Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Ý chí và sức mạnh của dân tộc yêu tự do, hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập để tuyên bố với toàn thể quốc dân và các nước trên thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, có giá trị trường tồn đối với dân tộc Việt Nam và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

1. Đặt cuộc đấu tranh vì nền độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong dòng chảy chung của cuộc đấu tranh vì sự tự do, hạnh phúc cho mọi người, mọi dân tộc trên thế giới; với những cứ liệu đầy đủ về tội ác, sự bất lực và hèn nhát của thực dân Pháp; với những dẫn chứng sinh động về sự bất khuất, chủ nghĩa anh hùng của Nhân dân ta khiến cho “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị”, Tuyên ngôn Độc lập đã đanh thép khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”; rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Kiên trì với những tư tưởng bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập, thấm nhuần tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cả dân tộc Việt Nam đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do, độc lập dân tộc. Những thắng lợi giành được trong các cuộc kháng chiến oanh liệt, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; trong công cuộc bảo vệ và từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là những minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của một dân tộc khi họ đoàn kết lại chiến đấu cho khát vọng chính đáng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đúc kết cô đọng về lý luận và thực tiễn 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu rằng Việt Nam sẽ có vinh dự “là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Có thể khẳng định, với những gì đã làm được trong thế kỷ XX, chúng ta tự hào về dân tộc ta-một dân tộc anh hùng, thông minh, sáng tạo; tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện-một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Bác Hồ và đoàn chủ tịch chào đón các đoàn đi qua lễ đài trong lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1955) trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (ảnh tư liệu).
Bác Hồ và đoàn chủ tịch chào đón các đoàn đi qua lễ đài trong lễ duyệt binh chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1955) trên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (ảnh tư liệu).


Trên bình diện toàn thế giới, 2 thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ III là một thời kỳ đầy biến động phức tạp. Bên cạnh xu thế lớn là hòa bình, hợp tác và phát triển, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy nhanh thì chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố, lật đổ, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương bá quyền vẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng, quyết liệt. Tuy vậy, khi “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống người dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay…”. Để phát huy những thành quả đạt được, vượt qua thách thức, tiếp tục hội nhập phát triển, hướng tới các mục tiêu cụ thể và tầm nhìn đến năm 2045-kỷ niệm 100 năm lập nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định tổng thể các nội dung cần làm, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”.

2. Từ bài học rút ra từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tự do, độc lập dân tộc, trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay, giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với dân tộc ta, Nhân dân ta, Đảng ta phải chăng cần thống nhất nhận thức và xử lý hiệu quả các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu để Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh của dân tộc, thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân”. Khi trở thành đảng cầm quyền, mục đích, lý tưởng đó không thay đổi mà còn có thêm những điều kiện, sức mạnh nhằm hiện thực hóa. Vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của Nhân dân, vì thế, Đảng phải làm cho “dân tin, dân theo”. Đảng lãnh đạo nhưng quyền hành đều ở nơi dân, cho nên Đảng “phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép Nhân dân”, phải tuyên truyền, giác ngộ dân chúng để thức tỉnh họ. Đảng phải tổ chức, đoàn kết họ lại thành một khối thống nhất, bày cho dân và hướng dẫn họ hoạt động. Để làm được điều đó, cần “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân”. Một Đảng như thế cần hội đủ các yếu tố tài năng và phẩm hạnh, đủ sức đoàn kết toàn dân tộc, đưa quốc gia dân tộc hòa nhập, vượt lên trong cuộc đua tranh năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội, nhằm phục vụ cho những mục tiêu mang tính nhân văn: vì lao động, vì con người, vì tiến bộ chung của toàn dân tộc và nhân loại.

Thứ hai, trọng trách của Đảng lãnh đạo, cầm quyền là kiến tạo thể chế phát triển, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển xã hội với việc mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Sứ mạng của Đảng lãnh đạo, cầm quyền lúc này là phải tiếp tục phát huy ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong toàn xã hội, hướng tới mục tiêu chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước phồn thịnh và phát triển bền vững. Theo đó, Đảng có trọng trách tạo lập thể chế phát triển, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Tất nhiên, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, số lượng và chất lượng lao động của từng người là thước đo mức độ thỏa mãn nhu cầu của họ, nhưng cơ chế phân bổ giá trị-cái cơ chế mà nhà nước và xã hội đồng thuận tạo lập, thực thi, đến lượt nó mới là cách thức để giải quyết hài hòa nhu cầu lợi ích của cá nhân và xã hội, góp phần tạo động lực hoặc triệt tiêu động lực của mọi cấp độ chủ thể. Vì thế, chuẩn nhân cách của mỗi cá nhân hay của xã hội văn minh chính là năng lực nhận thức và tự điều tiết để bảo đảm hài hòa mối quan hệ cơ bản đó. Chỉ chăm lo và tuyệt đối hóa nhu cầu lợi ích của mình mà không quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của người khác và của cộng đồng, đó chính là cội nguồn sâu xa của chủ nghĩa cá nhân và hệ lụy mà căn bệnh đó gây ra cho cộng đồng. Đương nhiên, một xã hội bảo đảm công bằng, văn minh là kết quả của sự vận hành của thể chế, thiết chế và những con người đang nhận thức cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu đã được nhận thức.

Thứ ba, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực; khủng hoảng kinh tế, suy thoái tài nguyên môi trường, dịch bệnh… Đặc biệt, những toan tính chiến lược của các thế lực bá quyền, những thỏa hiệp nhằm bảo vệ lợi ích giữa các nước lớn đang đặt các nước nghèo, nước kém phát triển vào tình trạng bất lợi, thiệt thòi... Trong bối cảnh vừa có những thuận lợi nhưng cũng nhiều thách thức hiện nay, Đảng, Nhà nước ta xác định kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo, đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân để giữ vững độc lập dân tộc, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước, lúc này đòi hỏi Đảng ta, Nhân dân ta phải tạo lập các điều kiện cần thiết để chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết; thúc đẩy các quan hệ quốc tế đã thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài; mở rộng những điểm tương đồng, thu hẹp những điểm khác biệt về lợi ích, phấn đấu không để những khác biệt biến thành mâu thuẫn hoặc xung đột… Đó là cách thức vận dụng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập phát triển bền vững hiện nay.

 

 PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG
 

Có thể bạn quan tâm