(GLO)- Đối với nhiều người, quá trình gắn bó với An Khê từ thời chiến đến thời bình là cả một bản hùng ca bi tráng nhưng cũng rất đỗi tự hào. Sau 40 năm, mảnh đất mà họ một thời không tiếc máu xương để bảo vệ, đã vươn mình trỗi dậy, trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh nhà.
Ngày 23 lịch sử…
Vào những ngày tháng 3 cách đây tròn 40 năm, hòa chung với khí thế tiến công của quân dân miền Nam nói chung, Gia Lai nói riêng, ở phía Đông tỉnh, từ ngày 17-3, bộ đội ta đã nổi dậy tấn công địch và giải phóng các xã phía Bắc An Khê. Ông Lê Thanh Sơn (hiện ngụ tại số 33/1/1 Lê Lợi, tổ dân phố 8, phường An Bình, thị xã An Khê) khi ấy là Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội công tác của xã Cửu An, hào sảng kể lại: Cứ điểm đầu tiên quân ta đánh vào là Núi Đất. Lực lượng dân vệ của ngụy đóng tại đó sau khi chống cự không thành đã bỏ chạy tán loạn. Ta chẳng mất nhiều công sức để chiếm được cứ điểm này, kể cả đánh đồn Cửu An và tiếp đó là giải phóng Cửu An, An Định. Ngày 18-3, địch ở Tú Thủy và Song An cũng đầu hàng và đến ngày 20-3 thì Song An tiếp tục được giải phóng; quân ta áp sát ngã ba Đồng Găng, làm chủ tình hình phía Bắc, Nam và Tây An Khê.
Một góc thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: H.T |
Theo ông Sơn, thông tin quân ta liên tục giành thắng lợi, giải phóng được Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Tuy Phước (Bình Định), Pleiku (Gia Lai)… loan về, đã khiến quân địch ở đây cực kỳ lo sợ và hoang mang. Do đó, khi ta nổ súng tấn công, rất ít trong số chúng có tinh thần đánh trả mà chỉ mong chạy thoát thân càng nhanh càng tốt.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Thanh Hiển-nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Khê (tại số 25 Đống Đa, tổ dân phố 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) để tiếp tục câu chuyện về chuỗi ngày tháng 3 lịch sử ấy. Tiết trời oi nồng của mùa khô Tây Nguyên hiện tại cũng gợi nhiều liên tưởng đến không khí nóng bỏng, sục sôi của thời điểm quá khứ cách nay 40 năm. Thư thả nhấp ngụm trà, ông Hiển lần lượt điểm lại: Sau khi giải phóng các xã ở cánh Bắc, Ban Chỉ huy Mặt trận An Khê trực tiếp chỉ đạo lực lượng chính trị và vũ trang tiếp cận vào trung tâm An Khê đánh địch. Tôi khi đó là Đội trưởng Đội công tác chính trị An Khê. Ngày 21-3, chúng tôi cùng lực lượng bộ đội địa phương khu 2, khu 8 và đơn vị đặc công, trinh sát Tỉnh đội hợp sức vây ép tiến công địch, bắt hàng trăm dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Sư đoàn 22 của ngụy, lính bảo an… bỏ chạy về hướng An Quý, Ya Hội, luồn rừng chạy xuống Bình Định. Sáng 23-3, quân ta chính thức tiếp quản An Khê; hơn 4,5 vạn dân phía Đông tỉnh được hoàn toàn giải phóng.
Mãi tới bây giờ, ông Hiển vẫn không thể nào quên cảnh hỗn loạn lúc ấy. “Nào ngụy quân, ngụy quyền và cả dân nữa, ai cũng xô nhau, tay xách nách mang mà chạy. Thậm chí, lính ngụy lúc ấy trên người chỉ vỏn vẹn chiếc quần đùi, không hành lý, không súng ống, dắt díu nhau cố chạy thoát thân. Có người dân trong lúc sơ tán còn sinh con ngay cả bên bụi rậm ven đường, tôi còn nghe rất rõ tiếng trẻ sơ sinh khóc. Phải vất vả lắm, chúng ta mới khuyên nhủ và kêu gọi được dân quay trở về nhà”-ông Hiển nhắc nhớ.
4 thập kỷ hồi sinh, phát triển
Ông Hiển bồi hồi nhớ lại thời điểm giải phóng An Khê cách đây tròn 40 năm. Ảnh: H.T |
Ngay sau khi được giải phóng, các địa phương đã nhanh chóng thành lập Ủy ban Quân quản, kịp thời giải quyết những công việc đặt ra trước mắt. Một vùng đất mới thoát khỏi chiến tranh với tàn tích nặng nề, đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp phân tán và đôi ba cửa hàng tạp hóa nhỏ… đang được chính quyền và nhân dân khi ấy nỗ lực hồi sinh.
Bên cạnh việc tập trung cứu đói cho dân bằng cách lấy của dân nuôi dân, chính quyền còn vận động bà con, ai có đất thì canh tác trở lại, ai không có đất thì chung tay khai hoang sản xuất nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu ăn. Ông Sơn chia sẻ: “Giải phóng xong, tôi được bầu làm Chủ tịch lâm thời của xã An Định (nay là xã Xuân An-N.V) khoảng 3 tháng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi cũng như nhiều người lúc bấy giờ là sự kiện xây dựng đập Giảo-đập thủy lợi đầu tiên ở An Khê để tưới tiêu cho cánh đồng có diện tích tầm 10 ha thuộc địa bàn xã. Những tưởng sẽ khó khăn, song sau khi nghe chúng tôi phát động, nhân dân vô cùng phấn khởi và đồng lòng góp sức đắp đập. Đường điện được kéo từ An Khê ra, tận dụng các bóng đèn cũ của địch bỏ lại thắp sáng cả một vùng. Bà con vui vẻ làm, có ngày đến tận 12 giờ đêm mới nghỉ, 3 tháng thì xong. Năng suất lúa nhờ thế tăng lên rõ rệt, đời sống người dân đã bớt đói khổ phần nào”.
Với thành tích trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2005, thị xã An Khê được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2013 được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất. |
Sau sự kiện ấy, nhân dân cả vùng An Khê lại cùng nhau đổ về khai hoang cánh đồng Đê Bar rộng lớn (thuộc xã Tơ Tung, huyện Kbang ngày nay). Từ đó, sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa nước đã tập trung và có điều kiện thuận lợi để phát triển. Cùng với bà con địa phương, người dân từ các tỉnh khác cũng được Nhà nước vận động về đây xây dựng kinh tế mới, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và kiến thiết vùng Tây Sơn Thượng đạo.
Đồng hành cùng An Khê qua bao giai đoạn thăng trầm, những người như ông Hiển, ông Sơn không khỏi tự hào trước sự đổi thay không ngừng của mảnh đất này về mọi mặt. Từ một nền kinh tế lạc hậu, yếu kém, nay An Khê đã bước sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính chuyên canh; thương mại, dịch vụ đã vươn ra khỏi quy mô gia đình nhỏ lẻ; bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc với cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
Theo số liệu thống kê từ UBND thị xã, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội đất nước gặp khó khăn, song An Khê vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất đạt trên 4.942 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,83%, không còn hộ đói. Nhiều năm qua, thị xã An Khê đã tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp cả về quy mô lẫn loại hình; hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ; trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công viên, cây xanh… được đầu tư xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp khang trang hơn. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định… An Khê đang từng bước khẳng định là trung tâm kinh tế-thương mại và là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh Gia Lai.
Hồng Thi