Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

An ninh học đường: Năm học mới, nỗi lo cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm học mới bắt đầu cũng là thời điểm xuất hiện nhiều nỗi lo về an ninh học đường như: trật tự an toàn giao thông, nạn bạo lực, ma túy và các tệ nạn xã hội khác ở trong và ngoài trường học.

Nỗi lo an ninh học đường

Cách đây không lâu, ngày 19-7, Công an TP. Pleiku đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng Võ Minh Tiến (SN 1997) và Nguyễn Hữu Hòa (SN 2001), cùng trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku để điều tra về hành vi cướp tài sản. Đáng chú ý, thời điểm bị bắt Nguyễn Hữu Hòa là học sinh lớp 11 của một trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku. Hòa khai nhận đã cùng đồng bọn thực hiện trót lọt nhiều vụ cướp tài sản, chiếm đoạt tiền, vàng, điện thoại của nạn nhân để bán lấy tiền tiêu xài và chơi game.

 

Học sinh chở 4 sau giờ tan trường trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Học sinh chở 4 sau giờ tan trường trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Cũng trong thời gian gần đây, tình trạng học sinh tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường. Điển hình như trên địa bàn huyện Đức Cơ, từ đầu năm đến nay, qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện đã phát hiện 18 trường hợp học sinh ở một số trường trên địa bàn sử dụng ma túy (chủ yếu là cỏ Mỹ). Điều đáng báo động là trong số học sinh trên, có hơn 90% đang là học sinh cấp II. Cơ quan Công an đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, gia đình tổ chức kiểm điểm giáo dục, răn đe và đề ra biện pháp xử lý nếu tái phạm.

Trong năm học 2016-2017 vừa qua, nhiều vụ bạo lực học đường đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Chỉ vì xích mích nhỏ trong lúc chơi đùa, mâu thuẫn chuyện tình cảm, nhiều học sinh cả nam lẫn nữ đã sử dụng bạo lực với nhau. Điều đáng nói ở đây là khi chứng kiến bạn bè đánh nhau, nhiều học sinh tỏ ra vô cảm khi không can ngăn, thậm chí reo hò cổ vũ, quay video clip tung lên các trang mạng xã hội như vụ việc xảy ra tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai).

Ngoài những vi phạm nêu trên, vấn đề đáng báo động nhất hiện nay là tình trạng vi phạm Luật Giao thông Đường bộ của học sinh. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, trong 4 năm gần đây, trên địa  bàn tỉnh xảy ra hơn 40 vụ tai nạn giao thông liên quan đến giáo viên, học sinh, sinh viên, làm chết hơn 40 người, bị thương gần 30 người. Cũng trong thời gian này, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý hơn 2.400 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ (tăng gần 50% so với 4 năm liền kề), xử phạt số tiền gần 1 tỷ đồng.

Vì một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện

 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Hàng năm, Công an tỉnh đều phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức ký cam kết tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Văn Căn-Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, thẳng thắn đánh giá: “Nhìn chung, vấn đề an ninh học đường năm học 2016-2017 trên toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đã quan tâm đúng mức khi 100% các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, 17 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố đã ký kết văn bản phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công tác an ninh học đường theo quy chế phối hợp của Công an tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, tình hình học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm Luật Giao thông Đường bộ vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội facebook để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác gây dư luận xấu… Trong năm học 2017-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo các mặt công tác, trong đó đặc biệt quan tâm đến an ninh học đường…”.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, để phòng ngừa những vấn đề phức tạp có thể xảy ra ở trong và ngoài trường học, bước vào năm học 2017-2018, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an ninh học đường. Thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Pah, cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã ký kết quy chế phối hợp với Công an huyện về vấn đề này. Bên cạnh đó, trước và sau mỗi buổi học, nhà trường cũng đã liên hệ phối hợp với Công an thị trấn Phú Hòa đảm bảo an ninh trật tự khu vực trong và ngoài trường học để phòng ngừa và kịp thời giải quyết những tình huống phát sinh mâu thuẫn giữa học sinh trong trường với nhau…”.

Về việc ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, từ đầu năm học 2017-2018, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ sở giáo dục, Công an các địa phương tổ chức được hơn 30 buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Giao thông và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, chủ công là lực lượng Cảnh sát Giao thông để phối hợp với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh các cấp. Tuy nhiên, qua quá trình tuần tra, kiểm soát, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông Đường bộ vẫn còn xảy ra, nhiều nhất là các lỗi chở 3, chở 4; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; điều khiển xe trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe… Vì vậy, thời gian tới, để xử lý tình trạng này, lực lượng Công an sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra những nơi gần trường học, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông Đường bộ”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm