Phóng sự - Ký sự

Xuyên qua vùng đất "anh hùng sử ca" (kỳ cuối): Mê mẩn "Đà Lạt ở miền Trung"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, Ninh Thuận), nơi giáp ranh cao nguyên Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu trong mát quanh năm, sương mù bao phủ...

Ở độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển này, du khách đến đây sẽ đắm mình trong không gian thơ mộng, hữu tình như Đà Lạt mờ sương...

Thác nước như mái tóc nàng tiên

Theo UBND huyện Bác Ái, trên địa bàn có nhiều điểm du lịch sinh thái tuyệt đẹp như thác Chapơr, suối Lạnh...

Theo ghi nhận của chúng tôi, đường vào thác Chapơr hiện thuận tiện cho các phương tiện du lịch ra vào hơn trước rất nhiều. Thác nằm cách TP.Phan Rang - Tháp Chàm gần 70km, ở độ cao khoảng 500m so với mặt nước biển, thuộc thôn Ma Lâm, xã Phước Tân.

Từ độ cao khoảng 60m, dòng nước từ trên đỉnh đổ xuống vách núi trắng xóa, như mái tóc dài, óng ả của một nàng tiên giáng trần sau khi tắm mình trong dòng nước mát rồi xõa tóc ra phơi trên vách núi... Theo người dân địa phương, thác Chapơr bắt nguồn từ đỉnh núi Ma Nai, được tạo thành từ nhiều dòng suối trong hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, nên nước chảy quanh năm.

 

Thác Chapơr tuyệt đẹp ở thôn Ma Lâm, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Ảnh: Trần Phương Trình

Năm 2030, Ninh Thuận đón 6 triệu lượt khách

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách. Năm 2030, đón 6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng. Bốn sản phẩm đặc thù của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên...

 

Anh Thanh Hoàng - người chuyên gia tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá cho du khách TP.HCM – Ninh Thuận cho biết, đã nhiều lần anh đưa khách lên thác này và ai cũng thích thú. "Thác Chapơr hùng vĩ và thơ mộng, là kiệt tác thiên nhiên ban tặng, cho vùng đất "nắng nhiều mưa ít" này và có thể ví như thác Đam Bri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) hay thác Dray Sap ở Tây Nguyên..." - anh Thanh Hoàng nói.

Một điểm đến trên hành trình gần đó là suối Lạnh, được xem như một "máy lạnh khổng lồ" giữa núi rừng Bác Ái. Vào buổi sáng, nhiệt độ của dòng suối khoảng 5-10 độ C, nhưng đến gần trưa nhiệt độ sẽ tăng lên.

Anh Thành Vinh nhà ở TP.Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, mùa hè anh thường đưa gia đình lên đây nghỉ ít nhất 3 ngày. Ban ngày, mang thùng bia và nước ngọt ra thả xuống dòng suối sau đó lấy lên từng lon, uống từng ngụm rồi nhâm nhi món thịt gà, hoặc lợn nướng của đồng bào Raglai chế biến thì không gì tuyệt hơn!

Về đêm, bên ánh lửa trại bập bùng, du khách có thể giao lưu âm nhạc và uống rượu chuối hột rừng, ăn thịt gà đồi nướng và cơm lam với bà con dân tộc Raglai đang sinh sống xung quanh…

Trồng bưởi da xanh trên núi

Trong vài năm trở lại đây, bưởi da xanh ở Phước Bình rất nổi tiếng với vị ngọt thanh, có tí chua chua, rất ít hạt, tép bưởi giòn, khi nhai không bị khô ở hai đầu múi bưởi…

Dẫn chúng tôi tham quan những vườn bưởi trĩu quả trên địa bàn xã Phước Bình, ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia cho biết, hơn chục năm trước, lãnh đạo vườn đã đưa cây bưởi da xanh từ các nơi khác về trồng thử nghiệm và thấy rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, năm 2012, lãnh đạo vườn áp dụng nhân giống cho bà con trồng đại trà.

"Ban đầu cũng khó khăn nhưng nhờ sự phối hợp tích cực của lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã Phước Bình, một số hộ dân chấp nhận trồng hơn 30ha. Sau đó thấy bưởi da xanh mang lại lợi nhuận nên nhiều bà con hưởng ứng. Tính đến nay đã có trên 200ha…" - ông Tuấn nói.

 

Khung cảnh tuyệt mỹ của thác Chapơr làm say đắm bao du khách. Ảnh: Trần Phương Trình


Ông Katơr Chiến (dân tộc Raglai) ở thôn Bạc Rây, kể, năm 2012, được cán bộ xã vận động và được Vườn quốc gia hỗ trợ giống bưởi da xanh, hướng dẫn cách chăm sóc, gia đình ông trồng thử nghiệm khoảng 150 gốc bưởi trên triền núi. Đến năm 2016, thu hoạch lứa đầu, mỗi quả nặng từ 1,5 - 2kg, được thương lái thu mua tại vườn với giá khoảng 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông có lãi gần 40 triệu đồng.

Đại diện HTX sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình (HTX Phước Bình) cho biết, nhờ Vườn quốc gia và UBND xã Phước Bình tuyên truyền cho bà con sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nên chất lượng, giá thành sản phẩm cao hơn.

Toàn xã Phước Bình có 925 hộ, với khoảng 4.300 nhân khẩu, bao gồm các dân tộc: Raglai, Kinh, Churu, K'ho... Diện tích đất tự nhiên hơn 28.800ha; đất nông nghiệp gần 2.500ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như bưởi da xanh, bắp lai, chuối, điều, sầu riêng, bưởi, mít, chôm chôm… đời sống bà con khá lên từng ngày.



https://danviet.vn/xuyen-qua-vung-dat-anh-hung-su-ca-ky-cuoi-me-man-da-lat-o-mien-trung-20211022171056255.htm

Theo Bùi Phụ - Đức Cường (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm