiện toàn, đảm bảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hướng tới trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị; nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp và đề xuất những cơ chế, chính sách để xây dựng Gia Lai phát triển mạnh mẽ hơn. Hội nghị cũng thống nhất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên. Tầm nhìn đến năm 2045, Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và nâng cao sức khỏe”. Gia Lai trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe và thể lực con người.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, Gia Lai đã đạt được những kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội, an ninh chính trị và đời sống Nhân dân cũng được nên nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải quan tâm liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông, quản lý và bảo vệ rừng... Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đến 3 vấn đề: đất (đất ở, đất sản xuất và quản lý nhà nước về đất đai), nước (nước sinh hoạt, nước sản xuất) và rừng (công tác quản lý, bảo vệ và phát triển); đồng thời, có 3 vấn đề cần chú ý để phát triển: hạ tầng ở các lĩnh vực; nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; nguồn nhân lực. Và có 2 vấn đề cần phải giữ ổn định là an ninh chính trị và đoàn kết thống nhất trong nội bộ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Để Gia Lai thời gian đến có bước phát triển mới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần tập trung khai thác có hiệu quả các giải pháp ổn định để tăng cường phát triển kinh tế, trong đó quan tâm đến bảo vệ rừng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng ở một số ngành dịch vụ có lợi thế. Ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là ở các vùng động lực và tăng cường kết nối giữa các địa phương với nhau và giữa Gia Lai với các tỉnh khác. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lãnh đạo các địa phương chủ động trong các mối quan hệ, “không chờ người ta đến, không đợi người ta mời và không làm việc mà không có hiệu quả”; chú trọng các nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, xã hội số; tăng trưởng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, quan tâm đến các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách an sinh, giảm nghèo bền vững; tập trung phát triển kinh tế-xã hội để đảm bảo quốc phòng-an ninh.
 

ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm