Phóng sự - Ký sự

Yên ấm từ mỗi buôn làng - Kỳ cuối: Những “hạt nhân” tiêu biểu của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bằng sự nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm, những người trẻ cùng các già làng, người có uy tín của buôn làng hôm nay đã trở thành “hạt nhân” đoàn kết, “cầu nối” ý Đảng – lòng dân để xây dựng cuộc sống ngày càng yên ấm, phát triển.

Nêu gương bằng quyết tâm khởi nghiệp

Mong muốn giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, chàng trai trẻ Y Thuyl Niê ở buôn Ayun, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) đã nỗ lực khởi nghiệp từ vườn ươm cây cà phê giống. Với lòng nhiệt huyết, anh đã nhận được sự tin tưởng của bà con trong buôn làng, giúp họ từng bước thay đổi nhận thức, tiếp cận với kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên), Y Thuyl trở về nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy. Thấy vườn cà phê già cỗi không mang lại hiệu quả kinh tế, Y Thuyl mong muốn tái canh vườn cây nhưng không được gia đình đồng thuận. Anh đã xin làm thêm tại một vườn ươm cây giống ở TP. Buôn Ma Thuột.

Vườn cà phê của gia đình anh Y Thuyl Niê phát triển xanh tốt, cho thu nhập khá.
Vườn cà phê của gia đình anh Y Thuyl Niê phát triển xanh tốt, cho thu nhập khá.

Nhận thấy nhu cầu về cây giống chất lượng cũng như mong muốn tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cà phê của người dân là rất lớn, Y Thuyl quyết định trở về buôn làng khởi nghiệp bằng mô hình vườn ươm cây giống cà phê kết hợp tư vấn kỹ thuật canh tác. Anh còn thuyết phục được gia đình chuyển đổi cây trồng, trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê, mang lại thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Để trau dồi thêm kiến thức nông nghiệp, Y Thuyl vừa tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp do các cấp bộ đoàn tổ chức vừa tự học từ các hội nhóm, trang thông tin trên mạng xã hội.

Y Thuyl chia sẻ: “Để có vườn ươm xanh tốt như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực, thuyết phục người thân trong gia đình thay đổi suy nghĩ, lối canh tác. Đất đai của quê hương vốn màu mỡ, các chính sách của Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến người DTTS, chỉ cần quyết tâm, chăm chỉ thì mình sẽ làm giàu chính đáng trên mảnh đất của cha ông”.

Chỉ sau 2 năm, vườn ươm của Y Thuyl trở thành địa chỉ tin cậy để người dân vừa đến mua cây giống vừa học hỏi, trao đổi những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Quyết tâm khởi nghiệp của Y Thuyl là thực tiễn sinh động trong công tác vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương.

Góp sức giữ bến nước, cây rừng

Là người uy tín, những năm qua già Y Wih Êban, Bí thư Chi bộ buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) luôn tuyên truyền, vận động đồng bào, con cháu trong buôn gìn giữ văn hóa, phong tục, tập quán của cha ông; đặc biệt là khu rừng và bến nước đầu nguồn của buôn.

Đoàn kết là sức mạnh, “thế trận” vững chắc nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân vận là cốt lõi của vận động quần chúng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Để khối đại đoàn kết được vững chắc, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể cần phải gần dân, sát dân, lắng nghe chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, hiểu rõ đặc thù từng vùng. Đồng thời, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, nhất là thế hệ trẻ của buôn làng để lan tỏa, nâng cao hiệu quả phong trào dân vận khéo”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Y Luyện Niê Kđăm

Về buôn Kmrơng Prông B, dù bất kỳ thời gian nào trong năm, đều cảm nhận được không khí trong lành, yên bình, nhất là ngắm nhìn những cây cổ thụ cao lớn tỏa bóng, vươn mình trên trời cao; dòng nước mát lành từ bến nước đầu nguồn lặng lẽ chảy qua hàng trăm năm tưới mát cho cánh đồng lúa, vườn cây xanh mướt… Đều đặn cứ vào tháng 1, tháng 2 hằng năm lại có hàng chục đàn ong về làm tổ trên những cây rừng. Mật ong từ thiên nhiên là những món quà quý luôn được bà con trân trọng và lại càng gìn giữ rừng cây, bến nước.

Già Y Wih tâm sự, theo lời ông bà kể lại, cách đây cả trăm năm, khi mới lập làng, cả buôn chỉ có 8 hộ nhưng mọi người đã biết gìn giữ rừng cây và bến nước bằng những luật tục xa xưa. Theo đó ai phá rừng đều phải chịu phạt như cúng trâu, cúng bò để tạ lỗi với Yàng, với buôn làng…, bởi đây là rừng đầu nguồn, là nguồn chung của buôn nên mọi người đều nghe theo, dựa vào rừng mà sinh sống, phát triển.

Bây giờ, buôn sử dụng hương ước, quy ước những ai chặt, phá cây rừng sẽ đưa ra hội trường, nhắc nhở trước buôn làng nên bà con đều có ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn. Ai vào chặt cây đều bị bà con phát hiện và báo cho già làng, các cấp chính quyền xử lý.

Dựa vào rừng và nguồn nước, đồng bào yên tâm phát triển nông nghiệp, trồng cà phê, sầu riêng… Từ đó, những năm qua đời sống kinh tế của đồng bào trong buôn ngày một phát triển. Toàn buôn có 335 hộ với 1.270 khẩu, hiện chỉ còn 8 hộ nghèo và cận nghèo. Khu rừng của buôn hiện còn hơn 5 sào với hàng trăm cây rừng trong đó có hàng chục cây cổ thụ quý, vòng cây hai, ba chục người ôm mới xuể. Già Y Wih nhớ hết từng tên các cây cổ thụ của rừng như: Na Tơng, Na Plang, Na Klet, Na Trul… Già luôn nhắc nhở người dân và con cháu về việc gìn giữ bến nước, rừng cây vì nguồn nước là hiện linh cho sự sống, rừng sẽ che chở cho buôn làng.

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay, khu rừng và bến nước vẫn là tài sản quý nhất của đồng bào buôn Kmrơng Prông B và để gìn giữ được những khoảng xanh của rừng, có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và hơn cả là những người uy tín, già làng qua bao thế hệ vẫn cần mẫn tuyên truyền, bảo ban con cháu trong buôn, trong đó có già Y Wih Êban.

Nữ trưởng buôn 9X tận tụy

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên, H’Liên Niê quyết định trở về buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk). Cống hiến sức trẻ cho buôn làng, H’Liên vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, vừa tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại địa phương. Nhiệt huyết, có nền tảng kiến thức nên trong những lần phát động quần chúng, H’Liên luôn được người dân tin tưởng. Gần gũi, có uy tín và được người dân yêu quý, tháng 4/2022, H’Liên được bầu làm Trưởng buôn.

Trưởng buôn Ea Liăng H’Liên Niê (bìa trái) cùng tham gia trao đổi về công tác dân vận.
Trưởng buôn Ea Liăng H’Liên Niê (bìa trái) cùng tham gia trao đổi về công tác dân vận.

Buôn Ea Liăng có 7 dân tộc cùng sinh sống, toàn buôn có 225 hộ, 1.035 khẩu, trong đó dân tộc Êđê chiếm đa số với 171 hộ…; thu nhập chủ yếu từ trồng cà phê. Trưởng buôn H’Liên đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trồng thêm các cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập; xen canh vườn cà phê bằng những cây ăn trái có giá trị cao… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2022, buôn Ea Liăng có 64 hộ nghèo và cận nghèo thì đến nay, giảm chỉ còn 48 hộ. Bên cạnh đó, H’Liên còn tập hợp, vận động người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, thành lập đội bóng chuyền, đội dân vũ của buôn. Với sự nhiệt tình của H’Liên, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của buôn ngày càng sôi nổi. Đội bóng chuyền buôn Ea Liăng đã giành giải Nhất Giải bóng chuyền xã Cư Pơng 2023. Tại Hội thi Hòa giải viên giỏi huyện Krông Búk năm 2023, H’Liên cũng là một trong những thành viên của đội xã Cư Pơng tham gia hội thi và góp phần giúp đội của xã nhà đoạt giải Nhất toàn đoàn…

Khi biết ở địa phương mình có đối tượng tham gia vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin ngày 11/6 vừa qua, H’Liên đã cùng với cán bộ Mặt trận đi đến từng nhà để nắm bắt tình hình. Với những hộ có đối tượng tham gia, chị tích cực vận động người thân khuyên nhủ người lầm đường, lạc lối ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Nghe lời H’Liên, hai đối tượng sau đó đã ra đầu thú. Buôn trưởng H’Liên Niê là một trong 5 cá nhân đã được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm