36,7 triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh AIDS

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chính trị về đẩy nhanh nỗ lực, hành động nhằm hoàn tất mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tuyên bố phát ra ngày 8-6 ghi nhận dịch bệnh thế kỷ có xu hướng suy giảm trong thập kỷ vừa qua nhưng vẫn có đến 36,7 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV/AIDS, đa phần trong số này tập trung ở khu vực tiểu sa mạc Sahara thuộc châu Phi.
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Bimcbali.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bimcbali.com)

Tuyên bố đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ những đối tượng có nguy cao nhiễm HIV.

Phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc về HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng dịch cuộc chiến chống AIDS còn lâu mới kết thúc và trong vòng 5 năm tới, thế giới có cơ hội để thay đổi căn bản cách thức chống dịch bệnh này.

Ông kêu gọi cung cấp dịch vụ và điều trị cho tất cả những bệnh nhân nhiễm HIV mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, nhất là trong giới trẻ, người di cư, phụ nữ, trẻ em nữ, gái mại dâm, đồng tính nam, người tiêm chích ma túy, người chuyển giới và tù nhân.

Tuyên bố chính trị lần này được xây dựng trên kế hoạch hành động chống đại dịch AIDS của Liên hợp quốc cách đây 5 năm và đặc biệt nhấn mạnh vào nỗ lực trợ giúp những đối tượng thuộc diện nguy cơ cao. Tuyên bố đề ra 3 mục tiêu cần hoàn tất đến năm 2020, đó là: giảm số ca nhiễm HIV mới, giảm tỷ lệ tử vong và chấm dứt phân biệt, kì thị đối với những người nhiễm HIV.

Hội nghị về HIV/AIDS tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ dự kiến kéo dài trong ba ngày.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Ndaba Mandela, cháu trai cố lãnh đạo Nelson Mandela và là người có bố bị chết hồi năm 2005 vì bệnh AIDS, kêu gọi các nước xóa bỏ tình trạng kỳ thị người nhiễm căn bệnh thế kỷ, cho rằng thái độ thù ghét và sợ hãi chỉ cản trở nỗ lực chống HIV/AIDS.

Theo ông, 35 nước hiện từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho người nhiễm HIV cần bãi bỏ các quy định hạn chế này.

Tại các phiên họp, phái đoàn Nga thừa nhận sự cần thiết thanh toán đại dịch AIDS nhưng cho rằng mỗi chính phủ cần có "quyền chủ quyền" trong các quyết sách về sức khỏe cộng đồng.

Đại diện của Nga đề xuất đưa thêm một số câu từ về luật quốc gia trong tuyên bố của Đại hội đồng, liên quan đến các điều khoản đề cập về đồng tính nam, người nghiện ma túy, tù nhân. Ý kiến này đã không được thông qua.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm