Thời sự - Bình luận

An toàn là trên hết!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ 2 tuần nhưng các bài test về ý thức tuân thủ luật giao thông thông qua Nghị định 168/2024 đã thấy rõ.

Đó là vỉa hè thông thoáng, đường sá ngăn nắp và đặc biệt là theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 14-1, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ và thời gian liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết và 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ, giảm 47 người chết, giảm 426 người bị thương.

Tất nhiên, khi thấy mức phạt tăng cao ắt sẽ có một bộ phận ngấm ngầm phản ứng, nhưng soi rọi ở góc độ người hưởng thụ tiện ích xã hội thì cũng dễ thấy rằng tăng mức phạt để tạo ý thức công cộng là cần thiết. Mọi người đều tuân thủ luật giao thông dừng đèn đỏ đúng vạch, bỗng dưng có những người chen nhau vượt lên, leo lên lề giành cả phần đường của người đi bộ, lấn tuyến, tranh đường vượt ẩu là điều không thể chấp nhận. Sự thiếu ý thức này đã tước đi quyền lợi của người khác và uy hiếp đến sự an toàn nơi công cộng. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm và các biện pháp xử phạt nhẹ, thiếu camera theo dõi… đã không đủ răn đe những người thiếu ý thức. Nay, sự ngăn nắp, trật tự giao thông đã được lập lại thì chúng ta phải nhìn nhận hiệu quả mà quy định nghiêm khắc mới có thể mang lại.

Cũng nên nhớ, quy định này áp dụng trên toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn chứ không phải dành riêng cho đối tượng nào, địa phương nào. Những bất cập diễn ra ở vài thành phố là có nhưng cách giải quyết từ các nhà quản lý đã được đưa ra nên không thể vì đó mà phủ nhận hiệu quả thấy rõ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2023 cả nước xảy ra hơn 22.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 11.000 người. Năm 2024, các con số tương đương là hơn 23.400 vụ tai nạn giao thông, gần 11.000 người chết. Nguyên nhân chính vẫn là do kém ý thức, vi phạm luật giao thông. Những con số trên rất khủng khiếp, chỉ đứng sau chiến tranh và đại dịch. Con số trên cũng cảnh tỉnh luôn những ai còn hoài nghi về tác dụng của các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Mỗi người trong chúng ta có thể tuân thủ tốt luật giao thông nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng trở thành nạn nhân của những người kém ý thức. Vì vậy, không có gì có thể biện hộ cho những ai xem thường tính mạng của mình và cả tính mạng người khác.

Nhưng theo sau sự răn đe nghiêm khắc, để người dân tuân thủ tốt nhất các quy định thì phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng đường giao thông của họ. Cụ thể, là đối với các thành phố lớn phải nâng được tỉ lệ đường giao thông trên diện tích và mật độ dân số nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Lòng lề đường phải dành cho người tham gia giao thông, chứ không thể để bị chiếm dụng buôn bán, giữ xe… Phải hoàn thiện hệ thống đèn tín hiện giao thông hiện đại phục vụ cho lưu thông dân sinh, hàng hóa ở các thành phố lớn.

Những năm gần đây, cả nước bước vào giai đoạn phát triển giao thông nhanh chóng và đồng bộ bằng các đường nội vùng, liên vùng, bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại… Giao thông càng hiện đại, càng tăng tốc độ thì ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông phải càng cao để hạn chế thấp nhất nguy hiểm và Nghị định 168/2024 bước đầu đã làm được điều này.

Theo Duy Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm