Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Xây dựng làng nông thôn mới ở Gia Lai: Đậm tính nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số là chương trình đậm tính nhân văn”-đó là nhận định của hầu hết đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) vừa diễn ra tại huyện Phú Thiện.
Buôn làng thay da đổi thịt
Mặc dù việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt được một số kết quả khả quan, song hiện không ít làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đời sống của người dân ở nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức thấp, thậm chí rất thấp. Với quan điểm hướng về cơ sở, lấy thôn làng làm thước đo của sự phát triển, ngày 13-2-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả đúc rút từ những chuyến đi thực tế khảo sát tình hình đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Thường trực Tỉnh ủy, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang.
Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 760/UBND-NL và Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 945/SNNPTNT-VPNTM về việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương đã tích cực rà soát thực trạng, có phương án xây dựng khu dân cư, lộ trình, giải pháp lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với các chương trình, dự án khác. Theo đó, trong năm 2018 có 32 làng thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký xây dựng làng NTM. Trên cơ sở đăng ký, các địa phương đã đầu tư, vận động tổ chức, cá nhân và người dân đóng góp nguồn lực triển khai thực hiện các tiêu chí làng NTM như: quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin-truyền thông, nhà ở, giảm tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh-quốc phòng...
 Đường giao thông nối trung tâm xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đến làng Dy Rao được bê tông hóa. Ảnh: ĐỨC THỤY
Đường giao thông nối trung tâm xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, Gia Lai) đến làng Dy Rao được bê tông hóa. Ảnh: Đ.T
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 15 làng đạt chuẩn các tiêu chí NTM theo quy định. Trong đó, huyện Phú Thiện là địa phương đi đầu xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từng là những ngôi làng khó khăn nhất tỉnh, nhờ sự quan tâm của cấp trên, đến nay, làng Hek và làng Pông (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đã thay da đổi thịt, cảnh quan nông thôn trở nên khang trang, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.
Tuy đạt được những kết quả rất khả quan, song trên thực tế, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc. Theo lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, khó khăn đầu tiên là nguồn lực xây dựng NTM. Về nhân lực, cản ngại đầu tiên là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân về xây dựng làng NTM vẫn chưa đúng mức và nhất quán. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Một bộ phận cư dân thiếu kiến thức về tổ chức cuộc sống nên sản xuất không hiệu quả, chi tiêu thiếu khoa học, dẫn đến đói nghèo. Về vật lực, xuất phát điểm cơ sở vật chất của các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức yếu kém, thiếu nhiều hạng mục thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Về tài lực, nguồn tài chính để đầu tư xây dựng làng NTM rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn, đặc biệt là sự đóng góp của người dân vô cùng hạn chế.
Về những hạn chế trong xây dựng làng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: “Một số địa phương chưa xác định và phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm, định hướng phát triển sản xuất để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Đẩy mạnh xây dựng làng NTM
Dù chỉ mới qua 1 năm triển khai thực hiện nhưng chương trình xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số đã ghi nhận nhiều tín hiệu rất khả quan. Đặc biệt, đây là một chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc và là sáng kiến riêng có của tỉnh ta. Vì vậy, theo lãnh đạo các địa phương trong tỉnh thì cần đẩy mạnh, nhân rộng chương trình này trong thời gian tới. Một tín hiệu rất đáng mừng là có đến 39 làng thuộc 38 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2019.
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ xây dựng làng NTM trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU, trong thời gian đến, yêu cầu các cấp ủy, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, năng động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân tại các địa phương, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội”.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 17-4 vừa qua, UBND tỉnh có Quyết định số 183/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định Bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn NTM; Quy trình xét công nhận, công bố thôn, làng đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019-2020. Theo đó, UBND tỉnh quy định cụ thể về hệ thống các tiêu chí cần tập trung xây dựng để trở thành thôn, làng đạt chuẩn NTM. Theo một cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thì đây chính là kết quả của một quá trình khảo sát, nghiên cứu và đúc rút qua nhiều năm xây dựng NTM nói chung và hơn 1 năm xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt, đây là “cẩm nang” để hệ thống chính trị cơ sở và người dân áp dụng trong quá trình xây dựng làng NTM.
 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm