Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Xem triển lãm gốm gặp Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa có chuyến công tác tại tỉnh Ninh Thuận và may mắn được tham quan triển lãm gốm cổ rất lớn ở Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Ninh Thuận). Anh Lê Xuân Lợi, bạn đồng môn, giờ làm Giám đốc ở đây, trực tiếp là người thuyết minh cho tôi. Tham quan triển lãm, tôi thấy có một mối liên hệ khắng khít giữa người Tây Nguyên và người Kinh, người Chăm từ nhiều thế kỷ trước.



Lâu nay vẫn biết, người Tây Nguyên rất tài ở nhiều việc, như làm nhà rông đồ sộ nguy nga thế, được giới mỹ thuật và kiến trúc sư hiện đại bây giờ công nhận là đạt tỷ lệ vàng của kiến trúc, mà chỉ là bằng dao rựa và rìu, bởi những nghệ nhân có khi chưa ra khỏi làng bao giờ và tất nhiên chả biết tính toán gì. Thế mà nó đẹp, nó bền vững, nó trải năm trải tháng, vừa ngạo nghễ vừa trữ tình, vừa cao vút vừa mềm mại... và trở thành một công trình nghệ thuật hết sức tuyệt vời, chứ không chỉ là cái nhà rông thông thường. Như cồng chiêng ấy, người Tây Nguyên không làm ra nó, họ đi đổi, mua về, nhưng rồi cồng chiêng trở thành đặc trưng của Tây Nguyên, hay nói cách khác, phải vào tay người Tây Nguyên, chiêng mới đúng là... chiêng.

 Khách tham quan triển lãm “Gốm Chăm xưa và nay” tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: V.C.H
Khách tham quan triển lãm “Gốm Chăm xưa và nay” tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: V.C.H



Thì xem triển lãm gốm này, gặp những cái ghè rượu vừa cổ vừa quý, lại thấy vai trò lưu giữ của người Tây Nguyên quan trọng đến mức nào.

Thì cũng như chiêng, người Tây Nguyên không làm ra ché/ghè, nhưng món rượu ghè của họ thì không cần đóng dấu bảo hành, cũng chả ai dám nhận là của mình. Tài ở chỗ, ngoài dùng ghè/ché để làm/đựng rượu, người Tây Nguyên còn... định giá ghè. Ta đã từng nghe có những cái ghè đổi hàng chục trâu, thậm chí trâu trắng. Có những cái ghè thiêng, có thể dự báo nhiều việc của buôn làng, có những cái ghè tối cổ, không thể định giá cũng như khó xác định niên đại...

Đối với việc làm gốm của người Chăm, đây là công việc đã có từ lâu đời, đã trở thành nghệ thuật; thừa hưởng và phát triển từ dòng gốm Sa Huỳnh, giao lưu ảnh hưởng kỹ thuật nguyên liệu của các nước lân cận thậm chí của các nước Trung Đông. Nổi bật nhất trong dòng gốm Chăm xưa là gốm Chăm gò sành (Bình Định từ thế kỷ XII kéo dài đến thế kỷ XVII) gốm Quảng Đức (thế kỷ XVII-XVIII) và Châu Ô (thế kỷ XVIII-XIX). Hiện nay, người Chăm chỉ còn 2 làng nghề gốm tồn tại, đó là gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và gốm Bình Đức (tỉnh Bình Thuận), trong đó, Bàu Trúc được biết đến là một trong những làng gốm với kỹ thuật từ xa xưa.

Gốm Chăm gò sành có nguồn gốc tại Bình Định, mà thời kỳ phát triển rực rỡ là khoảng thế kỷ XII-XV, là loại gốm chuyên dùng cho vua chúa, già làng, tù trưởng vùng Trường Sơn Tây Nguyên, cũng là sản phẩm để giao lưu, xuất khẩu sang các nước trong khu vực… Dòng gốm này rất đa dạng về thể loại từ các ché, hũ, chén, bát, bình rượu, bình tỳ bà để trang trí... Đặc trưng của gốm là kỹ thuật tráng men. Nghệ nhân khi đã tạo xương gốm bằng đất sét đem nung lần đầu, sau đó lấy ra tráng men và nung tiếp một lần nữa mới hoàn chỉnh sản phẩm.

Khi gốm gò sành tàn lụi, dòng gốm Quảng Đức ở Phú Yên xuất hiện. Ông tổ nghề gốm tại đây lại là người Bình Định di cư vào nên dòng gốm này ảnh hưởng rất nhiều dòng gốm gò sành. Gốm Quảng Đức được làm từ đất sét ở vùng An Định, Tuy An. Nghệ nhân nặn gốm với sự hỗ trợ của bàn xoay, men gốm được nấu với vỏ sò ở vùng đầm Ô Loan, củi đốt là cây bằng lăng lấy từ vùng núi Đồng Xuân nên tạo ra một màu sắc rất đặc trưng của dòng gốm này. Gốm Quảng Đức đã có tuổi đời hơn 300 năm. Tại triển lãm, tôi thấy có trưng bày một số bình, hũ, ché, thuộc dòng Quảng Đức tiêu biểu.

Dòng gốm Châu Ô, Quảng Ngãi ra đời từ khoảng thế kỷ XVIII- XIX. Gốm Châu Ô cũng được làm từ đất sét trong vùng, gốm được tạo dáng trên bàn xoay, kỹ thuật tạo hoa văn bằng cách đắp nổi và sản phẩm cuối cùng được nung trong lò nung hình hộp. Các sản phẩm của dòng gốm này rất đa dạng các loại như: bình trà, bình rượu, bình hồ lô và đặc biệt là các loại ché sử dụng rất nhiều ở vùng Tây Nguyên.

Nói thật là xuống làng cũng nhiều, uống rượu cần cũng lắm, xem rất kỹ bảo tàng của Tòa Giám mục Kon Tum mà tôi đánh giá là một trong những bảo tàng kỹ càng nhất về văn hóa Tây Nguyên hiện nay, nhưng ở triển lãm này, tôi mới thấy nhiều loại ghè rất lạ, độc đáo rất... Tây Nguyên. Ví như ghè có minh họa cảnh người Tây Nguyên phát-đốt-trọc-trỉa, ghè minh họa cảnh săn bắn, hay ghè hình rồng...

Và mới thấy, có một sự liên quan mật thiết giữa miền xuôi và miền ngược, giữa biển với rừng, giữa Kinh, Chăm và các dân tộc Tây Nguyên. Mới thấy thấm hơn câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”... Và như tôi đã từng đề cập trong một bài viết trên báo Gia Lai, bên cạnh sự phát triển và quan hệ chiều dọc từ Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau, chúng ta còn những quan hệ, phát triển trục ngang, việc này rõ rệt nhất ở miền Trung giữa những cư dân Trường Sơn Tây Nguyên với cư dân ven biển mà việc cư dân Trường Sơn Tây Nguyên sử dụng ghè là minh chứng rõ rệt nhất.

 

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm