2012 - năm thành công của Tổ chức Y tế Thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2012 được đánh giá là một năm thành công của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với những kết quả đáng khích lệ đạt được trong việc bảo vệ sức khỏe con người.
 

 

Ngày 24-12 dẫn báo cáo tổng kết của WHO cho biết trong năm  2012, tổ chức này đã thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận liên quốc gia về cấm sử dụng thuốc lá và nghiên cứu thuốc điều trị bệnh cúm H5N1...

Đặc biệt, năm qua WHO cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) được công nhận đã hoàn thành trước thời hạn một trong Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), theo đó đến năm 2015 sẽ giảm 50% số người không được sử dụng nước sạch trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, trong năm 2012, WHO đã sử dụng hiệu quả các thông tin liên quan đến thời tiết để cảnh báo con người về những dịch bệnh, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, hoặc đã đưa ra những khuyến nghị về việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em...

WHO coi việc loại trừ được bệnh bại liệt ở Ấn Độ và việc ngày càng có nhiều người dân trên thế giới được sử dụng nước sạch hơn là hai trong số những thành công hàng đầu của tổ chức này trong năm 2012. Thành công trong cuộc chiến chống bệnh bại liệt ở Ấn Độ cho thấy một khi có quyết tâm lớn của tất cả mọi người, con người hoàn toàn có thể loại trừ được dịch bệnh ngay cả trong những điều kiện khó khăn, phức tạp nhất. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn 3 "điểm nóng" về bệnh bại liệt ở trẻ em, đó là Afghanistan, Pakistan và Nigeria.

Tuy nhiên, báo cáo của WHO cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng bệnh cao huyết áp đang có chiều hướng gia tăng, đến mức tính trung bình trên toàn thế giới, cứ ba người lớn, thì một người có vấn đề về huyết áp. Theo báo cáo của WHO, gần 50% số ca tử vong trên thế giới là những người bị các chứng bệnh liên quan tới huyết áp, như đột quỵ, suy tim và nhồi máu cơ tim.

Bệnh cao huyết áp, hay còn gọi là tăng huyết áp, là hiện tượng huyết áp vượt quá giới hạn bình thường và thường trực ở mức trên 140/90. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp trong giai đoạn đầu không có biểu hiện gì và người bệnh chỉ phát hiện mình bị tăng huyết áp khi tình cờ đo huyết áp hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Do đó đa số bệnh nhân biết mình bị bệnh khi đã có biến chứng trên các cơ quan của cơ thể. Bệnh cao huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ bị biến chứng trên các cơ quan như tim, não, mắt và động mạch ngoại biên, từ đó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim hoặc suy thận.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm