(GLO)- Những năm trở lại đây, bà con nhân dân xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) đã nhận thức được việc chăm sóc sức khỏe, loại bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, biết phòng tránh và tiêm phòng nhiều bệnh truyền nhiễm. Có được điều đó, một phần là nhờ sự tận tâm, nhiệt tình với công việc của y sĩ Siu Vuih-Phó Trưởng trạm Y tế xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah).
Từ nhỏ, Siu Vuih (SN 1969, dân tộc Jrai ở làng Ya Mút, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) cảm thấy đau lòng khi chứng kiến cảnh người dân ốm đau, bệnh tật nhưng chỉ nghĩ đến việc tìm thầy cúng, sức khỏe người dân ngày một giảm sút, chết dần chết mòn vì những căn bệnh thông thường mà chỉ cần có bàn tay của cán bộ y tế sẽ chữa khỏi. Chính vì thế, Siu Vuih đã luôn nuôi ước mơ trở thành cán bộ y tế để về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Y sĩ Siu Vuih đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.B |
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Gia Lai, y sĩ Siu Vuih được điều động về công tác tại Trạm Y tế xã Chư Đăng Ya. Thời ấy, Chư Đăng Ya là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện, cuộc sống của người dân còn nghèo, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám-chữa bệnh còn thiếu thốn, nhận thức về phòng-chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân còn nhiều hạn chế; giao thông đi lại khó khăn, những chuyến khám bệnh ở cơ sở phải đi bộ gần cả ngày mới tới nơi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị. “Những vất vả thời ấy không thể nào kể hết được, có yêu nghề và thương bà con lắm mới bám trụ được lâu dài”-y sĩ Siu Vuih bộc bạch.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, y sĩ Siu Vuih cùng đội ngũ cán bộ Trạm Y tế thường xuyên phối hợp với đội ngũ y tế thôn làng tích cực thực hiện các chiến dịch chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tuyên truyền lợi ích của việc tiêm phòng cho trẻ, tư vấn sức khỏe cho phụ nữ có thai, đưa chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh ra xa nơi ăn ngủ. Các trường hợp phải cấp cứu, dù ngày hay đêm, y sĩ Siu Vuih cùng đồng nghiệp luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ, chữa bệnh cho bà con. Khi được hỏi về những kỷ niệm với nghề, y sĩ Siu Vuih cho biết: Đó là vào tháng 4-2000, tôi cùng anh em cán bộ y tế vào tiêm phòng vắc xin cho trẻ ở làng Xóa, cách Trạm Y tế xã 4 km. Lúc đó, đường vào làng chỉ toàn đường đất, ngày hôm trước trời mưa nên rất lầy lội, xe máy không thể vào tới nơi. Chúng tôi phải đi bộ từ 3 giờ sáng, mặc dù đã thông báo trước nhưng khi vào tới xã thì một số bà con vẫn đi làm rẫy, đưa cả con đi cùng. Vì thế, cả đoàn phải đợi trưởng thôn đi gọi mọi người về mới tiêm phòng được. Lúc tiêm phòng, nhiều trẻ đau quá lại quấy khóc, nhiều trẻ bị sốt, bà con tưởng mình làm hại đến con họ nên trách móc đoàn. Nhưng chịu khó hướng dẫn, giải thích nên bà con cũng hiểu và tin tưởng cán bộ y tế nhiều hơn.
Giờ đây Trạm Y tế đã khang trang hơn, cơ sở vật chất, trang-thiết bị y tế được trang bị đầy đủ hơn, người dân cũng nhận thức sâu sắc hơn nên thường xuyên tới trạm khám-chữa bệnh định kỳ, mỗi ngày có hàng chục lượt bệnh nhân tới khám bệnh. Sự tận tâm, trách nhiệm với công việc của y sĩ Siu Vuih đã để lại trong lòng người dân Chư Đăng Ya nhiều tình cảm tốt đẹp. Chị Hlung-người dân ở làng Ia Gry phấn khởi nói: “Y sĩ Siu Vuih rất nhiệt tình với bà con lắm. Lúc bà con ốm đau, bệnh tật, ông đều có mặt kịp thời để giúp đỡ, không ngại khó khăn. Giờ đây bà con làng mình ai cũng thương và nghe lời y sĩ hết”.
Thủy Bình