Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

An Khê tổ chức Lễ tưởng niệm 226 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Sáng 7-9 (nhằm ngày 28-7 năm Mậu Tuất), tại khuôn viên An Khê Trường (thuộc quần thể khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo), Thị ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam thị xã An Khê (Gia Lai) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 226 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2018).
Quang Cảnh buổi lễ. Ảnh: Ngọc Minh
Quang Cảnh buổi lễ. Ảnh: Ngọc Minh
Dự lễ có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng-Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy-Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Hà Sơn Nhin-Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cùng lãnh đạo các Sở, Ban ngành của tỉnh; lãnh đạo thị xã An Khê và lãnh đạo Đảng, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam của 16 huyện, thị thành phố thuộc tỉnh; lãnh đạo các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn thị xã An Khê, đại diện Huyện ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cùng các bô lão và đông đảo nhân dân thị xã An Khê tham dự.
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm. Ảnh: Ngọc Minh
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm. Ảnh: Ngọc Minh
Tại lễ tưởng niệm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thị xã và các huyện cùng nhân dân đã lần lượt kính cẩn dâng những lẵng hoa tươi thắm lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Dưới tượng đài uy nghiêm các đại biểu đã cùng nhau ôn lại sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài ba của người Anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ. Theo đó, năm 1771, từ vùng đất căn cứ địa ban đầu Tây Sơn Thượng đạo (nay là huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê), cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng, lãnh đạo đã phát triển thành cuộc chiến tranh nông dân với quy mô cả nước. Cuộc khởi nghĩa đã đánh tan hai triều đại phong kiến, 5 vạn quân Xiêm La và 29 vạn quân Mãn Thanh, thu giang sơn về một mối.
Thực hiện Lễ dâng vật phẩm theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Thực hiện Lễ dâng vật phẩm theo nghi thức truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh
Sau khi dẹp xong thù trong, giặc ngoài Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào kiến thiết, xây dựng đất nước. Thế nhưng, khi sự nghiệp khôi phục kinh tế, chấn hưng văn hóa tiến hành dang dở, thì ngày 16-9-1792 (nhằm ngày 29-7 năm Nhâm Tý) vua Quang Trung đột ngột băng hà, khi mới 39 tuổi đời.
Trong bầu không khí trang nghiêm và đầy tự hào, từng dòng người hàng nối về trước Điện thờ chính tham gia lễ giỗ theo đúng nghi thức truyền thống; thắp nén nhang thơm, tỏ lòng tri ân thành kính. Cùng với đó, Ban nghi lễ đã thực hiện các nghi thức, dâng vật phẩm, nhang, đèn, rượu, trà... nhạc lễ và đọc bài văn tế thể hiện niềm tưởng nhớ, tiếc thương khôn nguôi.
Nhân dân thị xã An Khê thắp nhan tưởng nhớ vua Quang Trung. Ảnh: Ngọc Minh
Nhân dân thị xã An Khê thắp nhan tưởng nhớ vua Quang Trung. Ảnh: Ngọc Minh
Năm nay, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được thị xã An Khê tổ chức với quy mô lớn hơn các năm trước. Khuôn viên An Khê trường, An Khê đình trang trí rợp cờ hoa; người dân tề tịu về đây đông vui, nhộn nhịp. Lễ tưởng niệm là dịp để nhân dân tưởng nhớ, tri ân người Anh hùng “Áo vải, cờ đào”; qua đó, giáo dục truyền thống lịch sử hào hùng của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo đến lớp lớp người dân. Đây cũng là dịp để thị xã An Khê giới thiệu quảng bá hình ảnh và những nét văn hóa truyền thống, lịch sử, con người nơi đây tới bạn bè bốn phương, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm