ASEAN họp khẩn ngăn chặn virus Zika

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 19-9, Bộ trưởng Bộ Y tế các nước Đông Nam Á đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến để trao đổi đưa ra các giải pháp nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra với các nước trong khu vực.

Sử dụng máy đo thân nhiệt kiểm dịch phòng ngừa Zika ngay tại cửa khẩu.
Sử dụng máy đo thân nhiệt kiểm dịch phòng ngừa Zika ngay tại cửa khẩu.


Tham dự cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội, có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp. Tính đến ngày 19-9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika. Riêng tại Đông Nam Á đã có 7 quốc gia xuất hiện ca bệnh do virus Zika. Đặc biệt, tại Singapore, từ cuối tháng 8-2016 đến nay, dịch bệnh do virus Zika đã bùng phát với trên 396 trường hợp nhiễm virus Zika. Đáng chú ý, kết quả giải mã trình tự gen cho thấy, virus Zika ở Singapore không trùng với chủng đang lưu hành ở châu Mỹ. Còn virus Zika lưu hành chung ở ASEAN hiện nay có nguồn gốc châu Á và lưu hành từ năm 1960.

Đối với Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Zika, có nguy cơ xâm nhập và lan rộng tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh. Các đơn vị y tế chức năng đã tiến hành lấy 2.679 mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi mắc virus Zika tại 45 tỉnh, thành phố để xét nghiệm. Qua đó đến nay đã xác định 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại TPHCM, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm virus Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch và là 3 ca bệnh riêng lẻ. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, mẫu virus Zika tại Khánh Hòa có nguồn gốc từ châu Á và mẫu virus tại TP. Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ châu Mỹ.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bộ Y tế đã tổ chức khoanh vùng, giám sát ca bệnh nên không xuất hiện thêm các ca mới từ ổ dịch. Ngoài ra, có 3 trường là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam (1 công dân Australia, 1 công dân Đức và một người Đài Loan - Trung Quốc). Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, hiện nay nguy cơ dịch bệnh do virus Zika bùng phát tại Việt Nam là rất cao. Bởi lẽ virus Zika đã xuất hiện và lưu hành trong cộng đồng tại Việt Nam. Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh Sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh virus Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Ngoài ra, đó là sự đi lại giao lưu thuận lợi giữa các quốc gia Đông Nam Á nên nguy cơ nhiễm bệnh từ người trở về từ vùng dịch rất cao.

Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Zika, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh giám sát các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ vùng dịch. Tăng cường giám sát virus Zika tại các cơ sở y tế, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nếu nghi ngờ. Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex "3 trong 1" để giám sát, sàng lọc đồng thời 3 bệnh gồm: Zika, Sốt xuất huyết và sốt Chikunggunia. Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về diễn biến và các biện pháp phòng ngừa virus Zika.

Tại cuộc họp, các nước ASEAN đã thống nhất ra tuyên bố chung với nội dung: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm đánh giá nguy cơ một cách chính xác. Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.

Theo sggp

Theo Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh do virus Zika hiệu quả nhất, người dân cần chủ động và thường xuyên diệt muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng). Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Để tránh bị muỗi đốt, người dân cần phải ngủ màn, dùng kem xua muỗi và hương muỗi. Đặc biệt, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng-chống dịch.

Có thể bạn quan tâm