Báo xuân

Ấm áp bên nồi bánh chưng xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong thời tiết se lạnh của Phố núi, nhiều gia đình cùng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng xanh đang sôi sùng sục, làn khói bay lên hòa quyện với mùi vị đặc trưng của hương nếp, lá gói thật là đầm ấm. Và rồi những câu chuyện về cuộc sống thường ngày được hàn huyên quanh nồi bánh chưng, tình thân được gắn kết bền chặt hơn.

Cả nhà quây quần cùng gói bánh chưng xanh. Ảnh: Ngọc Thu
Cả nhà quây quần cùng gói bánh chưng xanh. Ảnh: Ngọc Thu

Hôm nay, nhà ông Phạm Văn Dương (phường Ia Kring, TP. Pleiku) trở lên rộn ràng hơn bởi tiếng cười nói của các thành viên trong gia đình. Các con ông đều đi làm và học tập xa nhà, chỉ có dịp Tết mới được đoàn viên cùng gia đình. Thế nên, dù có bận rộn đến mấy nhưng năm nào ông Dương cũng tổ chức gói bánh chưng cùng gia đình. Ngoài việc để các con ông được thưởng thức hương vị bánh chưng xanh ngày Tết, quan trọng hơn hết đây chính là truyền thống gia đình được ông duy trì từ nhiều năm nay từ khi vào mảnh đất Tây Nguyên này lập nghiệp.
 

Chiếc bánh chưng xanh vuông vức sau khi đã gói xong. Ảnh: Ngọc Thu
Chiếc bánh chưng xanh vuông vức sau khi đã gói xong. Ảnh: Ngọc Thu

Nhanh tay gói xong chiếc bánh chưng vuông vức, ông Dương tâm sự: “Mỗi dịp Xuân về, gia đình chúng tôi mới có dịp ngồi quây quần, nói chuyện vui vẻ cùng nhau. Mặc dù làm lụng vất vả cả năm nhưng đến Tết, gia đình tôi cũng cố gắng gói bánh chưng để có chút lửa, chút khói cho cả nhà được đầm ấm hơn, nhắc nhở con cháu gìn giữ nét đẹp truyền thống quý giá của cha ông mình”.
 

Cần đổ thêm nước sôi trong quá trình luộc bánh chưng. Ảnh: Ngọc Thu
 Ảnh: Ngọc Thu

Không khí ngày Tết của gia đình ông Dương những ngày này càng trở nên đầm ấm hơn khi cả nhà ai nấy đều tất bật, vợ ông thì đi chợ chọn mua thịt heo ngon, các con ông người thì ngâm gạo, người rửa lá dong, đãi đậu xanh… Khi những vật dụng được chuẩn bị đầy đủ, cả nhà cùng quây quần gói bánh, nấu bánh, tiếng cười nói rôm rả, đây cũng là lúc những chuyện buồn vui trong cuộc sống được sẻ chia… Những chiếc bánh chưng đẹp, dày dặn, vuông vắn được dành riêng đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, thành kính nhớ về cội nguồn.
 

Nồi bánh sôi nghi ngút khói hòa quyện cùng mùi gạo nếp và lá dong tạo nên hương vị đặc trưng của bánh. Ảnh: Ngọc Thu
Nồi bánh sôi nghi ngút khói hòa quyện cùng mùi gạo nếp và lá dong tạo nên hương vị đặc trưng của bánh. Ảnh: Ngọc Thu

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng tượng trưng cho niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn viên. Sau quãng thời gian học xa gia đình, trở về nhà với không khí đầm ấm bên nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, tỏa hương nếp và lá dong hòa quyện, bạn Phạm Thị Hương Lan không khỏi bồi hồi, xúc động. “Mình học xa gia đình nên lúc nào cũng muốn về bên bố mẹ. Nhất là vào dịp Tết, việc được quây quần bên bố mẹ, anh chị trông nồi bánh chưng đối với mình đã là hạnh phúc. Và mình cũng mong muốn sau này sẽ giữ gìn được truyền thống tốt đẹp này để gia đình càng đầm ấm, hạnh phúc hơn”-Lan chia sẻ.
 

Những câu chuyện về cuộc sống được các thàh viên trong gia đình chia sẻ với nhau khi cùng ngồi trông nồi bánh chưng. Ảnh: Ngọc Thu
Những câu chuyện về cuộc sống được các thàh viên trong gia đình chia sẻ với nhau khi cùng ngồi trông nồi bánh chưng. Ảnh: Ngọc Thu

Bấy lâu nay, trong lối sống hiện đại, con người bị cuốn theo bộn bề công việc làm phai nhạt dần những phong tục, tập quán tốt đẹp, hoặc ít có dịp quan tâm đến nhau. Vì vậy, việc nấu bánh chưng trong dịp Tết Nguyên đán là một cơ hội để giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau để thăm hỏi, thấu hiểu, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Với gia đình ông Võ Xuân Tịnh (tổ 12, phường Hội Thương, TP. Pleiku) thì việc cùng với các thành viên trong gia đình, họ hàng cùng nấu bánh là khoảng thời gian quý mà gia đình ông và mọi người chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Ông cho biết: “Năm nào nhà tôi cũng gói bánh chưng, bánh tét để tạo không gian đầm ấm cho gia đình. Đây cũng là dịp để gia đình, họ hàng tập trung về cùng nhau hưởng một cái Tết sum họp, đầm ấm và cũng là việc duy trì truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam mình”.

Bên bếp củi hồng rực lửa, nồi bánh chưng đang nghi ngút khói, mọi người bắt đầu rôm rả các câu chuyện vui buồn khiến bầu không khí trở lên ấm áp biết bao. Nấu bánh chưng không chỉ đơn thuần là một phong tục, một món ăn trong dịp Tết Nguyên đán mà còn giúp con người quan tâm, chia sẻ với nhau hơn sau một năm làm ăn vất vả. Trong cái ấm áp của bếp lửa hồng, gác lại mọi công việc bộn bề, mọi người cùng nhau trò chuyện rôm rả. Những đứa trẻ má ửng hồng vì hơi nóng ngồi xúm lại, xuýt xoa trông nồi bánh, rồi nô đùa hồn nhiên với nhau. Tự nhiên, mọi vất vả, cực nhọc trong năm qua như tan biến. 

 

Những chiếc bánh chưng sau khi nấu xong được ông Dương cẩn thận đặt lên tấm gỗ để ép nước. Ảnh: Ngọc Thu
Những chiếc bánh chưng sau khi nấu xong được ông Dương cẩn thận đặt lên tấm gỗ để ép nước. Ảnh: Ngọc Thu

Trong cuộc sống hiện đại, nhất là vùng thành thị, cùng nhau nấu bánh chưng ngày Xuân đã gắn kết các gia đình lại với nhau. Hơi ấm nồng nàn lan tỏa của nồi bánh chưng xanh ngày Tết khiến cho con người thêm trân trọng những phút giây đoàn viên, ấm áp, hạnh phúc hiếm hoi này.

Minh Nguyễn Nguyễn-Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm