Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Xuân của mọi nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù cuộc sống bao nhiêu thay đổi nhưng ngày Tết trong lòng mỗi người Việt vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa. Nó là dịp đoàn tụ gia đình, là lúc mọi người tạm quên những vất vả lo toan để mong chờ và hy vọng cho một năm mới tươi sáng hơn.
Tuổi thơ vô tư chưa biết đến sự khắc nghiệt của thời gian, hồn nhiên mong chờ Tết với những thích thú của riêng mình. Dù sống trong no ấm đủ đầy hay cảnh nhà thiếu trước hụt sau, trẻ em cũng có những lý do để mong chờ Tết. Trẻ con nhà có điều kiện thì chờ Tết đến để có những bộ quần áo thời thượng, được nhận phong bao lì xì khủng, được đi du lịch đây đó với gia đình. Trẻ nghèo thì chỉ mong chờ Tết đến để được mẹ sắm cho bộ quần áo mới, được ăn những bữa ăn ngon hơn, được những ngày rảnh rang hơn để ba mẹ dẫn đi thăm bà con họ hàng. Những cái Tết của một thời khó khăn, phương tiện di chuyển chỉ là xe đạp, nhà thì đông con, những đứa trẻ cũng hiếm khi được cha mẹ dẫn đi mà chỉ túm tụm cùng nhau và đám bạn hàng xóm dắt nhau ra đầu ngõ để ngắm người qua lại chơi xuân. Những bộ quần áo đơn sơ được “may trừ hao” rộng thùng thình nhưng mặc vào cứ tưởng như mình đã lớn hơn và đẹp lên rất nhiều. Bộ đồ, đôi dép, cái mũ được cất kỹ đến sáng mùng một Tết mới đem ra, mặc rồi nhìn nhau cười thích thú. Có thể nói không ở tuổi nào mà cái Tết lại được mong chờ và đón nhận vô tư như với tuổi thơ.
Những người đã làm cha làm mẹ thì mong chờ Tết cùng những nỗi lo toan. Những cái Tết mấy mươi năm về trước thường được chuẩn bị từ rất sớm. Tháng 10, sau khi cắt lúa xong, những người mẹ quê chắt bóp bán bớt một ít sau khi đã tính toán đủ số lúa ăn cho đến mùa, để may cho con manh áo tấm quần. Mọi thứ đều phải tính toán, tích cóp, nâng niu từng chút một. Nỗi lo lắng làm sao để những vườn rau, khóm hoa có thể kịp Tết để bán được thêm chút tiền mà mua sắm thêm ít đồ đạc đón Tết. Con heo còi nuôi trong chuồng, bầy gà để dành liệu có lớn kịp để có mâm cơm tươm tất mà cúng ông bà, cho con cháu có được những bữa ăn ngon hơn. Người buôn bán nhỏ những ngày giáp Tết lại càng tất bật hơn với đôi quang gánh tất tả, mua chợ trên, bán chợ dưới, nhặt nhạnh thêm từng chút để con có thêm cái bánh cái kẹo mà ăn Tết với người ta. Mà Tết thì không phải chỉ có ăn, có mặc. Người sống sao thì người chết cũng vậy, dọn mồ mả, lo lắng bàn thờ tổ tiên ông bà là một việc không thể thiếu được. Một năm chỉ có một lần Tết, bàn thờ gia tiên phải ấm cúng trang trọng để mời ông bà về ăn Tết và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe bình an trong năm mới.
Tết với những sinh viên đi học xa nhà và những người đi làm ăn xa bắt đầu vào khoảng cuối tháng Chạp. Những chuyến xe cuối năm về quê lúc nào cũng đông đúc, người người chen chúc nhau. Ai cũng muốn được về sớm hơn để dọn dẹp nhà cửa, đón Tết với gia đình. Nhưng cũng có những sinh viên nghèo, những người vì hoàn cảnh công việc không thể lên những chuyến xe cuối năm để về nhà thì cái Tết dường như không còn nhiều ý nghĩa. Với những gia đình mà con cháu không về đủ thì dịp Tết cũng chưa trọn vẹn niềm vui. Với những gia đình nhỏ mà ông bà cha mẹ vẫn còn thì Tết là dịp để tụ hội và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, cùng nhau ăn những bữa ăn gia đình ấm cúng sum vầy. Từng thế hệ cứ tiếp nối nhau như vậy và truyền thống ăn Tết của người Việt luôn được bảo tồn. Dù cách xa về không gian, dù cuộc sống nhiều thay đổi, dù có những hoàn cảnh công việc bắt buộc phải xa nhà, xa quê, nhưng mỗi khi cành mai vàng, cành đào hồng thắm khoe sắc, lòng mỗi người dân Việt đều không khỏi nao nao cho một cái Tết cận kề.
Mỗi năm một lần, khi những tờ lịch dần được gỡ hết thì cái Tết lại đến rất gần. Một năm cũ đi qua, một năm mới đến để người ta biết mình đã làm được những gì và có những kế hoạch, hy vọng mong chờ cho một năm tiếp theo. Tết Việt là một nét văn hóa đẹp và sẽ sống mãi với thời gian.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm