(GLO)- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam được giải phóng, giang sơn thu về một mối. Cùng với việc ổn định tình hình chính trị, truy quét bọn phản động FULRO và tàn quân của chế độ cũ, Gia Lai tập trung vận động toàn quân, toàn dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển.
Gia Lai có vị trí chiến lược trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng. Chính vì vậy, chính quyền và quân đội chế độ ngụy Sài Gòn đã chọn nơi đây để đặt Bộ Chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật. Và khi đổ quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, quân đội Mỹ đã chọn An Khê làm nơi đóng quân của Sư đoàn không vận số 1, Pleiku là Sư đoàn 4; mục đích của chúng là chia cắt, khống chế, đánh phá phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, nhất là ngăn chặn hành lang tiếp tế xuyên Việt-đường mòn Hồ Chí Minh của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nhưng âm mưu đó của chúng đã bị quân và dân ta chặn đứng. Ngày 10-3-1975, Đak Lak hoàn toàn giải phóng. Chỉ 7 ngày sau đó, 17-3-1975, Gia Lai cũng sạch bóng quân thù.
Một góc TP. Pleiku hôm nay. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Những năm đầu tiên sau ngày giải phóng, tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn tỉnh rất cao, có nơi lên đến 80-90%. Việc giải quyết vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu. Vụ mùa đầu tiên sau ngày giải phóng, toàn tỉnh chỉ gieo trồng được chừng 70 ngàn ha (cộng cả số liệu khi nhập tỉnh Kon Tum, cuối năm 1975), chủ yếu là các loại cây ngắn ngày, đề phòng có thể nạn đói xảy ra. Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết với quyết tâm sẽ tận dụng mọi nguồn lực và sức dân khai hoang xây dựng đồng ruộng để trồng cây lương thực, phấn đấu đạt 100 ngàn ha vào năm 1976, có như thế mới đảm bảo một phần cân đối lương thực tại chỗ. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta ở vào thời điểm đó còn nhớ một cuộc vận động di dời, giãn dân từ nội thị Pleiku ra vùng ven đô và các huyện lân cận định cư và khai hoang trồng cây lương thực. Công tác định canh, định cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cũ cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng. Bà con các dân tộc thiểu số vốn quen với phương thức sản xuất nông nghiệp theo kiểu du canh, cùng với đó là du cư, phát rừng làm nương rẫy nên cuộc sống thời hậu chiến vô cùng khó khăn.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được quan tâm. Các cơ sở y tế trong vùng địch tạm chiếm bấy giờ chủ yếu phục vụ nhu cầu điều trị cho thương-bệnh binh của chế độ cũ, vùng giải phóng và căn cứ của ta tuy đã hình thành mạng lưới y tế tới cơ sở, song cơ sở vật chất, trang-thiết bị và nhân lực phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân vô cùng thiếu thốn. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng thế, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp; đại bộ phận trẻ em đến tuổi đi học không được đến trường, cơ sở vật chất gần như chưa có gì, ngoại trừ một số trường, lớp ở vài đô thị như Pleiku, An Khê, Ayun Pa và vùng người Kinh...
Là những người trong cuộc, mỗi chúng ta không thể không vui mừng với một Gia Lai đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta kể từ những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Đó là một nền kinh tế từng bước phát triển đúng định hướng, phù hợp với quy hoạch dài hơi nông-lâm-công nghiệp-thương mại-dịch vụ. Nhiều vùng đã định hình chuyên canh cây công nghiệp dài ngày. Dù có lúc chịu sự chi phối của thị trường, giá cả và đầu ra của sản phẩm không ổn định, nhưng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở vùng đất Tây Trường Sơn này, phát triển cây công nghiệp là sự lựa chọn không sai. Nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến; nhiều khu-cụm công nghiệp hình thành khắp các địa phương đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Một điển hình trong sản xuất lương thực là chúng ta đã có một cánh đồng lúa 2 vụ với diện tích lớn nhất Tây Nguyên-vựa lúa Ayun Hạ. Nơi đây vốn được coi là “chảo lửa”, nhưng rồi bằng chính sức người mà “sỏi đá cũng thành cơm”. Công trình đại thủy nông Ayun Hạ đưa vào hoạt động đã làm sống dậy một vùng đất bao đời chịu khát, theo đó trên 13,5 ngàn ha ruộng lúa và hoa màu được bà con các dân tộc thâm canh, tăng vụ với năng suất không thua kém bất cứ vùng đất phì nhiêu nào. Câu chuyện tự cân đối lương thực trên địa bàn mà thuở nào là niềm mơ ước của mọi người đã trở thành hiện thực. Giá trị sản xuất toàn ngành nông-lâm nghiệp năm 2019 vừa qua đạt trên 28,5 ngàn tỷ đồng (giá so sánh 2010). Cùng với đó là bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Sau những năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và chủ trương xây dựng nông thôn mới, từ một tỉnh nghèo, đa số người dân định cư ở nông thôn (trên 70%) và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, giờ chúng ta đã có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống ổn định và ngày càng phát triển. Theo thống kê mới đây, cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/năm. Và cũng năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng!
Pleiku hôm nay (ảnh internet) |
Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt nhiều thành tựu sau 45 năm tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng. Không còn chuyện trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường; đa số người ở lứa tuổi 15-35 đã biết chữ, có nghĩa là “giặc dốt” cơ bản đã được xóa. 350/768 trường học từ mẫu giáo đến trung học đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học từng bước được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, đảm bảo cho việc dạy và học, vì thế chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Với dân số Gia Lai tính đến nay là trên 1,5 triệu người, tỉnh ta đạt 27 giường bệnh và 8 bác sĩ trên 1 vạn dân, không còn xã (phường, thị trấn) “trắng” trạm y tế, 90% số xã đã có bác sĩ... Người viết nêu lên vài ba con số trong lĩnh vực giáo dục, y tế để khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương chúng ta trong 45 năm qua.
Cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng và thống nhất nước nhà đã kết thúc cách nay gần 1/2 thế kỷ. Trên chặng đường đấu tranh để bảo vệ những thành tựu đã đạt được trong kháng chiến và tập trung sức lực khắc phục hậu quả chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đoàn kết, chung tay xây dựng để đưa đất nước ta, trong đó có Gia Lai ngày càng ổn định và phát triển, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được!
ĐOÀN MINH PHỤNG