(GLO)- Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, người Bahnar ở xã Ya Ma (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) quyết tâm lưu giữ những bộ chiêng quý, nhạc cụ dân tộc, đồng thời tích cực trao truyền vốn văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Theo lịch, đúng 8 giờ sáng ngày cuối tuần, các thành viên trong đội cồng chiêng “nhí” của làng Tnung-Măng (xã Ya Ma) có mặt tại nhà nghệ nhân Đinh Hlich. Trong trang phục truyền thống, mỗi người phụ trách từng nhạc cụ khác nhau cùng hòa tấu các bài dân ca Bahnar. Ông nói: “Hồi còn sống, cha tôi là nghệ nhân chỉnh chiêng, chơi chiêng nổi tiếng trong vùng và sớm truyền cảm hứng, niềm đam mê cho tôi. Sau này, được cha và các già làng hướng dẫn, tôi đã sớm bộc lộ năng khiếu. Năm 18 tuổi, tôi đã thành thục từ diễn tấu, chế tác nhạc cụ cho đến chỉnh chiêng”.
Sau khi lập gia đình, ông Đinh Hlich dành thời gian cho việc chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ và mở lớp truyền dạy cho các cháu nhỏ trong làng. Ông cho biết: Trước đây, gia đình cũng có 1 bộ chiêng do cha mẹ để lại nhưng vì lâu ngày nên đã hư hỏng, việc truyền dạy gặp không ít khó khăn. Để phục vụ cho công việc này, từ số tiền dành dụm được, cách đây vài tháng, ông mua 1 bộ chiêng 16 chiếc trị giá 35 triệu đồng.
Ông Đinh Hlich truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho đội chiêng nhí làng Tnung-Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro). Ảnh: R’Ô HOK |
Ngoài cồng chiêng, ông còn chế tác các loại nhạc cụ truyền thống khác như: đàn đá, đàn t’rưng, đàn goong, klông put, trống... Từ năm 2015 đến nay, ông tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trong làng. Năm 2019, ông được Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) mời dạy đánh cồng chiêng cho học sinh. Hiện nay, ông đang hướng dẫn, truyền dạy 1 lớp học đánh cồng chiêng, diễn tấu nhạc cụ cho 15 học viên lứa tuổi 10-13 ở trong làng. Em Đinh Thị Phai (13 tuổi) cho biết: “Em rất thích nhạc cụ dân tộc. Được bố mẹ ủng hộ, từ năm 2021 đến nay, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, em cùng các bạn tham gia lớp học do ông Hlich tổ chức. Nhờ ông tận tình dạy bảo, đến nay, em đã chơi được một số nhạc cụ, trong đó đã chơi thành thục đàn đá”.
Ông Đinh Uơng (SN 1957, làng Tnung 1, xã Ya Ma) cũng là người đam mê và có ý thức giữ gìn cồng chiêng. Ông cho rằng: Người Bahnar rất coi trọng cồng chiêng. Vì vậy, thời gian qua, ông thường xuyên nhắc nhở, khuyên bảo bà con trong làng gìn giữ, bảo tồn cồng chiêng cũng như truyền dạy cho lớp trẻ. “Gia đình, buôn làng phải có cồng chiêng để phục vụ lễ hội cộng đồng, không có chiêng thì khi làng có lễ hội sẽ không thể tổ chức và sum họp được. Năm 2005, mình bán 2 con bò được 20 triệu đồng để mua 1 bộ chiêng. Từ khi có bộ chiêng này, các lễ hội thêm phần nhộn nhịp”-ông Uơng bộc bạch.
Ông Đinh Uơng (làng Tnung 1, xã Ya Ma) bên bộ chiêng của mình. Ảnh: R'Ô HOK |
Anh Đinh Vek-Bí thư Chi Đoàn làng Tnung 1-cho hay: Từ năm 2009 đến nay, anh phối hợp với ông Uơng tích cực vận động thanh-thiếu niên trong làng luyện tập cồng chiêng. Nhờ vậy, đến nay, làng đã có 3 đội chiêng gồm: thiếu nhi, thanh-thiếu niên và đội chiêng nữ. “Làng có 90 đoàn viên, thanh niên, trong đó có 30 người là thành viên đội cồng chiêng của xã. Hiện mình và già Uơng đang tiếp tục mở lớp truyền dạy cho 30 cháu với thời lượng tập luyện mỗi tháng 1 lần, học vào lúc 6-7 giờ tối”-anh Vek bày tỏ.
Nói về đội chiêng của xã nhà, ông Đinh Văn Poi-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Ma-cho hay: “Năm 2015, đội cồng chiêng xã Ya Ma đại diện cho huyện tham gia Hội thi cồng chiêng, hát dân ca, hòa tấu thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai lần thứ II đạt giải nhất toàn đoàn và tham gia Ngày hội tuổi trẻ các dân tộc Tây Nguyên; năm 2017, tham gia Hội thi cồng chiêng, hát dân ca, hòa tấu thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai lần thứ III đạt giải ba toàn đoàn; năm 2019, tham gia Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III, trong đó, cồng chiêng đạt giải nhì, dân vũ đạt giải ba, hòa tấu nhạc cụ đạt giải khuyến khích và nhận 2 huy chương đồng môn chạy cà kheo...”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Tân-Chủ tịch UBND xã Ya Ma-thông tin: Toàn xã có 2.376 khẩu, người Bahnar chiếm hơn 96%. Hiện xã có 9 đội chiêng, 25 bộ chiêng, trong đó, 4 bộ chiêng là của chung, 21 bộ chiêng của các hộ gia đình. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm; các lễ hội truyền thống thường xuyên được tổ chức.
R’Ô HOK