Phóng sự - Ký sự

Xóm Việt kiều Campuchia 'đói' cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Mùa nước nổi năm nay chẳng mần ăn được gì, hổm rày nước có nhảy đồng chút chút mà cá mắm chẳng thấy đâu. Riết nản quá' - ông Huỳnh Văn Nhất trầm ngâm, cột xuồng vào bờ.
Ít cá, bà con Việt kiều phải vớt ốc bươu vàng về bán cho thương lái
Ít cá, bà con Việt kiều phải vớt ốc bươu vàng về bán cho thương lái
2h sáng, trên chiếc vỏ lãi composite, ông Huỳnh Văn Nhất (50 tuổi) trở về sau chuyến giăng câu, bủa lưới ở đồng nước. Thành quả sau đêm dài thức trắng là mớ cá rô đồng cùng vài con cá sặc, cá chốt nhỏ xíu…
“Thấu hoàn cảnh khó khăn của đồng bào Việt kiều Campuchia, mỗi dịp trung thu, lễ tết, nhà hảo tâm hay góp quà bánh cho các em. Gần đây, đồn biên phòng cũng tổ chức lớp học miễn phí để các em biết con chữ tổ tiên.
Ông NGUYỄN HỮU HỒNG

100m lưới…2, 3 con cá rô

Trở về từ Biển Hồ, Campuchia như nhiều người khác, ông Nhất chật vật chạy ăn từng bữa cho cả gia đình. Những mùa nước nổi với cá, cua đầy xuồng dường như đã là chuyện của quá khứ. Giờ đây khó khăn mùa nước kiệt đang bủa vây họ từng ngày.
Mưa dầm liên tục, con đường dẫn vào xóm ngụ cư của những hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương tại xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng, Long An) mùa này sình lầy nhão nhoẹt. Đầu xóm, lũ trẻ đen nhẻm, tóc vàng cháy nắng chạy nhảy đùa giỡn. Cạnh đó, chị em phụ nữ túm tụm ngồi lể ốc bươu vàng bên nồi ốc luộc nghi ngút khói.
Năm nay lũ đến muộn, đầu tháng 10 mà con nước cũng chỉ cao hơn mặt ruộng vài tấc nước. Nước lé đé chưa qua khỏi ngọn mấy bụi lúa chét giữa đồng, khác xa với hình ảnh "tháng 7 nước nhảy khỏi bờ" thân thuộc ở miền Tây. Ông Nhất nhìn về cánh đồng phía xa rồi chặc lưỡi thở dài: "Tay lưới cả trăm mét mà chỉ dính 2, 3 con cá rô. Ngày nào nhiều thì bắt được chỉ chừng 2kg. Bán cho mối ở chợ với giá 65.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí xăng dầu thì chẳng còn lại bao nhiêu".
Hằng ngày, cứ khoảng 10h là ông Nhất bắt đầu điều khiển vỏ lãi chạy hơn 20km đến cánh đồng gần biên giới Campuchia để kiếm cá. Quần quật giăng lưới, bủa câu đến khoảng 22h là ông kiểm tra rồi thâu lưới, gom câu trở về cho kịp phiên chợ sáng. "Cá chết thì mình ướp đá, cá sống thì mình rộng lại đặng nó sống bán giá cao. Ngày nào cũng phải tranh thủ trở về cho kịp bán cá, về trễ quá 4h sáng là phải để lại đến hôm sau" - ông Nhất chia sẻ.
Đầu mùa lũ, ông Nhất vay mượn bên ngoài 13 triệu đồng để mua vỏ lãi. Ông còn mua thêm 10 tay lưới và dàn lưỡi câu chừng 2 triệu đồng đặng mần ăn kiếm cua, cá mùa nước. Ngặt nỗi năm nay nước về muộn và thấp, ông nói giọng buồn thiu: "Hằng tháng phải trả lãi cho người ta 1,5 triệu rồi. Đồng không có cá, nhiều tháng phải chật vật lắm mới kiếm đủ tiền trả lãi. Giờ chỉ cố xoay xở kiếm miếng ăn từng ngày mà thôi".
Mỗi năm, mùa cá nước nổi cứ ít dần - Ảnh: THÀNH NHƠN
Mỗi năm, mùa cá nước nổi cứ ít dần - Ảnh: THÀNH NHƠN
Mới trở về Việt Nam gần một năm nay, anh Võ Văn Cảnh (34 tuổi) cũng là Việt kiều từ Campuchia vẫn chưa quen thuộc đồng nước Long An. Hằng ngày, anh xin đi theo nhóm bạn đến điểm giăng câu. Dù chung nghề "bà cậu" nhưng họ không tranh giành địa bàn, mạnh ai nấy tìm chỗ giăng lưới. Khác với ông Nhất, mỗi chuyến đi của anh Cảnh thường kéo dài 2 ngày, bởi theo anh nếu đi về trong ngày thì không đủ tiền xăng. "Chuyến vừa rồi chỉ bắt được 4kg cá rô, trừ hết chi phí này nọ xem như lỗ. Mùa nước không mần nghề này thì cũng chẳng biết làm gì, dù bết bát nhưng cũng phải đi. Nghề bà cậu mà, ông trời cho nhiêu thì mình hưởng nhiêu" - anh Cảnh trải lòng.
Chỉ về 6 tay lưới, anh Cảnh cho biết ra chợ mua lại với giá 600.000 đồng, hằng ngày trả dần cho mối cá. "Cá mình bán người ta giữ lại 20.000-30.000 đồng cấn tiền lưới dần. Nhiều khi lưới cũ, rách mà vẫn chưa trả xong tiền lưới. Càng ngày càng khó kiếm miếng ăn" - anh Cảnh tâm sự.
Ngồi trước hiên nhà gỡ rối cho mớ lưới, bà La Thị Bổi (64 tuổi) cùng chung tâm trạng: "Thôi đem ra giăng ngoài đồng phía trước nhà, kiếm cá ăn đỡ phải đi chợ. Mấy nay có cá đâu mà giăng đồng xa chi cho tốn xăng, tốn công".
Già, trẻ chật vật mưu sinh
Sinh ra và lớn lên tại Biển Hồ, Campuchia, anh Cảnh có hơn 30 năm gắn bó với nghề kiếm cá trên lòng hồ nước bạn. Từ nhỏ anh đã quen với cái nghề "bà cậu" của cha ông. Mấy năm nay, cuộc sống bà con Việt kiều ngày càng khó khăn khi tôm cá dần cạn kiệt. Anh Cảnh cũng như nhiều người khác dắt díu cả gia đình về Vĩnh Bình, hành lý mang theo chỉ vỏn vẹn vài bộ đồ.
"Nghe mấy người về trước bảo ở đây nếu chịu khó kiếm ăn thì cũng đủ ăn nên tui dẫn vợ con về theo. Bên đó giờ đóng thuế này nọ cao lắm…" - anh Cảnh trần tình.
Trong số 6 người con của anh Cảnh thì có đến 3 người con phải đi bán vé số phụ giúp gia đình. Hằng ngày, em Võ Văn Trí (12 tuổi) cùng các anh chị đón xe đò đến Mộc Hóa cách nhà hàng chục cây số bán vé số. "Sáng người ta lấy con 5.000 đồng tiền xe, chiều họ cho đi quá giang về miễn phí. Ngày anh em con lãnh mỗi người 100 tờ, chia nhau đi các hướng bán. Chiều chiều tụi con hẹn nhau bắt xe về nhà" - Trí bộc bạch. Những ngày ở huyện Vĩnh Hưng, tôi thấy nhiều trẻ em Việt kiều đi bán vé số, gần thì chợ thị trấn Vĩnh Hưng, xã Tuyên Bình, còn xa thì tận Mộc Hóa, Kiến Tường…
Khó khăn do ít cá nhưng ông Huỳnh Văn Nhất và các cháu cũng có niềm vui trong căn nhà do chính quyền cấp
Khó khăn do ít cá nhưng ông Huỳnh Văn Nhất và các cháu cũng có niềm vui trong căn nhà do chính quyền cấp
Ông Huỳnh Văn Nhất cũng có 4 người con. Ngoài 2 người con gái về làm dâu ở xóm Việt kiều Đồng Kèn (Tây Ninh), hiện tại vợ con của ông đang sống tại khu dân cư xã Vĩnh Bình. Hằng ngày, vợ ông đi chặt lục bình phơi khô bán cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ, trong khi người con trai út làm bốc vác cho kho lúa gần nhà nhưng bữa có bữa không. "Mùa này nước đổ tui nghỉ, nước rút thì đi vác lúa, vác dưa hấu ngoài ruộng, kiếm ăn qua ngày" - anh Huỳnh Văn Có (20 tuổi), con trai ông Nhất, chia sẻ.
Dưới mé sông, anh Nguyễn Thanh Duyên - Việt kiều Campuchia mới về Việt Nam trước tết - cũng đang đắn đo chuyện đổi sang nghề khác bởi nghề cá đã hết ăn. "Nghĩ mà rầu, cá đồng cạn kiệt rồi, riết không biết mần gì để sống. Thôi thì chờ con nước rút rồi tính tiếp" - anh Duyên tâm sự.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình - cho biết xóm Việt kiều hình thành cách đây khoảng 15 năm, hiện có khoảng 100 hộ. Do không có đất đai nên người dân chủ yếu giăng câu, bủa lưới hoặc chặt lục bình kiếm sống. "Những năm trước thường tháng 7 nước đã lên, ngâm lâu, còn năm nay nước về muộn. So với năm ngoái lượng tôm cá cũng ít hơn hẳn nên ảnh hưởng đến sinh kế của bà con" - ông Hồng chia sẻ.
Xây nhà cho đồng bào Việt kiều
Những năm gần đây, thay vì bà con Việt kiều phải sống trong những căn chòi tạm bợ nơi bờ kênh, chính quyền, nhà hảo tâm đã xây dựng được nhiều nhà ở trong cụm dân cư. Địa phương cho mượn đất, xây nhà miễn phí để đồng bào Việt kiều có nơi ổn định cuộc sống. "Hiện đã cất được 70 căn nhà với đầy đủ điện nước cho bà con. Sắp tới có chương trình mở rộng khu tái định cư lên 5ha, giúp người dân giải quyết được vấn đề chỗ ở, từ đó tìm sinh kế cải thiện cuộc sống" - ông Nguyễn Hữu Hồng, bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình, cho biết.

Theo THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm