Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị đánh giá năm năm thực hiện nghị định của Chính phủ về sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và nuôi con bằng sữa mẹ cho biết như vậy.
Theo báo cáo này, suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao quá thấp so với tuổi) bắt nguồn từ tình trạng dinh dưỡng kém trong giai đoạn thai nhi và hai năm đầu đời. Trong đó, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn của trẻ, nhưng VN chỉ 10% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.
Nguyên do là sữa bột cho trẻ sơ sinh được quảng bá tràn lan, gây hiểu lầm về khả năng đủ sữa cho con bú của bà mẹ và thời gian nghỉ thai sản ở VN chỉ là bốn tháng. Bộ Y tế cho biết quảng cáo nuôi trẻ bằng sữa bột trên phương tiện thông tin đại chúng tăng thì tỉ lệ trẻ được bú sữa mẹ giảm.
Tại VN, từ năm 2006 Chính phủ đã ban hành nghị định 21 nhằm cải thiện thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ, hạn chế phạm vi và cách thức quảng bá sản phẩm thay thế sữa mẹ như cấm bán thức ăn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tại bệnh viện; cấm trưng bày sản phẩm thay thế sữa mẹ ở bệnh viện, nghiêm cấm cán bộ y tế nhận lợi ích vật chất hoặc sản phẩm có tên, biểu tượng của hãng sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi; cấm hướng dẫn, tư vấn cho phụ nữ sử dụng sản phẩm dinh dưỡng thay thế cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi trừ trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc thực hiện tại các bệnh viện có khoa sản- nhi ở 63 tỉnh thành cho thấy các bà mẹ thường dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ theo lời khuyên của nhân viên y tế.
Theo Tuoitre