Ngày 21-12, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính thức ra mắt tập sách ca-ta-lô (bản tiếng Anh) với nhan đề “Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”.
Tập sách ca-ta-lô (bản tiếng Anh) với nhan đề "Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng" vừa chính thức ra mắt ngày 21-/12 |
Tập sách dày 300 trang, tập hợp những bức ảnh đẹp, tiêu biểu trong bộ sưu tập về hiện vật điêu khắc Chăm của bảo tàng. Đồng thời, tóm lược những nghiên cứu trước đây về vương quốc Champa, giới thiệu những nhận định mới của các học giả Việt Nam và quốc tế về quá khứ Champa, về hình tượng thổ thần (thần đất), đài thờ, bàn thờ, những điệu múa trong nghi lễ cúng thần Siva, ảnh hưởng của nghệ thuật Khơ-me đến văn hóa Chăm, cũng như mối quan hệ năng động giữa Champa với các dân tộc xung quanh, trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa, đặc biệt ở thế kỷ 12 và 13.
Tập sách dày hơn 300 trang. tập hợp những bức ảnh đẹp, tiêu biểu trong bộ sưu tập về hiện vật điêu khắc Chăm và tóm lược những nghiên cứu về vương quốc Champa |
Ông Võ Văn Thắng-Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm - cho biết: Cuối năm 1915, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng. Đến giữa năm 1919, Henri Parmentier đã công bố tài liệu ca-ta-lô đầu tiên của Bảo tàng trên tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
100 năm qua, một số hiện vật trong tập danh mục của Henri Parmentier đã bị thất lạc, hư hại hoặc đã di chuyển đi các bảo tàng khác. Trong khi đó, lại có nhiều hiện vật mới được sưu tầm, bổ sung. Công tác nghiên cứu, diễn giải về các hiện vật đã có nhiều thành tựu mới.
Năm 2015, với sự hỗ trợ của Quỹ Alphawood Foundation, Tiến sỹ Peter Sharrock - Phụ trách Chương trình nghiên cứu nghệ thuật Đông Nam Á của Đại học SOAS Luân Đôn đã xúc tiến một dự án hợp tác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm là thực hiện một cuốn ca-ta-lô mới đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng (1915-2015). Qua 2 năm triển khai, Dự án hoàn thành và tập sách ca-ta-lô (bản tiếng Anh) ra mắt với tên gọi “Âm vang của Đá - Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”.
Tiến sỹ Peter Sharrock - người điều hành dự án - chia sẻ kỳ vọng: “Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lâu nay là một điểm giới thiệu nghệ thuật, văn hóa Champa thu hút người dân và du khách. Chúng tôi tin rằng cuốn ca-ta-lô sẽ hỗ trợ hơn nữa cho sứ mệnh của Bảo tàng trong việc lưu giữ, phát huy giá trị đặc biệt của nền văn hóa Champa, đưa âm hưởng của các tác phẩm nghệ thuật đá này vang xa hơn”.
Khánh Hiền (Dantri)